Giai điệu mang kí ức, niềm tin, khát vọng
Giữa muôn vàn bản nhạc về mùa xuân, “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao luôn giữ một vị trí thiêng liêng trong lòng người Việt. Ca khúc được sáng tác vào Tết năm 1976, khi cả dân tộc lần đầu tiên đón xuân trong niềm hạnh phúc đoàn tụ sau bao năm chia cắt bởi chiến tranh. Thực tế, bài hát đã được nhạc sĩ Văn Cao lên ý tưởng từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nhưng phải đến mùa xuân đầu tiên sau khi đất nước thống nhất năm 1976 ông mới viết và hoàn thành.
“Mùa xuân đầu tiên” chạm đến lòng người bằng những nốt nhạc dịu dàng, sâu lắng. Giai điệu chậm rãi, lời ca giản dị nhưng đầy ý nghĩa đã vẽ nên bức tranh mùa xuân hòa bình với hình ảnh rất đỗi đời thường: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường mùa vui nay đã về/Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/Một trưa nắng cho bao tâm hồn”... Sau những năm dài kháng chiến, mất mát, hy sinh, một mùa xuân “bình thường” đầu tiên lại khiến người ta rơi nước mắt. Chính những điều nhỏ bé, bình dị ấy lại mang thông điệp lớn lao về sự thiêng liêng của hòa bình và sự tái sinh của cả dân tộc.
Văn Cao không chỉ viết về mùa xuân, ông viết về niềm hy vọng, tình yêu và sự đoàn kết của con người. Từng ca từ như ôm lấy vết thương của chiến tranh, xoa dịu bằng hơi ấm của yêu thương và hàn gắn bằng nhịp cầu thống nhất. Chính sự nhân văn và chiều sâu triết lý ấy đã khiến “Mùa xuân đầu tiên” vượt thời gian, trở thành bản nhạc mùa xuân bất hủ, đi cùng năm tháng và sống mãi trong trái tim người Việt.
Ra đời cùng thời điểm với “Mùa xuân đầu tiên” là “Mùa xuân đến rồi đó”, cũng là một khúc ca mùa xuân hòa bình với những hình ảnh rất “đời”. Bài hát này được nhạc sĩ Trần Chung sáng tác năm 1976 trong chuyến đi công tác ở các tỉnh phía Nam và có dịp tiếp xúc với các thanh niên xung phong đang ở độ tuổi “xuân thì” với đầy sức sống, với tình yêu đời và khát vọng cống hiến mãnh liệt.
“Nghe em mùa xuân nói gì đó/Xúc động lòng ta trước cuộc đời/Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én đã bay về ríu rít ngang trời/Chim hót chào bàn tay dựng xây trên tầng cao có thấy/Mùa xuân náo nức công trường đồng lúa mới dâng hương…”. Bài hát dạt dào sức sống, mang đầy tình yêu quê hương, đất nước, mang nhiệt huyết của những người trẻ đang dựng xây lại quê hương sau bao mất mát. Sức xuân ấy chảy trôi trong từng lời hát, từng giai điệu trầm bổng, vui tươi. 40 năm đã trôi qua, những mỗi mùa xuân đến, nghe lại ca khúc “Mùa xuân đến rồi đó”, lòng người vẫn vẹn nguyên cái rộn ràng, phơi phới ấy.
Dường như, những điều gì đẹp đẽ, thiêng liêng nhất, lại chính là những điều bình dị nhất. Xuất hiện trong những khúc ca mùa xuân bất hủ thường không phải những điều gì lớn lao, phi thường, chỉ là những cánh én nhỏ, làn khói lưng trời, là công trường sôi nổi, hay vẻ đẹp giản dị những vạt lúa, đồng hoa như trong ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của nhạc sĩ Ngọc Khuê viết vào cuối năm 1980. Nhạc sĩ đã chia sẻ về bối cảnh ông sáng tác bài hát như sau: “Tôi vốn là người Hà Tây nhưng sống tại Hà Nội. Từ rất lâu tôi muốn viết một ca khúc về mùa xuân Hà Nội, nhưng chưa tìm được tứ. Rồi một chiều đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, tôi mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có làng hoa, mà còn có cánh đồng lúa xanh mướt, tôi muốn ví đó là những làng lúa. Phát hiện đó đã khiến tôi bật ra câu hát: “Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê. Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều. Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa…”. Từ câu hát đầu tiên ấy, về nhà tôi đã viết xong bài hát mà hầu như không phải chỉnh sửa nhiều”. Bài hát đã giúp nhạc sĩ Ngọc Khuê được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017.
Những hình ảnh của cánh đồng lúa xanh mướt, những vạt hoa rực rỡ ngát hương, khung cảnh miền quê bình yên mà tươi đẹp, cùng với nhạc điệu du dương đã ru lòng biết bao thính giả. Chính vì thế, “Mùa xuân làng lúa làng hoa” đã được đông đảo công chúng Việt Nam thời điểm đó đón nhận, vượt lên cả sự mong đợi của người sáng tác và vẫn giữ nguyên sức sống cho đến ngày hôm nay.
|
NSND Thanh Hoa biểu diễn ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của nhạc sĩ Ngọc Khuê. (Ảnh: MH) |
Nhắc đến những khúc ca xuân bất hủ sống cùng năm tháng, có lẽ cũng không thể nhắc đến bài hát “Mùa chim én bay” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Diệp Minh Tuyền vào năm 1980. “Khi gió đồng ngát hương rợp trời chim én lượn/Cây nẩy đầy chồi xanh mây trắng bay yên lành/Em chợt đến bên anh dịu dàng như cơn gió nhẹ/Mà lòng anh để ngỏ cho tình em mơn man”. Một tình khúc mùa xuân dịu dàng quá đỗi, khiến người ta nghe mà chìm đắm trong những giai điệu ngọt ngào sâu lắng, khiến người ta cảm thấy như mùa xuân của tình yêu đang đơm chồi, nảy lộc trong chính cõi lòng ta.
Không ồn ào, không náo nhiệt, không “Tết đến xuân về”, nhưng chất “xuân” ẩn trong từng tứ thơ, nhịp điệu chảy trôi mới là điều khiến người nghe rạo rực, xôn xao, khiến cho ca khúc mùa xuân của hơn 40 năm về trước vẫn vang lên trong mỗi mùa xuân hôm nay.
Xuân của tình yêu và tuổi trẻ
Nền âm nhạc Việt Nam rất phong phú, điều này thể hiện cả trong những ca khúc mùa xuân. Chúng ta có những ca khúc kinh điển mùa xuân kháng chiến vừa sôi nổi, tràn đầy tinh thần yêu nước như các ca khúc của Xuân Hồng, người được mệnh danh “nhạc sĩ mùa xuân”: “Xuân chiến khu”, “Mùa xuân bên cửa sổ”... Hay những khúc ca xuân hòa bình với tinh thần cách mạng hăng say như “Đường tàu mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”... của nhạc sĩ Xuân Hồng.
Nền âm nhạc Việt Nam cũng có một trường hợp ca khúc xuân rất đặc biệt, đó là bài hát “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. “Ly rượu mừng” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác và ban hợp ca Thăng Long trình diễn vào năm 1952. Từ khi ra đời, qua các giọng hát danh tiếng của nền tân nhạc khi ấy, ca khúc đã trở thành một khúc xuân ca không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về, được phát lên các đài phát thanh để “đếm ngược” cho phút giao thừa. Sức ảnh hưởng của bài hát là rất lớn trong nền âm nhạc Việt Nam thời ấy.
Lời bài hát vẫn là khung cảnh ấm áp, tươi đẹp của mùa xuân quê hương Việt Nam trên khắp nẻo đường: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/Người thương gia lợi tức/Người công nhân ấm no...”. Kết hợp với giai điệu đẹp, lúc dịu dàng, ấm áp, lúc lãng mạn, lúc lại mang âm hưởng hùng tráng, khơi gợi lên trong lòng người một tình cảm xúc động với những điều đẹp đẽ xung quanh, về tình yêu quê hương, đất nước, mở cửa lòng đón mùa xuân mới rộn ràng.
Tuy nhiên, có một thời điểm, ca khúc bị cấm phát hành do có từ “người lính” khá nhạy cảm, dễ gây hiểu lầm về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Tuy nhiên, sau đó, bài hát đã được “minh oan” bởi những nhà nghiên cứu âm nhạc sau khi xác định rõ thời điểm sáng tác bài hát, đã cho thấy ca khúc ra đời trong bối cảnh 1951 - 1953, đây là thời điểm nhạc sĩ Nguyễn Đình Chương sáng tác các ca khúc về người lính trong kháng chiến chống Pháp. Như thế, đây hoàn toàn là một khúc ca xuân yêu nước với khát vọng ấm no, hòa bình. Và bài hát đã được “gỡ” rào cấm, lại trở thành khúc ca vang lên mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Âm nhạc Việt Nam còn có những ca khúc mùa xuân rất đỗi ngọt ngào, thiên về “ủy mị” về mùa xuân của tình yêu đôi lứa, hoặc những ca khúc ồn ã, rộn vui, được bao thế hệ người yêu nhạc Việt yêu thích, có thể kể đến: “Bài ca Tết cho em” của nhạc sĩ Quốc Dũng với những câu hát đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người nghe nhạc: “Tết này anh không thèm kẹo mứt/Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng”; “Điệp khúc mùa xuân” cũng của nhạc sĩ Quốc Dũng đầy vui tươi: “Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng/Chở tia nắng về trong ánh mùa sang”. Hay “Anh cho em mùa xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền với giai điệu rộn ràng trên nền nhạc Tango: “Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở/Chiều đông nào nhung nhớ”; “Ngày Tết quê em” của nhạc sĩ Từ Huy: “Tết Tết Tết Tết đến rồi/Tết Tết Tết Tết đến rồi/Tết đến trong tim mọi người”...
Ở những năm 90 trở lại đây, âm nhạc Việt Nam tiếp tục cho ra đời những ca khúc xuân sâu lắng, lãng mạn, được công chúng yêu thích qua năm tháng, như “Lắng nghe mùa xuân về” của nhạc sĩ Dương Thụ; “Khúc giao mùa” của nhạc sĩ Huy Tuấn; “Phút giao thừa lặng lẽ” của hai nhạc sĩ Anh Quân và Huy Tuấn; “Thì thầm mùa xuân” của nhạc sĩ Ngọc Châu... Đó đều là những ca khúc không thể thiếu mỗi dịp đón xuân của làng nhạc Việt.
Những khúc ca xuân bất hủ không chỉ là âm hưởng của ký ức, mà còn là nhịp cầu nối những thế hệ người Việt qua bao mùa Tết. Từ giai điệu hào hùng đến lời ca ấm áp, dịu dàng, mỗi khúc ca mang theo hơi thở của đất trời, tình yêu quê hương và niềm hy vọng. Trong lòng người Việt, mùa xuân không chỉ là một thời khắc, mà còn là bản hòa ca bất tận của niềm tin và khát vọng, mãi ngân vang theo năm tháng.