Công Phượng: Không thể gục ngã!
Số liệu thống kê cho thấy, Công Phượng lập công 3 lần ở SEA Games 2015, 4 lần tại SEA Games 2017, 8 bàn trong 2 lần dự vòng loại U23 châu Á 2016 và 2018… Phượng Hoàng bay lên từ mái nhà tranh là ý nghĩa một hình xăm của Công Phượng để nói về tuổi thơ khốn khó, 11 tuổi xa gia đình theo bầu Đức vào phố Núi.
Và rồi, Phượng sớm nổi tiếng từ tuổi 18, gần như có tất cả danh tiếng mà đời cầu thủ mơ ước. Chàng trai ấy xuất hiện tại giải U21 Báo Thanh niên năm 2014, được coi là thần đồng của bóng đá Việt Nam với khả năng đi bóng lắt léo, dứt điểm ấn tượng.Thế rồi, từ hàng triệu người hâm mộ yêu mến đến, từ người hùng đến tội đồ, từ nụ cười đến nước mắt. Từ vui tính hài hước đến trầm cảm. Công Phượng trải qua tất cả triền miên trong vòng 4 năm...
Ngày ấy, Phượng đã có pha solo xuất thần qua 5 cầu thủ U19 Australia và sút tung lưới thủ môn đội bạn. Khoảnh khắc ghi bàn còn được tờ báo danh tiếng nước Anh Express ca ngợi. Bao lời hoa mỹ mà người người thêu dệt nên, còn gán cho Phượng biệt danh “Messi Việt Nam”. Lúc ấy Phượng đâu biết nó sẽ mang đến những áp lực kinh hoàng sau này, mà một chàng trai bắt đầu bước vào thế giới của người nổi tiếng khó có thể ngờ tới...
Chẳng bao lâu sau đó, Phượng bị lôi vào scandal “gian lận tuổi tác” từ một bài báo: “Công Phượng 19 hay 21 tuổi?”. Những tranh cãi chưa có hồi kết về tuổi thật của cầu thủ quê gốc Nghệ An đã khiến một đài truyền hình vào cuộc.
Scandal lên đến đỉnh điểm khi người ta còn tìm đến mộ người anh trai đã khuất của đội trưởng U19 Việt Nam để “điều tra”. Và chuyện gì đến cũng đã đến, đài truyền hình bị phạt 15 triệu đồng. Còn Công Phượng, những gì cậu ấy nhận được chỉ là sự “xúc phạm” đến đau đớn.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Một năm sau, scandal tình cảm giữa Phượng và Quán quân Học viện ngôi sao 2014. Cộng đồng mạng lẫn truyền thông lao vào “xâu xé” như chuyện nhà họ. Áp lực từ truyền thông lẫn người hâm mộ, mối tình chưa kịp đơm hoa kết trái đã mau chóng lụi tàn.
Cậu cứ như vậy, luôn chịu búa rìu của dư luận với bất kể cú sút không thành công nào. Trên khán đài, sau mỗi trận đấu thất bại, Công Phương luôn bị chính những cổ động viên ngày hôm trước tung hô Phượng, hôm sau đã cuồng nộ la ó đòi Phượng giải nghệ…
Thậm chí, một câu chuyện được kể lại, sau thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29. Trước trận đấu quyết định với U22 Thái Lan ở vòng bảng, Hồ Tuấn Tài, khi ấy đang chịu nhiều sức ép vì pha bỏ lỡ trong trận gặp U22 Indonesia, là người sẽ thực hiện quả phạt đền trước Thái Lan nếu U22 Việt Nam được hưởng.
Song khi trọng tài thổi 11m, không phải Tài, mà Công Phượng mới là người thực hiện cú sút. Bởi trước hôm ấy, Phượng đã xin nhận trách nhiệm thay Tài. “Nếu tôi sút hỏng, người ta... chửi tôi cũng không sao, quen rồi”. Đến mức Văn Toàn, người bạn cùng phòng suốt 10 năm với Phượng ở CLB Phố Núi cũng bày tỏ: “Tôi nghĩ, bóng đá là tập thể, nhưng mọi chỉ trích đổ dồn lên vai cậu ấy là không công bằng”…
Dõi theo Phượng, hẳn ai cũng nhớ mãi ánh mắt đượm buồn của Phượng giữa phi trường khi đội tuyển U23 Việt Nam trở về sau chiến tích Thường Châu lừng lẫy. Có một Công Phượng khá lặng trầm. Phượng chọn cho mình một góc tĩnh lặng như thường thấy, khi Phượng không thể hiện được vai trò tốt nhất của mình...
Cũng hồi đầu năm đó, khi nhận được câu hỏi phỏng vấn từ một phóng viên nhắc về tình cũ, Phượng sững sờ, nhưng rồi Phượng cũng kịp lấy lại sự bình tĩnh và đáp lại: “ Chỉ mong mọi người thấy hình ảnh mình trên sân cỏ, chứ không là đời tư cá nhân”.
Và kể từ sau những “đỉnh cao” và “vực sâu” ấy, hình ảnh quen thuộc trong những khoảnh khắc ăn mừng bàn thắng của Phượng, luôn cô đơn tới tận cùng, không một nụ cười với bàn tay nắm chặt! Trong bàn tay gân guốc đấm rất mạnh vào hư không ấy, dường như nén chặt những áp lực, những bức bối của cuộc đời và cả những buồn đau quá sức của một chàng trai vào đời với những thị phi từ trên trời rơi xuống.
Tất cả chỉ được giải toả khi bàn thắng đến, như việc cậu ra sân là nhất định để ghi bàn như kì vọng của người hâm mộ. Nhiều năm trước, Văn Quyến cũng rơi vào tình trạng ấy, nhưng Quyến chọn cách xù lông lên và phản ứng tiêu cực, đến mức tự huỷ hoại sự nghiệp của mình. Còn Phượng, trải nghiệm cuộc đời theo cách khác và cũng đáp trả theo cách khác: bặm môi lại, quyết tâm hơn…
Và rồi, ai cũng nhận ra Công Phượng trưởng thành thế nào dưới bàn tay của thầy Park Hang Seo. Không còn hình ảnh rê bóng “tối tăm” và bỏ quên đồng đội phía sau. Phượng đã hồi sinh bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh trên sân.
Phượng của thầy Park đã chơi bóng tối giản, hiệu quả hơn, tinh thần đồng đội cao hơn, nhưng vẫn không quên sưu tập những khoảnh khắc toả sáng cho riêng mình. Pha thoát xuống thông minh, gây áp lực buộc hậu vệ Iraq phản lưới, cú rướn người tinh tế để đệm bóng cận thành. Hay đỉnh cao là tình huống chạy chỗ thông minh, xé toang hàng thủ kiên cố bậc nhất giải đấu của Jordan...
Đó là hình ảnh rất khác của một Công Phượng hôm nay. Phượng không còn là ngôi sao sáng nhất, khi ngôi sao duy nhất là ngôi sao vàng trên quốc kỳ kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Và Gala Quả bóng vàng 2018 khép lại, Nguyễn Công Phượng được xướng tên là “Cầu thủ được yêu thích nhất”… Âu cũng xứng đáng cho 4 năm bão giông Phượng không gục ngã. Nụ cười đã trở lại, ở tuổi 24, chàng trai ấy đã khẳng định mình, tỏa sáng và tràn đầy cảm xúc qua từng đường bóng kiến tạo hay solo thần thánh…
Giờ đây, ở Hàn Quốc, người ta đến sân xem bóng cũng bởi có Công Phượng, trong màu áo đội tuyển Incheon United…
Quế Ngọc Hải: Từ “vết chàm” quá khứ tới linh hồn của tuyển thủ Việt Nam…
Quế Ngọc Hải (sinh năm 1993 - Nghệ An) là một trung vệ có tài, nhưng để trở thành một cầu thủ hàng đầu, ý chí chính là thứ quan trọng nhất. Ý chí không khuất phục, ý chí vượt khó, ý chí đứng dậy sau thất bại, không phải ai cũng làm được...
Quế Ngọc Hải - “máy chém sắt” ngày nào đã trở thành linh hồn của đội tuyển Quốc gia kì Asiad 18 |
Nổi lên rất sớm bởi lối chơi lì lợm, gai góc nhưng tỉnh táo đậm chất xứ Nghệ, Quế Ngọc Hải từng là nỗi e sợ của biết bao tiền đạo. Thế nhưng, cũng vì lối chơi này, trong một trận giao hữu với đội tuyển Nhật Bản, Ngọc Hải từng có một pha vào bóng đầy thô bạo. Sau trận đấu, HLV Hữu Thắng phải đích thân sang xin lỗi đội bạn.
Tuy nhiên, vụ việc chấn động nhất chính là Ngọc Hải khiến cầu thủ Anh Khoa (Đà Nẵng) bị chấn thương nặng, không bao giờ có thể chơi bóng được nữa. Ngày anh đến nhà Anh Khoa nghẹn ngào xin lỗi, thề độc không bao giờ “tái phạm”, người hâm mộ Việt Nam thật sự quặn lòng lo lắng. Khi mà một người vĩnh viễn không thể thi đấu đỉnh cao được nữa, người còn lại thì có lẽ cũng sẽ dần biến mất bởi sự lạnh lùng của truyền thông!..
Không những vậy, quá khứ của chàng cầu thủ đẹp trai này luôn đẫm nước mắt trong nhiều lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Tại trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 gặp Malaysia, Ngọc Hải phạm lỗi trong vòng cấm khiến tuyển Việt Nam bị thổi 11m và sớm nhận bàn thua khi trận đấu mới diễn ra vài phút. Đồng nghĩa với hi vọng vào chung kết vỡ tan. Khi ấy Ngọc Hải mới 21 tuổi, đã không ngừng rơi nước mắt, đã vật vã đau đớn trên SVĐ Mỹ Đình.
Năm 2016, tuyển Việt Nam lại vào bán kết AFF Cup gặp Indonesia. Trong trận lượt đi, Ngọc Hải phạm lỗi trong vòng cấm ngay đầu hiệp 2, chúng ta phải chịu phạt 11m và đắng cay thua 2-1. Trong trận lượt về ở Mỹ Đình, hàng thủ Việt Nam do Quế Ngọc Hải là thủ lĩnh lại mắc lỗi bẫy việt vị để đối thủ thoát xuống khiến thủ thành Nguyên Mạnh phải phạm lỗi dẫn đến quả 11m.
Quế Ngọc Hải sau đó bất đắc dĩ phải bắt gôn thay Nguyên Mạnh, nhưng không thể cản đối thủ ghi bàn gỡ hòa 2-2. Và Việt Nam bị loại cay đắng sau thất bại 3-4.
Những sai lầm nghiêm trọng ở 2 kỳ AFF Cup gần nhất ấy tưởng là nỗi ám ảnh mãi đeo đuổi Quế Ngọc Hải, khiến hậu vệ của SLNA không bao giờ còn đứng lên được nữa. Thậm chí chính cầu thủ này cũng tưởng rằng cánh cửa trở lại đội tuyển quốc gia sẽ đóng lại mãi mãi.
Thế nhưng, từ cầu thủ “đóng đinh, chặt sắt” thành mẫu cầu thủ điềm tĩnh như ngày nay công lớn thuộc về HLV Park Hang-seo. Anh đã như “cá gặp nước” khi gặp ông thầy quốc dân này. Chính quyết tâm của anh, cùng với tài nhìn người của HLV Park Hang-seo đã tạo nên một Quế Ngọc Hải đạt tới độ chín của sự trưởng thành.
Bởi bất chấp mọi rủi ro, thầy Park vẫn tin tưởng trung vệ người Nghệ An. Ông không chỉ cho anh một suất đá chính mà còn trao luôn tấm băng đội trưởng. Đây là sự tưởng thưởng mà chính Quế Ngọc Hải cũng không ngờ tới, như lời anh tâm sự. Và thời gian đã chứng minh, mọi thứ đều có lý lẽ của riêng nó. Tất cả đều có thể, khi bạn quyết tâm, khi bạn được trao niềm tin vì một ý chí không thể quật ngã!
Sau thành công ở ASIAD 2018 và đặc biệt là chức vô địch AFF Cup 2018, tiếng vang của hàng thủ ba người ( Đình Trọng, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải) của tuyển Việt Nam sáng bừng trên truyền thông quốc tế. Bên cạnh đó là những hành động đẹp của Quế Ngọc Hải tại AFF Cup 2018: Trao băng thủ quân cho Văn Quyết trong lễ ăn mừng chức vô địch hay trước đó là khi anh ôm lấy một cổ động viên chạy xuống sân.
Ở tuổi 25, Quế Ngọc Hải đã qua những cay đắng, buồn vui của nghề cầu thủ. Và dường như anh đã tìm ra bản ngã sau hành trình “ đau thương” của mình. Khi trên sân bóng là tinh thần đồng đội, tất cả chỉ có một ngôi sao vàng, một màu áo mang màu máu của lá cờ Tổ quốc mà thôi!
Và phía sau sân cỏ, Quế Ngọc Hải còn được gọi với cái tên thân mật, “Người chồng quốc dân” bởi những ngọt ngào, lãng mạn anh dành cho vợ và cô con gái bé nhỏ…