Những điểm đặc biệt lưu ý khi muốn dự tuyển vào trường quân đội

(PLO) - Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng vừa ký quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh và những điều cần biết vào đào tạo đại học, cao đẳng hệ quân sự tại các học viện, trường trong Quân đội.

Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng (thanh niên ngoài Quân đội sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; quân nhân tại ngũ sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh quân sự cấp trung đoàn và tương đương). Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong Quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành); các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội hoặc hệ dân sự của các trường Quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ  GD-ĐT. 

Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, nếu muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần theo quy định của Bộ GD-ĐT. Năm 2018, Học viện Hải quân và các trường sĩ quan: Lục quân 2, Tăng Thiết giáp, Không quân, Pháo binh, Phòng hóa bổ sung thêm tổ hợp A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) vào xét tuyển. Điểm chuẩn tuyển sinh thực hiện một điểm chuẩn chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài Quân đội; xác định điểm chuẩn riêng theo đối tượng Nam - Nữ (nếu trường có tuyển thí sinh nữ); theo thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực phía Bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) và thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực phía Nam (tính từ Quảng Trị trở vào) hoặc theo từng Quân khu; thí sinh là quân nhân tại ngũ được xác định điểm tuyển theo hộ khẩu thường trú. 

Trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, số thí trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu được giao, sử dụng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển làm các tiêu chí phụ để xét tuyển. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào các học viện, trường trong Quân đội, sẽ được xét tuyển các nguyện vọng kế tiếp vào các trường ngoài Quân đội hoặc hệ dân sự của các trường trong Quân đội theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Trước đó, tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh năm 2018, Đại tá Vũ Xuân Tiến (Trưởng ban tuyển sinh Bộ Quốc phòng) cho biết, trong 18 trường quân đội, duy nhất Học viện Biên phòng đào tạo ngành Luật. Sau khi ra trường, các em sẽ công tác ở những cơ quan liên quan đến pháp lý trong quân đội như biên phòng, tòa án, sỹ quan công tác trong những ngành pháp chế trong quân đội. Học viện Biên phòng tuyển 41 chỉ tiêu ở ngành Luật với 2 tổ hợp xét tuyển: Văn - Sử- Địa và Toán- Lý-Hóa./.

Đọc thêm