[links()] Có những số phận đã được “cứu” bằng những bài báo nhưng tôi chưa bao giờ gặp họ. Có lẽ đó là cái “duyên” của một phóng viên chuyên tiếp nhận và xử lý đơn thư bạn đọc…
Một chuyến đi mang "Tết ấm" đến với bà con vùng cao của Báo PLVN |
Sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ kinh hoàng ngày 1/4/2011 tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) làm 18 người dân vô tội bị vùi chết, ông Hoàng Thanh Long, lúc đó là Đảng viên, Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Yên Thành cũng lập tức bị khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội của ông bị cơ quan điều tra kết luận do ông ký nháy vào một văn bản đề nghị cấp trên gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cho mỏ đá Lèn Cờ trong khi mỏ không đủ điều kiện về an toàn. Ông bị coi là nguyên nhân gián tiếp gây ra vụ tai nạn đau lòng nói trên.
Đơn kêu oan của ông gửi tới báo, tôi đọc được sự buồn bã, tuyệt vọng vì đã có quá nhiều đơn từ được gửi tới nhiều “ cửa” nhưng chưa có trả lời. Phía trước là một phiên tòa lẻ loi mình ông đại diện cho sự tắc trách của chính quyền. Tôi đọc thấy ông uất ức nhưng không dám kêu bị khởi tố nhầm vì có lẽ ông là “quan” bé nhất trong vụ án này. Tôi điện thoại cho một thẩm phán dò chuyện, người này quả quyết “ông Long bị thí tốt chứ còn gì nữa”.
Linh cảm nghề nghiệp thôi thúc nhưng hơn hết, tôi phải “điểm tên, chỉ mặt” nỗi oan khuất đó bằng các qui định pháp luật, cũng là thế mạnh của tờ báo Pháp luật Việt Nam trong từng vụ việc. Loạt bài điều tra “Chỉ ông ký “nháy” có tội?” đăng tải sau đó tôi đã chỉ ra những bất ổn, thiếu căn cứ khi cơ quan điều tra kết tội ông Long. Đó là theo luật Khoáng sản tờ trình mà ông Long ký nháy không phải là loại hồ sơ pháp lý để làm thủ tục gia hạn cấp giấy phép như kết luận của cơ quan điều tra, nên việc khởi tố ông là chưa thỏa đáng. Trong khi đó, trách nhiệm chính làm thủ tục gia hạn giấy phép khai thác mỏ thuộc về Sở TNMT và UBND tỉnh Nghệ An thì cơ quan điều tra không hề nhắc tới.
Ngay sau khi bài báo phát hành, nhiều trang báo mạng nhanh chóng đăng lại và số lượng người truy cập tăng vùn vụt. Anh em đồng nghiệp một số báo gọi điện đồng cảm, chia sẻ. Không thể im lặng được nữa, những người ở cương vị lãnh đạo huyện, các hội, đoàn thể trên địa bàn lên tiếng đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm cho ông Long và qui trách nhiệm cho người liên quan. Lúc đó, tôi đã nghĩ cơ quan điều tra cũng khó có thể im lặng trước công luận.
Quả đúng như vậy, sau loạt bài điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra, CA tỉnh Nghệ An đã ra có quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Long vì thấy không cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự. Ông Long sau đó được phục chức phó phòng và phục hồi sinh hoạt Đảng.
Tôi chưa bao giờ gặp ông Long chỉ chuyện trò qua điện thoại.
Trước ngày 21/6 năm nay, ông nói vẫn “nợ” tôi một cuộc gặp mặt để cảm ơn tác giả và tòa soạn đã cứu ông một cơn “hoạn nạn” lớn nhất trong đời. Ông nói báo Pháp luật Việt Nam đã cứu ông, nếu không có loạt bài điều tra của báo Pháp luật Việt Nam thì thì danh dự, sự nghiệp của ông đã tan nát cả rồi…
Với những người cầm bút, thành công của một bài báo không chỉ là kết quả nhìn thấy được, mà hơn thế là sự gieo niềm tin công lý đối với người dân. Tôi đã cảm nhận được niềm tin yêu ấy sau từng bài viết bằng những lời chia sẻ, những bức thư động viên, cổ vũ của bạn đọc gửi về Tòa soạn.
Dịp 21/6 này, bà Đinh Thị Duyên, một người dân từ xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải ( Yên Bái) tôi cũng chưa một lần gặp nhưng là một nhân vật trong một bài báo của tôi đã viết thư bày tỏ thế này: “Tôi vô cùng biết ơn quý báo, phóng viên đã phản ánh những hành xử thiếu khách quan, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của chính quyền. Nhờ có bài báo mà các cơ quan chức năng mới vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ những sai phạm, trả lại toàn bộ tài sản thu hồi sai của tôi. Phóng viên đúng là những người có trách nhiệm trong xã hội và xứng đáng được xã hội tôn vinh nhất ”.
Thanh Quý