Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?

(PLVN) - Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ mở rộng lãnh thổ và sự kiểm soát của quốc gia này, trong đó bao gồm việc sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama. Tầm ảnh hưởng của Kênh đào Panama lớn tới đâu và lý do của Mỹ khi bày tỏ mong muốn “đòi lại” con kênh đào này là gì?

Ngày 22/12/2024 vừa qua, khi được hỏi về vấn đề lãnh thổ, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố rằng trong tương lai nước Mỹ sẽ cần nắm quyền kiểm soát Greenland và Kênh đào Panama vì những mục tiêu kinh tế. Trong đó, Tổng thống Trump đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Kênh đào Panama trong phát triển kinh tế bền vững tại Mỹ trong tương lai.

Theo cổng thông tin Văn phòng Sử gia, Viện Dịch vụ Đối ngoại, Bộ Ngoại giao Mỹ, lật lại lịch sử Kênh đào Panama, vào năm 1846, Mỹ và Cộng hòa Liên Bang Tân Granada (hiện nay là Colombia và Panama) đã ký kết Hiệp định Mallarino-Bidlack với nội dung bao gồm việc Hoa Kỳ sẽ công nhận chủ quyền của vùng lãnh thổ này đổi lại là quyền kiểm soát vùng Isthmus.

Tại khu vực này, Kênh đào Panama được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1881 nhưng sau đó thất bại vì nhiều lý do, cho đến năm 1902 khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Spooner cho phép Tổng thống đương thời Theodore Roosevelt mua lại quyền xây dựng kênh đào này với giá 40 triệu Đô-la Mỹ.

Tuy nhiên, vào năm 1912, do vấp phải sự phản đối từ người dân Panama dẫn đến nhiều cuộc bạo loạn vũ trang, Mỹ đã ký kết Hiệp định Kênh đào Panama qua đó chuyển từ khu vực độc quyền thành khu vực trung lập quốc tế, trao lại quyền kiểm soát một phần cho Panama. Hiệp định này vẫn giữ lại quyền lợi cho Mỹ bằng các điều khoản miễn trừ các khoản thuế, phí đối với tàu hàng của quốc gia này, các bên có quyền thống nhất thay đổi điều khoản cho hiệp định nhưng phải được chấp nhận đồng thuận trước ít nhất 6 tháng giữa các bên.

Mặc dù quyền lợi đã được trao lại một phần cho Panama nhưng bên trong nội bộ Nghị viện quốc gia này vẫn có những sự phản đối kịch liệt cùng với chi phí duy trì an ninh và kỹ thuật của Kênh đào Panama quá lớn, Nghị viện Mỹ đã phê chuẩn Hiệp định Trung Lập vào năm 1977, có hiệu lực vào năm 1979. Nội dung của hiệp định này đã thông qua quyết định vô hiệu hóa hiệu lực của Hiệp định Kênh đào Panama, trao trả toàn bộ quyền kiểm soát Kênh đào Panama cho nước Cộng hòa Panama bắt đầu từ năm 1999.

Mặc dù có những sự xáo trộn phức tạp trong lịch sử phát triển, nhưng xuyên suốt từ ngày khánh thành 15/08/1914, Kênh đào Panama dài 82km nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đã mang đến lợi ích to lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đặc biệt là Mỹ. Về mặt quân sự, theo Điều 6 của Hiệp định Trung hòa ký kết giữa Mỹ và Panama năm 1977, các tàu hải quân và tàu hỗ trợ quân sự của Mỹ cũng có quyền được thông quan tự do và không chịu áp đặt của bất cứ sự kiểm soát của bên nào.

Về mặt kinh tế, trước khi Kênh đào Panama được xây dựng, tàu hàng của Mỹ khi vận chuyển hàng hóa đi một số quốc gia sẽ phải đi theo một lộ trình khoảng 1-2 tuần với quãng đường 22.000km vòng qua Mũi Cape Horn của Chile, nhưng hiện nay lại chỉ mất 8-10 tiếng dọc theo kênh đào.

Thêm nữa, theo thống kê từ trang thông tin chính thức của Kênh đào Panama, Mỹ là quốc gia đứng đầu về lượng hàng hóa đi qua kênh đào năm 2024, chiếm tới 74,7% tổng tỉ trọng, lượng hàng hóa lớn sẽ đi kèm với các khoản thuế phí tăng cao mà không quốc gia nào mong muốn.

Liệu đây có phải là hai lý do đằng sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump về vai trò của Kênh đào Panama trong kinh tế và an ninh của Mỹ và là lý do ông muốn giành lại quyền kiểm soát con kênh đào này từ tay Cộng hòa Panama?