Thu hút hàng trăm tình nguyện viên
Sáng 22/10, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk đã tổ chức hoạt động “Ngày hội hiến máu tình nguyện”. Đây là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về giá trị nhân văn cao cả trong phong trào hiến máu tình nguyện, hơn nữa, còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc và tăng cường lượng máu dự phòng, kịp thời đáp ứng lượng máu cần thiết cho người bệnh.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022 và Công văn số 21/BCĐVĐ HMTN ngày 22/9/2022 của Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk về việc phối hợp tổ chức hiến máu tình nguyện tháng 10/2022, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng “Kế hoạch vận động và tổ chức Hiến máu tình nguyện năm 2022”.
Qua tuyên truyền vận động, hoạt động trên đã thu hút hơn 300 tình nguyện viên là cán bộ, công chức, viên chức, người dân và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia.
|
Tình nguyện viên được kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu |
Ngay từ sáng sớm, rất nhiều sinh viên và tình nguyện viên đã có mặt để thực hiện các bước đăng ký, khám sàng lọc, xét nghiệm nhanh trước khi thực hiện hiến máu. Không chỉ được kiểm tra sức khỏe mà các tình nguyện viên còn được tư vấn về lợi ích của việc cho máu. Bởi lẽ, lượng máu cho đi sẽ tùy thuộc vào thể trạng cơ thể, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tham gia sự kiện.
Từ ngày thành lập Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đến khi trở thành Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk, trường đã tổ chức 6 lần hiến máu nhân đạo, thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia, tiếp nhận gần 2 ngàn đơn vị máu, đáp ứng một phần cho sự thiếu hụt về máu trong các cơ sở y tế trên địa bàn Đắk Lắk.
|
Các tình nguyện viên chụp ảnh lưu niệm sau khi hiến máu |
Cho đi là còn mãi
Anh Tô Viết Vinh, Phó Chánh văn phòng Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk, người đã hiến máu 19 lần chia sẻ: “Bản thân tôi thấy việc hiến máu rất tốt cho sức khỏe. Bởi lẽ, sau hiến máu, cơ thể sẽ tái tạo lại lượng máu mới, tăng cường khả năng kháng bệnh. Hiến máu giúp cơ thể có phản xạ để huy động năng lượng và nguyên liệu, đáp ứng cho quá trình tạo máu. Việc cho máu khiến tôi tự hào vì đã góp một phần nhỏ cho cộng đồng, xã hội mà cụ thể là người bệnh cần máu”.
|
Anh Tô Viết Vinh trong một lần hiến máu |
Anh Vinh luôn gương mẫu, tích cực đi đầu trong các phong trào thiện nguyện của nhà trường. Anh Vinh hiến máu lần đầu tiên khi còn là sinh viên, có những năm anh hiến máu 3 lần, tham gia nhiệt tình trong các phong trào “Chủ nhật Đỏ”, “Những giọt máu hồng”, “Hiến máu thiện nguyện” tại địa phương. Đặc biệt, mỗi khi các bệnh viện tại địa phương cần máu, anh lại chạy qua để tiếp máu. Hiện, anh đã thực hiện 3 lần tiếp máu cho bệnh nhân cần máu tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
"Gần đây nhất, vào tháng 4/2022, khi đang học lớp Quốc phòng an ninh thì nhận được tin nhắn có bệnh nhân cấp cứu cần máu gấp. Mặc dù biết khi đang học tuyệt đối không được ra ngoài, nhưng tôi vẫn lên trình bày sự việc với lãnh đạo nhà trường và được cho đi. Sau mỗi lần như thế, tôi thấy mình rất thanh thản, nếu không đi chắc có lẽ bản thân sẽ cảm thấy tồi tệ và hổ thẹn. Bởi lẽ mỗi người có một cách sống, tôi có phương châm sống riêng của mình, đó là “cho đi là còn mãi”, anh tâm sự.
|
Nụ cười rạng ngời trên gương mặt anh Vinh (thứ 2 từ trái qua) |
H’SaNa Niê, sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk cho biết lần đầu tham gia hiến máu, H’SaNa có chút hồi hộp, lo lắng. Nhưng trong quá trình lấy máu được các bác sĩ thường xuyên hỏi thăm, theo dõi sức khỏe nên H’SaNa rất yên tâm.
H’SaNa chia sẻ: "Nếu đảm bảo sức khỏe tốt tôi sẽ tiếp tục tham gia những sự kiện thiện nguyện như trên. Nhận thấy hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, trách nhiệm không của riêng ai tôi sẵn sàng tham gia và vận động người thân, bạn bè cùng chia sẻ những giọt máu của mình vì sự sống của những người bệnh đang rất cần".