Những lưu ý quan trọng trước khi khám sức khỏe tổng quát

(PLVN) -  Khám sức khoẻ tổng quát nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ tổng thể của mỗi người ở một thời điểm thông qua việc đánh giá chức năng của hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan và không có thói quen đi khám sức khỏe tổng quát. Việc làm này rất có hại cho sức khỏe, bởi có rất nhiều căn bệnh tiềm ẩn không có triệu chứng có thể khiến chúng ta gặp nguy hiểm.

1. Khám sức khỏe tổng quát

Nhiều người thường chủ quan và không có thói quen đi khám sức khỏe tổng quát. Việc làm này rất có hại cho sức khỏe, bởi có rất nhiều căn bệnh tiềm ẩn không có triệu chứng có thể khiến chúng ta gặp nguy hiểm.

Khám sức khoẻ tổng quát nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ tổng thể của mỗi người ở một thời điểm thông qua việc đánh giá chức năng của hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Theo khuyến cáo nên khám sức khỏe định kỳ 2 lần mỗi năm vì cứ 6 tháng là sức khỏe đã có những thay đổi đáng kể và bệnh có thể phát sinh bất kỳ lúc nào. Bước vào độ tuổi 18, bạn nên bắt đầu khám sức khỏe tổng quát. Việc khám tổng quát không chỉ giúp bạn phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý (nếu bạn không may mắc phải) mà còn giúp bạn đánh giá và điều chỉnh lối sống thường ngày của mình để hạn chế các rủi ro gây bệnh trong tương lai.

2. Khám sức khỏe tổng quát bao gồm những gì?

Khám sức khỏe tổng quát là dịch vụ khám bệnh toàn diện mọi bộ phận, cơ quan trên cơ thể nhằm kiểm soát bệnh lý. Bao gồm các hạng mục: khám lâm sàng tổng quát, tư vấn, xét nghiệm tổng quát, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng.

Nội dung khám tổng quát cụ thể:

  • Kiểm tra thể lực, thông qua các thông số chung: huyết áp, đo chiều cao, cân nặng.

  • Khám nội tổng quát, phát hiện một số bệnh lý nội khoa như tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thận – tiết niệu...

  • Khám mắt, kiểm tra thị lực, tư vấn, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về mắt.

  • Khám răng miệng tổng quát, kiểm tra tình trạng sâu răng, cao răng, lợi.

  • Khám Tai – Mũi – Họng: Khám nội soi phát hiện các bệnh lý về xoang, dây thanh quản, họng mãn tính.

  • Xét nghiệm máu tổng phân tích 18 thông số: đường máu, chức năng thận , men gan mỡ máu , acid uric máu , viêm gan siêu vi B...

  • Tổng phân tích nước tiểu 10 chỉ số

  • Chụp X-quang tim phổi.

  • Siêu âm ổ bụng tổng quát.

  • Siêu âm tuyến tiền liệt (nam giới).

  • Siêu âm vú, tử cung, buồng trứng (nữ giới)

    3. Các xét nghiệm nên làm theo từng độ tuổi

Ngoài khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, sàng lọc nên làm khi khám sức khỏe tổng quát chung, cần khám trọng tâm theo từng độ tuổi:

  • Tuổi từ 20-30:

    • Khám và làm các xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như: viêm gan A, B, C, giang mai, bệnh lậu...

    • Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và chức năng sinh sản ở nam và nữ.

  • Tuổi từ 30-40:

    • Khám và làm các xét nghiệm về mỡ máu, tim mạch, gút, tiểu đường...

    • Đối với nam giới, kiểm tra chức năng gan, phổi nếu uống rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên..

    • Phụ nữ cần khám phụ khoa, đo mật độ loãng xương ...

  • Tuổi từ 40-60:

    • Tầm soát các bệnh về ung thư như ung thư tử cung, dạ dày, gan, phổi, ung thư vòm họng...

    • Khám và làm các xét nghiệm về mỡ máu, tim mạch, xương khớp, gút, tiểu đường...

  • Tuổi trên 60:

    • Khám và làm các xét nghiệm về mỡ máu, tim mạch, mạch máu ngoại vi, xương khớp, gút, tiểu đường, bệnh hô hấp ...

    • Các bệnh ung thư...

4. Những lưu ý khi đi khám sức khỏe tổng quát:

Thứ nhất: Không nên ăn sáng

Thông thường, khi đi khám sức khỏe tổng quát, bạn không nên ăn sáng, để tránh làm ảnh hưởng tới kết quả khám (Ví dụ như Nếu nội soi dạ dày, cần nhịn ăn để bác sĩ quan sát tốt hơn bên trong dạ dày). Trong một số loại xét nghiệm bạn cũng nên hạn chế uống nước, và đặc biệt không nên uống nước có gas, cồn và sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

Thứ 2: Uống nhiều nước và nhịn tiểu

Nếu siêu âm bụng tổng quát, cần uống nhiều nước và nhịn tiểu cho tới khi siêu âm bụng xong (nước tiểu trong bàng quang giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ thành bàng quang, tử cung và hai buồng trứng (đối với nữ) hoặc tuyến tiền liệt và túi tinh của nam).

Thứ 3: Với phụ nữ khi đi khám sức khỏe tổng quát

Không khám phụ khoa nếu trong kỳ kinh nguyệt, đang có thai.

  • Phụ nữ có gia đình tránh quan hệ tình dục trước ngày khám (nếu có khám phụ khoa).

  • Phụ nữ mang thai không chụp X-quang.

  • Các trường hợp siêu âm phụ khoa bằng đầu dò, cần tiểu hết cho bàng quang rỗng để bác sĩ dễ quan sát tử cung và phần phụ.

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ để không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và quan sát của bác sĩ khi thăm khám.

  • Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, bệnh sử và nhu cầu của từng cá nhân để chọn chương trình khám phù hợp.

    Thứ 4: Thời gian tái khám

  • Tùy theo lứa tuổi, sức khỏe để chọn thời gian khám định kỳ: 6 tháng/lần, 1 năm/lần, 2 năm/lần...

  • Trong khi khám có thể bác sỹ nghi ngờ có bệnh gì đó cần xét nghiệm thêm để chẩn đoán xác định

    Thứ 5: Lựa chọn gói khám bệnh phù hợp
  • Có nhiều gói khám sức khỏe hiện nay, cần lựa chọn gói nào phù hợp với khả năng kinh tế và nguyện vọng của bản thân, cũng cần tham khảo ý kiến tư vấn của nhân viên y tế, để quyết định một cách phù hợp.

Đọc thêm