Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới năm 2018 có nhiều thách thức và biến động bất thường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, qua đó thu được những kết quả tích cực. Lạm phát bình quân năm 2018 tiếp tục được kiểm soát phù hợp mục tiêu 4% - đánh dấu thành công trong điều hành CSTT của NHNN.
Năm 2019, kinh tế thế giới dự kiến diễn biến khó lường với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Kinh tế thế giới nhiều khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá của năm 2018, dự báo tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bị điều chỉnh giảm; thương mại toàn cầu cũng được dự báo tăng chậm lại. Thị trường hàng hóa thế giới tiềm ẩn những diễn biến khó lường khi giá dầu biến động mạnh, giá lương thực thực phẩm thế giới dự báo tăng, lạm phát thế giới cũng được dự báo tăng trên các khu vực. Dòng vốn tiếp tục biến động phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, ảnh hưởng ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư kinh doanh, gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến dòng chu chuyển thương mại và động lực cạnh tranh.
Ở trong nước, nền kinh tế đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với các khó khăn, thách thức. Điểm thuận lợi lớn là tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục đà hồi phục vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Kỳ vọng vào lạm phát ở mức thấp được neo giữ ngày càng vững; rủi ro vĩ mô giảm mạnh. Niềm tin của nhà đầu tư đối với kinh tế trong nước được củng cố khi Chính phủ chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách, phát triển kinh tế tư nhân, chú trọng tăng trưởng bền vững. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn những rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu nhưng hứa hẹn những cơ hội, cùng với việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước để tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Về định hướng điều hành chung của NHNN: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng. Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ và yêu cầu quản lý…
Về định hướng điều hành nghiệp vụ thị trường mở: NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình vốn khả dụng của các TCTD, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối để điều hành chủ động, linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát tiền tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Về định hướng điều hành tái cấp vốn và dự trữ bắt buộc: Thực hiện tái cấp vốn cho Tổ chức tín dụng (TCTD) với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác.