Khó khăn chồng khó khăn
Cô giáo Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) là một trong những giáo viên nổi bật với hoạt động dạy học, đưa Tiếng Anh gần gũi hơn với những học sinh vùng cao. Cô từng là một trong 50 người được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020.
Kể về chặng đường mang ngoại ngữ lên vùng cao, cô chia sẻ, dạy ngoại ngữ cho học sinh, vốn đòi hỏi rất nhiều điều kể cả về năng lực giáo viên, trình độ hiểu biết của học sinh hay những trang thiết bị dạy học đầy đủ đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thế nhưng, việc dạy Tiếng Anh ở vùng cao lại càng khó khăn hơn nhiều.
Không chỉ là những trở ngại về điều kiện dạy học, khó khăn bội phần khi phần lớn những học sinh này đều thuộc vùng dân tộc thiểu số, quá trình học tập của các em cũng gặp nhiều vất vả. Đa phần các em đều thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, phát âm Tiếng Anh chưa rõ ràng. Trình độ và năng lực học tập của các em còn nhiều hạn chế, còn rụt rè, e ngại trong việc giao tiếp. Điều này đòi hỏi các thầy cô dành nhiều thời gian và công sức hơn cho học sinh trong mỗi buổi lên lớp.
“Về cơ bản thì môn Tiếng Anh vốn dĩ đã rất khó học với không ít học sinh ở miền xuôi hoặc thành phố, nơi có đủ điều kiện học tập. Thế nên, với các học sinh người dân tộc thiểu số khó khăn còn nhân lên gấp nhiều lần”, cô cho biết. Đó là những hạn chế về sự tiếp cận với ngôn ngữ Tiếng Anh của các học sinh nơi đây.
Bởi lẽ, hầu hết điểm trường vùng miền núi đều xa trung tâm huyện nên không có nhiều trung tâm Tiếng Anh để các em có thể tham gia học nâng cao và bổ sung thêm kiến thức ngoài những giờ học ở trường. Hoặc nếu có các trung tâm thì cũng rất ít gia đình ở đây có đủ kinh phí trang trải cho các em theo học.
Ngoài ra, phụ huynh, người thân trong gia đình các em cũng không biết nhiều về tiếng Anh để có thể hướng dẫn, hỗ trợ thêm các em học Tiếng Anh tốt hơn. Bên cạnh đó, đời sống của phần đông người dân nơi đây còn khó khăn nên rất ít gia đình có thể trang bị được các phương tiện truyền hình có phát ngôn ngữ Tiếng Anh từ các đài truyền hình nước ngoài, hay các bản tin bằng Tiếng Anh”.
Không dạy học như hình thức truyền thống, cô đổi mới sáng tạo phương thức dạy học để khiến học sinh hứng thú hơn trong mỗi giờ Tiếng Anh. Chỉ với một màn hình, một máy chiếu, học sinh của cô Phượng sau khi vượt qua những rụt rè ban đầu, giờ có thể tự tin thuyết trình, giao lưu văn hóa, giới thiệu di sản văn hóa thế giới như hát xoan đến học sinh các nước trên thế giới.
Dù là học sinh ở một tỉnh vùng cao nhưng các học sinh của cô Phượng ở Trường THPT Hương Cần hoàn toàn tự tin khi giao tiếp bằng Tiếng Anh với bạn bè quốc tế. Những tiết học Tiếng Anh của cô Phượng không còn nhàm chán và đáng ngại mà hết sức hấp dẫn; học sinh của cô được phát triển tất cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Cũng bởi sinh ra và lớn lên ở miền núi, tuổi thơ gắn với hình ảnh đồi núi và cánh đồng, cô hiểu, dù có thể cơ sở vật chất không đủ điều kiện như ở những miền xuôi, thế nhưng tinh thần học của những đứa trẻ miền núi ấy luôn rất cao, luôn là động lực rất lớn để những giáo viên như cô tiếp tục gắn bó với buôn bản, với những rẻo cao nơi còn có nhiều học sinh gặp khó khăn.
Kể về lý do lựa chọn con đường riêng cho mình khi còn nhiều cơ hội lớn phía trước, cô Phượng chia sẻ về một phần động lực hình thành từ trong tuổi thơ mình. Trong điều kiện khó khăn về mọi mặt chung như bao học sinh miền núi khác, để nuôi dưỡng niềm đam mê với môn Tiếng Anh, cô Hà Ánh Phượng đã tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận với môn ngoại ngữ này như xem những bản tin trên truyền hình, tìm mua những tờ báo tiếng anh cũ... Tuổi thơ của Phượng đã lớn lên trong niềm ấp ủ một ngày nào đó sẽ trở thành cô giáo dạy Tiếng Anh, góp phần thay đổi nhận thức của những con người sống tại vùng miền núi nghèo khó quê mình.
Học sinh miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc học Tiếng Anh. |
Những lớp học hạnh phúc
Thầy giáo Nguyễn Văn Đường (Trường THCS Cúc Phương – Ninh Bình) cũng là một trong những người trăn trở với việc đưa con chữ ngoại ngữ lên vùng cao. Ngày tốt nghiệp đại học và được giao nhiệm vụ tại Trường Cúc Phương, thầy Đường hăm hở trở về quê hương với bao khát vọng được cống hiến, nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Đường cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khi chính các bậc phụ huynh và học sinh vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của môn học ngoại ngữ. Bằng nhiệt huyết, năng động của tuổi trẻ và sự tận tâm, yêu nghề, thầy giáo Nguyễn Văn Đường tích cực nghiên cứu các tiết học mẫu, tham khảo kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước để từ đó tìm ra cách dạy phù hợp.
Có những thầy, cô giáo tìm cách đưa Tiếng Anh đến với học trò vùng cao theo cách tốt đẹp nhất. Ba năm qua, những tiết học Tiếng Anh kết nối theo mô hình “Lớp học không biên giới” được cô giáo Trần Thị Mai Khanh, Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, Lào Cai) tổ chức thường xuyên. 8 năm trước, khi được tiếp cận và nhận thấy những giá trị hữu ích của “Lớp học không biên giới” cô Trần Thị Mai Khanh đã tâm đắc và mày mò tìm cách kết nối các tiết dạy học Tiếng Anh ở Trường Tiểu học Bắc Cường.
Tuy nhiên, để có được tiết dạy Tiếng Anh kết nối với giáo viên, lớp học nước ngoài thời gian đầu không dễ dàng bởi bản thân cô Khanh chưa tham gia nhiều hoạt động chuyên môn với nhóm giáo viên quốc tế nên không thể trao đổi, giao lưu cần thiết. Tiết dạy học Tiếng Anh kết nối mà cô Khanh tổ chức không chỉ tốt cho học sinh trên mọi mặt, mà giáo viên cũng được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức, được tiếp xúc với đồng nghiệp, học sinh nước ngoài, nâng cao kỹ năng nghe nói, thuyết trình, xử lý các vấn đề...
Xác định dạy Tiếng Anh cho học sinh miền núi, điểm số hay thành tích không còn là những áp lực quá nặng nề. Với nhiều thầy cô, mong muốn duy nhất chỉ là để các em hiểu và thật sự hào hứng với ngoại ngữ. Bởi vậy, không quản ngại bao vất vả, khó khăn, các thầy cô vẫn hết mình “mang thế giới” đến gần hơn với những đứa trẻ bên gần biên giới, nơi vùng cao còn vất vả.
Nếu như xã hội hiện đại, áp lực “con ngoan, trò giỏi” đè nặng lên chiếc ba lô của những đứa trẻ mới lớn thì ở đây, niềm vui, tình yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ lại là sợi dây gắn kết, là tinh thần được lan tỏa rộng rãi. Không giây phút nào ngớt tiếng cười, không còn là những gương mặt gồng mình vì những buổi thi cử.
Với những thầy cô, khó khăn nhất có lẽ là việc phải luôn theo dõi, sát sao việc học của các em hằng ngày. Bởi có những khi sĩ số học sinh nghỉ học đã bằng một nửa lớp thường ngày. Các em có thể khó khăn trong việc đi lại, vì những suy nghĩ từ gia đình, vì cuộc sống vất vả phải đi lao động từ sớm mà lỡ dở việc học. Bởi vậy, không chỉ là một giáo viên, các thầy cô còn đóng vai trò như những người đồng hành, luôn hỗ trợ, chia sẻ và động viên các em cùng gia đình tiếp tục theo con đường tri thức.
Cũng bởi sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn đó, có những học sinh đã bộc lộ tư chất với ngoại ngữ, sớm đạt được thành công. Điển hình là cậu sinh viên Khang A Tủa, từng là người khiến cả rẻo cao quê mình tự hào khi là người Mông đầu tiên đỗ vào Đại học Fullbright. Cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ: “Nhìn những ánh mắt lấp lánh, tự tin khi giao tiếp tiếng Anh của học trò, tôi tin rằng các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai”.