Những hình phạt được học trò trân quý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không phải hình phạt nào từ thầy, cô cũng phản cảm, đáng lên án. Khi người dạy có tâm, ngay cả hình phạt cũng sẽ trở thành một khắc dấu ý nghĩa trong cuộc đời học trò. Để rồi sau này khi trưởng thành nhớ lại sẽ đọng mãi trong mỗi người là sự trân quý tình cảm của người thầy, cô nghiêm khắc ấy…
Những hình phạt được học trò trân quý

Dạy chữ, dạy người

Thầy Tôn Thân là cái tên quen thuộc với những học trò chuyên Toán. Công tác tại Trường Trưng Vương, Hà Nội, dạy 7 khóa chuyên Toán trung học cơ sở đầu tiên của cả nước, thầy đã đào tạo nhiều nhân tài, như: TSKH Vũ Đình Hòa, nữ Tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam Lê Thị Hồng Vân, rồi Nguyễn Đình Công, Vũ Hà Văn, Ngô Bảo Châu...

Với GS Ngô Bảo Châu, thầy Tôn Thân có một kỷ niệm nhớ mãi. Đó là khi đã được vinh danh trên toàn thế giới, Ngô Bảo Châu có gửi cho thầy một bức thư. Trong bức thư này Châu nhắc lại một chuyện từ thời mình đi học. Do sự việc xảy ra quá lâu, thầy Thân không còn nhớ, nhưng khi đọc xong thư, thầy đã rất xúc động.

Trong lá thư, Ngô Bảo Châu kể, hôm đó, trời mưa to, sau khi tới lớp thầy Thân vắt chiếc áo mưa lên bàn. Hết giờ giải lao, thầy thấy chiếc áo mưa bị vo tròn như một quả bóng, nằm lăn lóc dưới chân cậu học trò tên Huy.

Vì không biết phải trả lời thế nào, Huy đành đứng im chịu phạt. Thầy Thân nghiêm giọng nói: “Tại sao các em lại làm thế với chiếc áo mưa của tôi? Hôm nay các em làm tôi rất buồn, mất lòng tin. Một là các em không biết tôn trọng tài sản riêng của người khác, hai là các em đã không dũng cảm để đứng ra nhận lỗi cùng bạn Huy”.

Trong bức thư của mình sau nhiều năm, Châu đã thú nhận với thầy: “Lúc đó em đã cảm thấy rất xấu hổ vì đã nhiệt tình tham gia đá bóng với cái áo mưa khốn khổ của thầy, mà lại im thin thít. Em học được ở thầy để yêu cái đẹp trong sáng của một bài toán, học được rằng trình bày lời giải cho sáng sủa cũng khó như là tìm ra lời giải. Ngoài ra chúng em học được ở thầy một điều rất quan trọng là: Muốn sống tử tế, trước hết phải biết xấu hổ!”. 

ThS Ngô Văn Lộc - Giám đốc Công ty AVC Việt Nam cũng kể về những hình phạt từ thầy, cô mà nhờ đó mà đã giúp anh và bạn bè trưởng thành hơn. “Năm tôi học cấp hai, cô giáo môn Giáo dục công dân rất nghiêm khắc và hay phạt những ai đi trễ. Có lần tôi và ba bạn nữa đến lớp trễ. Là một học sinh khá chuyên cần, tôi rất lo sợ, bị phạt nghĩa là mất mặt trước 45 cặp mắt ngồi ở dưới.

Sau đó cô phạt mỗi đứa thụt dầu 45 cái (động tác dùng hai tay bắt chéo qua ngực nắm vào hai dái tai bên đối diện, đứng lên ngồi xuống. Hình phạt này thường xuất hiện trong các trường phổ thông ở TP HCM trước đây, nhưng giờ đã ít xuất hiện vì những hậu quả về tinh thần và thể chất có thể gây ra cho giới trẻ ở độ tuổi vị thành niên).

Cả bốn đứa hì hục thụt dầu, nhưng mới được vài cái thì “xoẹt”, âm thanh đó đến từ cái quần sờn vải của tôi. Mặt tôi đỏ bừng, chỉ muốn kiếm một lỗ để chui xuống đất. Tôi đứng im mãi mặc cô giáo thúc giục tiếp tục, giữa những tiếng khúc khích của chúng bạn. Bạn lớp trưởng sau đó chạy lên nói nhỏ vào tai cô về sự cố của tôi, rồi cô cho cả bốn đứa bị phạt về chỗ” - anh Lộc nhớ lại.

Sau đó, cô giáo của anh chia sẻ nhẹ nhàng trước lớp: “Cô muốn các em phải tự nói lên khó khăn của mình chứ không phải đợi người khác lên tiếng giùm. Trong cuộc sống sau này, chính các em phải tự chịu trách nhiệm, tự giải quyết các vấn đề phát sinh của bản thân. Cô muốn các em sẽ mạnh mẽ hơn”. Hình phạt và lời khuyên đó theo anh Lộc đến tận sau này.

Vì chính học sinh, thầy, cô đôi khi phải đóng “vai ác”

Còn nhớ, cách đây không lâu, sau sự việc một phụ huynh lên tiếng về vấn đề “bị cô đánh nhiều lần, con tôi mặc định mình học dốt”, một giáo viên đã có bài viết chia sẻ trên truyền thông. 

“Tôi và nhiều đồng nghiệp của mình không bao giờ muốn dùng tới biện pháp mạnh là phạt trò bằng roi. Chúng tôi cũng biết, cũng hiểu, không nên dạy trẻ bằng bạo lực, càng không muốn để lại hình ảnh người giáo viên quá hà khắc trong kí ức tuổi thơ của các em. Thực tâm thì chẳng ai lại thích cáu gắt, thích dùng vũ lực với học sinh của mình. Nhưng những lời dạy bảo ân cần, những lời nhắc nhở nhẹ nhàng khi trò phạm lỗi đôi khi cũng chẳng tác dụng gì với một số em. Không phải vì mình mà vì những học sinh khác và vì chính các em, thầy, cô đôi khi phải đóng “vai ác”.

Khi giáo viên dùng tới đòn roi, đó là lúc các thầy, cô giáo thật sự đã bất lực. Vì trước đó, chính họ đã phải dùng khá nhiều cách nào là nhẹ nhàng nhắc nhở, ngọt ngào dỗ dành hay nghiêm khắc răn đe... Và cũng đã không ít lần gọi điện về phản ánh với phụ huynh.

Nhưng những học sinh này vẫn chứng nào tật ấy. Không phải học sinh nào trong lớp cũng bị đòn roi. Thường thì mỗi lớp khoảng 50 em cũng có dăm em thường xuyên không chịu nghe lời. Cũng đã có không ít phụ huynh tới đề nghị giáo viên: “Con tôi nên tôi hiểu, nó lì lắm, nói chẳng nghe bao giờ. Cô/thầy cứ đập giùm”.

Cầm thước tét trò một cây, phải nói là bất đắc dĩ giáo viên mới phải dùng cách ấy. Vì nếu không thế, các em không học được gì cho mình còn làm ảnh hưởng đến nhiều học sinh trong lớp. Phải trải qua thực tế mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của các giáo viên. Đủ các thứ áp lực vây quanh như chỉ tiêu lên lớp, chất lượng học tập, nội quy nhà trường… nếu thầy, cô không nghiêm khắc cũng khó mà thực hiện được.

Cũng có không ít giáo viên vì sợ phản ứng của phụ huynh, sợ dư luận nên đã “makeno” để học sinh muốn làm gì thì làm. Giáo viên cứ đến giờ vào lớp và hết giờ bước ra. Thật tình vào những lớp học như thế khá lộn xộn, ồn ào. Nền nếp học tập, sinh hoạt bị phá vỡ, nhiều học sinh đã chẳng học được gì vì thường xuyên bị một số bạn trong lớp quậy phá.

Thay vì trách thầy, cô dùng đòn roi, các bậc cha mẹ hãy gần gũi con cái hơn để uốn nắn, rèn giũa và cùng phối hợp với giáo viên nhắc nhở, răn dạy các em. Tránh tình trạng phó thác con hoàn toàn cho nhà trường, tiếc thay tình trạng này đang khá phổ biến. Có thế chuyện thầy, cô dùng đòn roi hay những lời la mắng với trò sẽ chẳng bao giờ có nữa”.

Là một giáo viên nghiêm khắc, tốt hay xấu?

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Peck Cho, Trường Đại học Nữ Sookmyung - Hàn Quốc, Ủy viên cố vấn chính sách của Bộ Giáo dục khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các thầy, cô xây dựng hình ảnh một người giáo viên nghiêm khắc hay hiền hòa một phần do sự ảnh hưởng từ chính những thầy, cô trước kia và ngay cả phương pháp giáo dục “cứng rắn” hay “mềm mại” của bố mẹ mình.

Thông thường, học sinh phân biệt giáo viên của mình có khắt khe, nghiêm khắc hay không bằng cách quan sát thái độ, hành vi khi giáo viên đó thực hiện và triển khai các quy tắc trong lớp học. Có những giáo viên khắt khe nhưng cũng có những giáo viên dịu dàng, bao dung đối với những lỗi lầm của học sinh.

Một giáo viên nghiêm khắc sẽ có hai tác động: Tác động tích cực và tiêu cực. Tác động tích cực là lớp có tổ chức tốt, kỷ luật; sinh viên nền nếp, trong khi các tác động tiêu cực lại thường được tiếp cận được ít hơn; áp lực trong lớp học, sự sợ hãi của học sinh đối với giáo viên và thậm chí có thể là những “cuộc nổi loạn”, chống đối ở lứa tuổi nhạy cảm khi hình phạt quá gay gắt…

Để giữ tinh thần trách nhiệm của học sinh và sự kỷ luật trong lớp học, các giáo viên nghiêm khắc sẽ kiểm soát lớp học chặt chẽ bằng những quy tắc và hình phạt đề ra. Điển hình như việc mắc lỗi ở sổ đầu bài, nói chuyện riêng, làm giảm thi đua của lớp…

Và cũng tùy vào sự nghiêm ngặt của mỗi giáo viên mà họ sẽ đề ra những hình thức xử lý khác nhau. Một lớp học được tổ chức tốt do giáo viên kiểm soát sẽ khiến cho học sinh hiểu rõ việc nên làm và không nên làm. Bằng cách đưa ra các hướng dẫn nghiêm khắc, giáo viên tạo ra một môi trường học tập nghiêm túc, học sinh sẽ được khuyến khích để trở thành một người có trách nhiệm và dần dần hình thành tính kỷ luật.

Tuy nhiên, một giáo viên nghiêm khắc không phải lúc nào cũng mang lại tác động tích cực mà còn là những tác động tiêu cực. Có rất nhiều giáo viên tin rằng họ có thể tạo được được sự tôn trọng và sự nghe lời của học sinh bằng cách giữ một thái độ nghiêm khắc, hành vi thể hiện sự “uy quyền” biểu hiện từ những hành động nhỏ nhất: Một ánh mắt “sắc”, một cái nhau mày, một cái chỉ tay, một giọng la mắng với âm độ cao và còn hơn thế nữa…

Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý học sinh, do đó các em dần dần sẽ hình thành khoảng cách với thầy cô, việc nghe lời và tuân thủ nội quy cũng bắt nguồn từ tâm lý sợ hãi. Vậy thử hỏi, sau khi cô không giảng dạy nữa, học sinh liệu có tuân thủ và răm rắp nghe lời nữa không?

Sự nghiêm khắc của thầy, cô không khuyến khích được sự tự giác thực hiện ở mỗi em học sinh. Bên cạnh đó, trở thành một giáo viên nghiêm khắc cũng sẽ gây ra sự ức chế hay áp lực đối với học sinh. Đó là một thực tế không thể chối cãi, khi trở thành một giáo viên “khó tính”, quá nghiêm khắc, có nghĩa là cũng có khá nhiều học sinh “không ưa”, học sinh sẽ không thoải mái khi tiếp cận thầy, cô cũng như sẽ có những tổn thương nhất định.

Nói tóm lại, theo Giáo sư Peck Cho, việc trở thành một mẫu giáo viên nghiêm khắc đều những ưu điểm và hạn chế nhất định. Điều quan trọng, mỗi giáo viên cần sự khéo léo, tinh tế, áp dụng sự khắt khe đó một cách linh hoạt, chừng mực cùng với sự bao dung, dịu dàng để học sinh cảm nhận được tình cảm của thầy, cô mà chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo. 

Đọc thêm