Những người giữ gìn sách cổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù thuộc thế hệ nào, họ vẫn dành tình cảm đặc biệt cho những trang sách cổ. Những cuốn sách cực hiếm có chữ ký của tác giả trở thành “kho báu” quý giá…
Nhà sưu tầm sách cổ Vũ Hà Tuệ.
Nhà sưu tầm sách cổ Vũ Hà Tuệ.

Thú sưu tầm sách cổ

Không như việc chỉ dồn tiền vào sưu tầm đồ cổ hay tiền cổ, thú vui sưu tầm sách cổ đòi hỏi người sưu tầm phải là người am hiểu bút tích, dành thời gian nghiên cứu thủ bút của nhiều tác giả danh giá trong từng thời kỳ.

Kiến trúc sư trẻ Vũ Hà Tuệ là một trong những người nổi tiếng trong giới sưu tập sách cổ. Là dân "ngoại đạo", anh Vũ Hà Tuệ (tốt nghiệp kiến trúc năm 2004) tìm thấy tình yêu với sách cũ và gắn bó đến hiện tại. Sinh ra trong một gia đình có cha là giáo viên văn và ngay từ nhỏ đã được đọc nhiều sách, Vũ Hà Tuệ được hun đúc tình cảm với những trang sách cũ.

Anh chia sẻ: “Vào năm 2002, khi còn đang học tình cờ tôi xem được bản Văn họa tập kỷ niệm Nguyễn Du, chú ý nhất là mấy tấm tranh. Từ tò mò tìm hiểu về tranh minh họa trong các sách, tôi lần theo các tranh minh họa Kiều, rồi quan tâm đến các bản Kiều và trở thành người sưu tập Kiều luôn. Làm kiến trúc, tôi quan tâm đến bản vẽ các công trình cổ xưa, nếu bắt gặp thì sẵn sàng sưu tập. Còn thú chơi sách có lẽ bắt nguồn từ tủ sách gia đình. Ba tôi trước 1975 làm giáo viên văn, nhà có nhiều sách. Hồi nhỏ cứ lấy sách trong tủ ra đọc, lâu ngày tôi đâm mê sách, muốn tìm kiếm sách và bản thảo của các nhà văn”.

Hiện tại anh Tuệ có thủ bút của hơn 300 tác giả. Trong đó khoảng 20-30 thủ bút hiếm. Ngoài ra, anh còn lưu giữ rất nhiều bản thảo chép tay có chữ ký của tác giả, đó đều là những bản thảo rất hiếm có bởi nó được hình thành từ trước khi được in sách, có giá trị rất riêng. Anh chia sẻ, ngoài việc sưu tập những bản thảo cũ, hiện nay còn cách sưu tập thủ bút khác là nhờ chính tác giả chép lại tác phẩm của chính mình. “Hiện nay trong giới có thông tin có người mang giấy bút đến nhờ Nguyễn Huy Thiệp chép lại tác phẩm của mình, cũng là một cách sưu tập thủ bút là bản thảo chỉn chu”, anh cho biết.

Những bản thảo quý hiếm còn lưu bút của tác giả.

Những bản thảo quý hiếm còn lưu bút của tác giả.

Anh chia sẻ, tại một triển lãm sách, anh đã giới thiệu quyển sách già tuổi đời nhất, được xuất bản năm 1679 mà anh cất công săn lùng tận bên Pháp: “May mà có người thân bên đó trợ giúp chứ không rất khó kiếm”, chàng trai nói giọng Sài Gòn điệu nghệ khoe. “Tập hợp những du ký và chuyên khảo kỳ thú và hấp dẫn của J. B. Tavernier, hiệp sỹ Nam tước xứ Aubonne” kèm theo cả bản đồ được truyền tay hơn ba thế kỷ qua, giờ đây đến lượt tôi là chủ sở hữu, thuộc loại cực hiếm, giá trên thị trường cũng rất đắt hoặc khó có thể định giá vì muốn mua cũng không ai bán”.

Sưu tầm sách cổ nhiều năm, anh Tuệ có nhiều kinh nghiệm để bảo quản chất liệu sao cho tốt nhất, không bị thời gian phá hỏng. Anh cho hay, khí hậu ở Sài Gòn là một thử thách vô cùng lớn đối với những ai muốn bảo quản sách. Những quyển sách mọi người mua về đọc xong rồi "trưng" lên kệ, theo thời gian rất dễ bị hư hại, nếu chúng ta không để mắt đến những quyển sách, lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho mối, mọt và nhiều loài khác làm hư hại sách. Ngoài ra, những thói quen hằng ngày khi đọc sách cũng gây hư hại đến chất liệu sách. Theo thói quen đọc sách, chúng ta hay gấp các góc sách lại để đánh dấu hay lật trang sách với một lực rất mạnh, trượt từ góc sách lên và như thế có nguy cơ làm hỏng trang sách.

Mê sưu tầm sách cổ, anh Tuệ chia sẻ rằng, thú vui này của anh vui ở chỗ được “thời gian ủng hộ”. “Công việc kiến trúc của tôi bận rộn nhất là từ giữa năm đến cuối năm. Thời gian rảnh dành cho sưu tập, tìm hiểu, xem xét các tư liệu. Tôi cũng có dự định tập hợp anh em sưu tập có tâm huyết lại, cùng nhau xuất bản một tập sách với thủ bút và chân dung các tác gia Việt Nam. Dự tính như vậy, còn hình thức và nội dung thế nào thì chưa định. Với các tác giả đương thời như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thân, khi có dịp tôi cũng sẽ xin thủ bút để dành. Thú chơi này có cái hay là mình được thời gian ủng hộ”, anh cho biết.

Khi sách “xưa” lên tiếng

Không chỉ kiến trúc sư Vũ Hà Tuệ tìm về đam mê sưu tầm sách cổ, rất nhiều người cùng chung sở thích đã tìm gặp được nhau. Chủ nhân của hầu hết các cuốn sách cổ quý giá phần lớn còn trẻ, lứa 8X, 7X. Họ đến với con đường sưu tầm sách bằng nhiều cách: từ sưu tập tiền cổ rồi bén duyên với sách, hay lai vãng tại các tiệm sách cũ và tình cờ phát hiện ra những vật báu bị lớp bụi tháng năm phủ dày.

Kỹ sư Hoàng Minh là người Hà Nội tốt nghiệp Đại học Bách khoa, hiện tại sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, có trong tay những bộ sưu tập khá bài bản. Hoàng Minh sưu tầm sách và cùng với đó, góp nhặt được rất nhiều tư liệu phi văn bản liên quan đến các tác giả, tác phẩm - những người muôn năm cũ. Sưu tầm sách, tốn tiền, tốn thời gian và tiêu hao cả tâm trí, nhưng “quý vật” phải có “quý nhân”, nếu không gặp được đúng người, những cuốn sách già hơn bất kỳ một ai trên cõi đời này sẽ lâm cảnh tàn phế, hư hại và biến mất vĩnh viễn.

Không chỉ là nỗi lo hư hại tư liệu cũ, với những nhà sưu tập, việc để một cuốn sách cổ, quý hiếm lọt vào tay những nhà sưu tập nước ngoài thật sự là nỗi chua xót. Trong giới sưu tập sách, họ gọi đó là những cuộc xuất ngoại sách hiếm đầy đau đớn. Có thể kể đến thương vụ ở TP Hồ Chí Minh hồi những năm 2013, tại Việt Nam vì không nhà sưu tập nào mạnh tay bỏ ra 20 triệu, giới chơi sách đành ngậm ngùi nhìn quyển sách của Trương Vĩnh Ký niên đại 1875 bản chép tay in thạch bản rơi vào tay một Việt kiều.

Tình trạng “chảy máu” sách hiếm khiến nhiều nhà sưu tầm đau xót.

Tình trạng “chảy máu” sách hiếm khiến nhiều nhà sưu tầm đau xót.

Chính bởi đó, CLB của anh Hoàng Minh và những người đam mê sưu tầm sách cổ được lập ra. Họ là những người đầu tiên nắm bắt ý tưởng cùng nhau thành lập một CLB dành cho những người yêu sách và chơi sách. Ở đó, mỗi người có một thế mạnh riêng về “vốn liếng” sưu tập của mình.

Anh Hoàng Minh đã sở hữu được các bản sách cực quý như quyển Lịch sử Đàng ngoài (Tvnchinensis Historie) xuất bản từ năm 1651; bộ từ điển Latin - Annam và Annam - Latin (Việt Nam dương hiệp tự vị) của giáo sĩ Taberd soạn, xuất bản năm 1838 tại Ấn Độ là bản sách hiếm hoi, ít người có được. Quyển sách này từng đoạt giải nhất cuộc thi sách vàng lần thứ nhất (2002).

Trong CLB còn có ông Vũ Anh Tuấn lại giữ được nhiều từ điển cổ, các sách xuất bản đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội như tiểu thuyết Bồng lai hiệp khách, Huyết hùng tráng sĩ. Ông có bộ sưu tập về các ngày lễ Tết thời xưa của Việt Nam rất đặc biệt. Ngoài ra, bộ sưu tập sách của linh mục Nguyễn Hữu Triết là niềm mơ ước của những người mê sách cổ. Ông Triết có hơn 1.000 quyển sách đã xuất bản từ hơn 50 năm trước, ngoài một số sắc phong cổ. Đáng kể nhất là bộ sưu tập Truyện Kiều với 160 bản Kiều khác nhau, với nhiều thứ tiếng. Trong đó có 20 bản Kiều bằng chữ Nôm cổ và hơn 500 tờ báo có viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du.

CLB còn có anh Hoàng Triệu chuyên sưu tập thư tịch Hán Nôm, tư liệu đồ tượng Phật giáo, các nghi quỹ phù chú thuộc dòng Kim Cương Thừa, những phương thuật dân gian của Việt Nam và Trung Quốc, kể cả các sách nghệ thuật cầm kỳ thi họa cổ xưa của Trung Quốc truyền vào Việt Nam cũng được anh thu thập khá nhiều.

CLB Sách xưa và nay được thành lập để tìm kiếm, nghiên cứu và bảo tồn hệ thống sách cổ.

CLB Sách xưa và nay được thành lập để tìm kiếm, nghiên cứu và bảo tồn hệ thống sách cổ.

Điểm chung của những người đam mê sách cổ quý hiếm là rong ruổi khắp các cửa hàng sách cũ trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí để ý những “dặm đường ve chai” như anh Hoàng Minh. Ông Vũ Anh Tuấn còn thiết lập hẳn một “đường dây” các hàng sách cũ ở Sài Gòn để “mỗi khi họ có sách nào lạ, xưa hoặc không biết đó là sách gì thì gọi tôi”.

Những người đam mê sách cổ dành tâm huyết của mình vào những trang giấy xưa, bảo quản những giá trị còn sót lại của một thế hệ tinh hoa dân tộc.