Ngày 10/6/2016 vừa qua, Matxcơva hạ thủy một tàu phá băng quân sự mới mang tên “Ilya Mouromets”, anh hùng huyền thoại của vương quốc Slave thời trung cổ. Con tàu dài 83m, trọng tải 6.000 tấn, được coi là tàu quân sự đầu tiên loại này được chế tạo kể từ 45 năm nay.
Tàu sẽ được biên chế vào Hạm đội biển Bắc. Mùa thu năm tới, hai tàu tương tự nhưng có trọng tải đến 8.500 tấn sẽ được khởi công xây dựng.
Ngày 16/6, Nga cho khánh thành tiếp “Arktika”, tàu phá băng nguyên tử được coi là “lớn nhất và mạnh nhất thế giới”. Con tàu dài 173m, trọng tải 14.000 tấn, trị giá khoảng hai tỷ đô la, có nhiệm vụ chuyên chở hàng tỷ khối khí hóa lỏng, được khai thác tại bán đảo Yamal, Bắc Cực, tới các nước phía Đông và Nam châu Á, châu Âu hay Hoa Kỳ. Tàu Arktika có thể xuyên qua được lớp băng dày 3m. Hai con tàu tương tự cũng sẽ xuất xưởng trong những năm tới.
Hai tàu phá băng nói trên chỉ là một phần trong hạm đội tàu phá băng hơn 40 chiếc của Nga. Hoa Kỳ hiện chỉ có sáu tàu, Canada cũng có sáu chiếc, và chiếc thứ bảy sẽ chỉ được hạ thủy vào năm 2025. Nói một cách khác, đội tàu phá băng của Nga vượt xa tổng số tàu phá băng của các quốc gia Bắc Cực còn lại.
Gia tăng quân sự để thu hút đầu tư? Phát triển gấp rút các cơ sở quân sự và đội tàu phá băng để sẵn sàng làm chủ tuyến đường hàng hải xuyên Bắc Băng Dương trong những thập niên tới, trong bối cảnh khí hậu trái đất đang nóng lên nhanh chóng, phải chăng là chủ thuyết của Nga trong những năm gần đây.
Tháng 4/2014, tổng thống Nga tuyên bố sẽ phát triển một hệ thống thống nhất các căn cứ hàng hải, bao gồm các chiến hạm và tàu ngầm thế hệ mới, để bảo vệ quyền lợi của Nga tại Bắc Cực. Nhiều chuyên gia ghi nhận, Nga có nhiều hải cảng và hạm đội tại Bắc Băng Dương của nước này thích ứng với khí hậu vùng cực hơn nhiều so với Hoa Kỳ.
Tham vọng thống lĩnh Bắc Cực của Nga mới đây được công luận biết đến qua hành động cắm cờ dưới đáy biển Bắc Cực ở độ sâu hơn 4.000m vào năm 2007. Matxcơva cũng đang đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc đòi hỏi thêm 1,2 triệu km2 quyền khai thác đáy biển khu vực này.
Nhà phân tích chính trị Mika Mered (chủ tịch Polarisk – một trung tâm tư vấn thông tin về thương mại và rủi ro chính trị tại Bắc Cực và Nam Cực) nhận xét: “Về vấn đề quân sự hóa, có khía cạnh là việc này mang lại sự bảo đảm cho các hoạt động thương mại. Nếu như bạn muốn con đường hàng hải của bạn phát triển, bạn cần phải bảo đảm an ninh.
Đây chính là mục tiêu của Nga. Kể từ ngày 1/12/2014, Nga có một bộ chỉ huy Bắc Cực thống nhất. Trong vòng 5 năm tới, việc Nga có kế hoạch bố trí 10 căn cứ tìm kiếm và cứu nạn trên vùng bờ biển giáp biển Bắc Băng Dương, 13 sân bay, 10 trạm ra đa, thì điều này chính là để quyến rũ các nhà đầu tư và các công ty bảo hiểm”.
Thực tế và tưởng tượng: Trữ lượng 100 tỷ thùng dầu thô và khoảng 40.000 tỷ mét khối khí đốt nằm trong khả năng khai thác tại Bắc Cực tương đương với khoảng 3,5 năm tiêu thụ dầu mỏ và 15 năm khí đốt của toàn cầu.
Bên cạnh đó là khoảng 13% trữ lượng dầu và 30% khí đốt trên trái đất chưa được thăm dò, theo một số ước tính của cơ quan điều tra Mỹ US Geological Survey và chính quyền Nga. Có thể thấy, trữ lượng tài nguyên năng lượng có khả năng khai thác trực tiếp thấp hơn nhiều so với các khu vực truyền thống như Cận Đông hay Nam Mỹ, trong khi đó việc thăm dò tại các khu vực mới tỏ ra không dễ dàng.
Về phần triển vọng phát triển hàng hải tại vùng biển băng Bắc Cực, với viễn cảnh trái đất tiếp tục nóng lên nhanh chóng, một số chuyên gia tỏ ra thận trọng. Hiện tại, lượng tàu thuyền mượn con đường xuyên Bắc Băng Dương qua ngả nước Nga trong một năm chỉ tương đương với số tàu qua kênh đào Suez trong khoảng hai ngày.
Theo nhà địa chính trị học Frédéric Lasserre (đại học Laval, Canada), về cơ bản hành trình qua ngả này chủ yếu để phục vụ cho các nhu cầu địa phương, trong số khoảng 40 tàu đi qua vào năm 2014, chỉ có duy nhất một chiếc là mang tính thương mại quốc tế.
Khí hậu tại Bắc Cực rất khó dự đoán khiến khả năng hình thành một con đường hàng hải ổn định không phải là việc có thể xảy ra trong trước mắt. Việc tàu phải dừng lại tại quá nhiều cảng trung chuyển, để có thể thích ứng với những thay đổi bất thường của biển khiến cho giải pháp đi đường tắt qua Bắc Cực trở nên ít có lợi hơn nhiều.
Để biến Bắc Băng Dương thành một tuyến đường biển chiến lược mới, còn rất nhiều nỗ lực phải làm trong các lĩnh vực dự báo thời tiết, thông tin liên lạc và an toàn hàng hải.
Tài nguyên đã có chủ: Theo Joel Plouffle, nhà nghiên cứu thuộc Đài Quan sát về Chính trị và An ninh tại Bắc Cực, có trụ sở tại Montreal, Canada, “Bắc Cực không phải là một khu vực bất ổn như nhiều người đôi khi vẫn lầm tưởng, mà thực ra rất ổn định”.
Điểm quan trọng được nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh là, có từ 90% đến 95% tiềm năng về năng lượng đã nằm trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ven bờ. Như vậy, tài nguyên khoáng sản tại khu vực này về cơ bản đã được phân chia và cuộc chạy đua chiếm lĩnh các không gian mới thực sự sẽ không làm thay đổi gì nhiều.
Khả năng khai thác dầu mỏ tại tại các khu vực xa bờ tại Bắc Cực thế nào? Nhiều tập đoàn dầu khí đã thử sức tại những địa điểm ngoài khơi xa, nhưng kết quả đều không khả quan. Hồi tháng 9/2015, tập đoàn Shell đã phải bỏ cuộc tại khu vực ngoài khơi tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ, sau nhiều nỗ lực với chi phí lên đến 7 tỷ đô la. Bên cạnh phí tổn khai thác, tác động môi trường cũng là trở lực và mối lo ngại hàng đầu. Nhiều công ty cam kết không khai thác dầu mỏ dưới tầng băng Bắc Cực.
Nhà địa chính trị học Pháp Thierry Garcin (đại học Paris Descartes) cho biết: “Tôi hết sức thận trọng với vấn đề khai thác. Cố tổng giám đốc Total Christophe de Margerie từng nói không thể khai thác dầu tại các vĩ độ cao như vậy. Tai nạn của tập đoàn BP tại vịnh Mêhicô năm 2010 đã làm tất cả mọi người kinh hoàng.
Vả lại BP cũng đã phải hứng chịu các thiệt hại rất lớn. Chúng ta biết rằng ở vùng Bắc Cực nửa năm chìm trong đêm tối. Nếu tai nạn xảy ra, không thể cứu vãn nổi. Một tai nạn sẽ trở thành thảm họa toàn cầu”.
Chuyên gia về an ninh Bắc Cực Franck Galland thì nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của môi trường: “Những hệ lụy về môi trường đã tồn tại. Khi nghiên cứu về các hệ sinh thái Bắc Cực, các nhà khoa học phát hiện ra nhiều nguồn gây ô nhiễm.
|
Tàu phá băng tìm đến Bắc Cực |
Những nguồn này có thể đến từ rất xa. Chúng ta nói đến các loại thuốc trừ sâu, polychlorobiphényles (PCB), do chúng ta xuất khẩu từ lục địa, chúng đi theo cả các dòng khí quyển. Chúng ta cũng biết sự lan truyền của các kim loại nặng, như thủy ngân, cadmium, chì… và các chất phóng xạ.
Vùng Bắc Cực hiện nay phải đối mặt với nạn ô nhiễm rất lớn, và có xu hướng tiếp tục tăng lên, do việc khai thác tài nguyên gia tăng”.
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại Bắc Cực là một ưu tiên trong chính sách Bắc Cực của Liên Hiệp Châu Âu, được công bố cuối tháng 4/2016, đặc biệt chú trọng đến việc cổ vũ cho việc thừa nhận các tiêu chuẩn ở mức cao nhất cho khu vực này, nhằm phòng ngừa các thảm họa có thể xảy ra. Mới đây Hoa Kỳ và Canada cũng nhất trí cổ vũ thành lập các khu bảo tồn biển tại Bắc Cực.
Lợi ích quốc tế hay quyền lợi khu vực? Cho dù không hẳn đã là một điểm nóng của hành tinh, như Trung Cận Đông, hay Biển Đông, tham vọng riêng rẽ của các quốc gia Bắc Cực, trước hết là Nga, khiến cho các hợp tác tại khu vực này không phải dễ dàng.
Nhà địa chính trị học Thierry Garcin nhận xét về các cơ chế đối tác, trước hết là cơ chế 5 quốc gia ven bờ Bắc Băng Dương (gồm Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch):
“Xét cho cùng trong câu lạc bộ 5 quốc gia, chúng ta có hai thế lực chính, với hai quan điểm khác nhau. Trước hết là Hoa Kỳ. Washington coi đây là một vùng đệm, nếu xét về mặt địa chính trị toàn cầu. Giống như Địa Trung Hải, một thứ biển nằm giữa các khối đất liền. Bắc Băng Dương sẽ được giải phóng khỏi băng giá để trở thành một thứ biển trung gian.
Thế lực thứ hai, quan trọng hơn cả Hoa Kỳ trong lĩnh vực này, đó là Nga. Nếu quí vị nhìn vào bản đồ trái đất nằm bên trên vòng Bắc Cực (phía bắc vĩ tuyến 66°33), nước Nga chiếm đến gần một nửa diện tích đất đai.
Nước Nga có thế mạnh về địa lý, về lịch sử, về các hiểu biết tích lũy từ nhiều thế kỷ nay. Nga cũng có thể mạnh về các phương tiện. Matxcơva sở hữu nhiều tàu phá băng nguyên tử, mà tất cả những ai muốn đi qua con đường xuyên Bắc Cực qua ngả nước Nga đều cần.
Không nước nào trong số hai quốc gia này muốn hình thành một cơ chế quản trị mang tính phối hợp đối với Bắc Cực. Hoa Kỳ có một quan điểm mang tính toàn cầu về Bắc Cực, trong khi Nga thì coi đây là vấn đề của khu vực”.
Về quan điểm của Nga, ông Franck Galland cho biết thêm: “Họ (Nga) đã nói hai điều quan trọng. Họ nói rằng như vậy chúng ta (tức nhóm 5 quốc gia Bắc Cực) cứ thoải mái như ở nhà mình. Nói một cách khác, 5 nước chúng ta tôn trọng Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982, dù Hoa Kỳ không phê chuẩn, nhưng Washington tôn trọng công ước này.
Mặt khác, một mặt tôn trọng luật biển quốc tế, nhưng chúng ta cũng cần giải quyết các bất đồng trong nội bộ chúng ta, thông qua đàm phán, và mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn nhiều trong tương lai”.
Tranh giành hay hợp tác? Băng tan nhanh chóng tại Bắc Cực, Bắc Băng Dương có thể sẽ không còn là biển băng vào mùa hè trong thời gian từ 20 đến 50 năm nữa (so với năm 1979, bề mặt băng Bắc Cực đã giảm gần một nửa, và tiếp tục giảm với tốc độ 1,3% năm).
Thực tế này để ngỏ khả năng mở ra một tuyến đường hàng hải mới giữa châu Âu và châu Á. Tham vọng khai thác các nguồn khoáng sản dưới đáy biển thúc đẩy các quốc gia trong các tranh chấp đặc quyền khai thác đáy biển. Nga muốn đi đầu trong các đòi hỏi quyền lợi tại Bắc Cực, đặc biệt với việc gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực này.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, Bắc Cực biến đổi mở ra không chỉ các tiềm năng, mà đặc biệt đang để ngỏ hàng loạt thách thức vô cùng lớn, khôn lường về môi trường và thời tiết. Nạn ô nhiễm do khai thác khoáng sản bừa bãi, những biến đổi về khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết dị thường rất khó kiểm soát, như bão lốc, nhiệt độ tăng cao gây cháy rừng, hay điều mà nhiều người gọi là một thảm họa với hình ảnh “trái bom nổ chậm” của trái đất, khi tầng băng giá (permafrost) tại vùng Siberi hay các nơi khác tan đi, để tỏa vào không khí hàng tỷ tấn methan (toàn bộ khối khí nằm dưới tầng băng giá tương đương 70 năm khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay).
Khai thác cơ hội tại Bắc Cực do khí hậu ấm lên không thể không đi liền với các nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, bảo vệ các hệ sinh thái và các cộng đồng dân cư tại khu vực này.
Theo nhiều nhà quan sát, để làm được những chuyện như vậy, cơ chế câu lạc bộ 5 quốc gia vùng Bắc Cực là chưa đủ. Các quốc gia Bắc Cực được khuyến nghị học tập mô hình bảo vệ môi trường Nam Cực. Hội đồng Bắc Cực đang trở thành một cơ chế cho phép hy vọng phối hợp hành động tốt hơn.
Một số chuyên gia nói đến một cơ chế quốc tế rộng hơn (dự án Hiệp ước Bắc Cực), tuy nhiên điều này không được các nước như Nga hưởng ứng, dù nhiều chuyên gia đánh giá Bắc Cực là khu vực tác động của biến đổi khí hậu diễn ra rõ rệt nhất, những hệ quả của nó ảnh hưởng nhanh chóng đến toàn bộ hành tinh. Như thế, việc quản lý Bắc Cực thời Băng tan có thể phó thác riêng cho các quốc gia Bắc Cực?