Những điểm sáng xã hội hóa điều trị Methadone ở Hải Phòng

(PLO) - Từ năm 2012, Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nguồn tài trợ bị cắt giảm dần nên chuyển đổi mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone từ miễn phí sang xã hội hóa. Sau những phút giây bỡ ngỡ ban đầu, mô hình xã hội hóa điều trị Methadone ở thành phố Hải Phòng đã có những khởi sắc…
Bệnh nhân đang uống Methadone tại cơ sở Lê Chân

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Năm 2008, Chính phủ chọn Hải Phòng thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Hải Phòng triển khai thí điểm ở 3 quận, huyện gồm Lê Chân, Thủy Nguyên và Ngô Quyền. Năm 2010, Hải Phòng thí điểm xã hội hóa tại Cơ sở Kiến An. Đến ngày 1/1/2014, “thành phố hoa phượng đỏ” thực hiện đại trà xã hội hóa chương trình điều trị thay thế bằng Methadone. Về bản chất, đây là thực hiện cơ chế Nhà nước kết hợp với sự đóng góp của người dân, sự giúp đỡ của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Tính đến hết tháng 4/2018, Hải Phòng có 16 cơ sở điều trị Methadone với tổng số 3.937 bệnh nhân. Trong đó ngành LĐ-TB&XH có 4 cơ sở điều trị với 942 bệnh nhân. Trung tâm Tư vấn cai nghiện tại cộng đồng (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng) là một trong những cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone theo mô hình xã hội hóa đầu tiên của Hải Phòng cũng như cả nước.

Theo số liệu thống kê, Trung tâm đã tư vấn cho 3.500 lượt người/năm; xét nghiệm nước tiểu tìm chất ma túy cho 650 người/năm; điều trị hỗ trợ cắt cơn cai nghiện cho 260-320 người/năm; điều trị hỗ trợ chống tái nghiện 102 người/năm. Công tác giới thiệu việc làm cho nhiều người nghiện sau cai đạt kết quả tốt.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Trung tâm Tư vấn cai nghiện tại cộng đồng cho biết, kết quả bệnh nhân điều trị Methadone cho thấy bệnh nhân trước 6 tháng xét nghiệm có kết quả heroin trung bình các tháng 23%; bệnh nhân sau 6 tháng xét nghiệm cho kết quả dương tính với heroin trung bình các tháng là 11,3%. Hiện trung tâm đang điều trị cho 460 bệnh nhân. Nhiều người từ chỗ suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần nhưng chỉ qua 6 tháng đã khỏe mạnh, tự nguyện tới uống thuốc dưới sự chỉ dẫn và giám sát của cán bộ điều trị. Tất cả cho biết họ hầu như không còn thèm nhớ heroin nữa.

Để hỗ trợ cho bệnh nhân phục hồi sau điều trị, ông Giang cho hay trung tâm đã lập nhóm tự lực “Xây dựng niềm tin, vượt lên chính mình”. Với các hình thức sinh hoạt phong phú, thiết thực, sôi nổi tại cơ sở điều trị cũng như tại cộng đồng đã tạo được sự lan tỏa, khích lệ các bệnh nhân khác tham gia. Mô hình các nhóm tự lực, câu lạc bộ của những người nghiện chích ma túy, HIV/AIDS cũng chính là nhân tố quan trọng tạo nên hiệu quả của các chương trình phòng chống AIDS, trong đó có chương trình điều trị Methadone tại thành phố cảng.

Và yêu thương lại về

Đến thăm cơ sở điều trị Methadone quận Lê Chân, chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu lạc quan của quá trình xã hội hóa điều trị Methadone. So với trước đây, các bệnh nhân phải bỏ ra khoảng 300.000 đồng/tháng để điều trị Methadone nhưng họ vui vẻ chấp nhận bởi những lợi ích đem lại lớn hơn rất nhiều. 

Là 1 trong số 372 bệnh nhân đang điều trị Methadone tại cơ sở quận Lê Chân, anh Nguyễn Minh Q (Lạch Tray, Lê Chân, Hải Phòng) vui vẻ chia sẻ cuộc đời anh bắt đầu “tuột dốc” từ khi “dính” vào nghiện hút. Để rời xa ma túy, anh đã cai không biết bao nhiêu lần nhưng cai rồi… lại tái nghiện. 

Tưởng chừng cuộc đời đã đi vào ngõ cụt, anh Q nghe nói đến chương trình điều trị Methadone nên đăng ký tham gia. Sau hơn một tháng điều trị, việc sử dụng ma túy không có cảm giác nữa nên anh Q bỏ hẳn. Theo thời gian, sức khỏe tốt dần lên, người đàn ông này tham gia phát triển kinh tế gia đình, rồi lấy vợ sinh con. Từ bài học của chính bản thân mình, anh Q truyền đạt kinh nghiệm cho những người cùng cảnh khác và khuyên họ cùng tham gia điều trị:

“Mỗi ngày bỏ ra 10.000 đồng để uống Methadone giống như uống cốc nước ngọt hay ly cà phê nhưng lợi ích, ý nghĩa của nó vô cùng lớn. Giờ đây, tôi đã lấy lại niềm tin của gia đình và cộng đồng, có sức khỏe để kiếm tiền nuôi con. Và còn gì hạnh phúc hơn khi mỗi giờ tan tầm được đứng ở cổng trường học của con chờ đón…”, anh Q nở nụ cười hạnh phúc chia sẻ.

Tương tự như Minh Q, Nguyễn Hữu H ở Lê Chân, Hải Phòng cũng mắc nghiện khá sớm (năm mới 14 tuổi). Vào tù ra tội, sức khỏe suy yếu, không công ăn việc làm khiến nhiều lần H nghĩ đến cái chết. Cuộc sống càng bế tắc hơn khi anh H phát hiện mình nhiễm HIV. Đúng lúc cùng quẫn nhất thì anh được tư vấn, vận động tham gia chương trình Methadone, điều trị ARV... “Chẳng mấy tin vào hiệu quả của chương trình này nhưng tôi vẫn thử cho biết, không ngờ hiệu quả của nó lại lớn như vậy. Không những cai được ma túy, sức khỏe khỏe hồi phục, giờ đây tôi đã có việc làm ổn định, đủ để trang trải cuộc sống và hỗ trợ vợ nuôi con, hàng xóm láng giềng cũng không còn kỳ thị, lánh xa tôi như trước” – anh phấn khởi nói.

Từ tư duy trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức quốc tế chuyển sang việc các bệnh nhân phải chủ động bỏ tiền túi ra điều trị Methadone là một khoảng cách không dễ dàng xóa bỏ được. Nhưng những hiệu quả thực tế cho thấy, chương trình xã hội hóa điều trị Methadone đã có những khởi sắc. Tuy vậy, để chương trình đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, vẫn cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các nhóm, câu lạc bộ tự lực. 

Đọc thêm