Những thay đổi tích cực trong tuyển sinh ĐH – CĐ 2012

Thêm khối thi A1, mở thêm cụm thi, bỏ xét NV2, NV3… là những thay đổi Bộ GD-ĐT tiến hành triển khai trong kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Nhiều đổi mới trong kì thi gây ra không ít “bỡ ngỡ” cho thí sinh và phụ huynh.

Câu chuyện xoay quanh kỳ thi Đại học – Cao đẳng hàng năm vẫn luôn là vấn đề nóng hổi được cả xã hội quan tâm. Để nâng cao chất lượng đầu vào bậc ĐH-CĐ, Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết định tiến hành nhiều đổi mới cho kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012.

Thêm khối thi A1, mở thêm cụm thi, bỏ xét NV2, NV3… là những thay đổi Bộ GD-ĐT tiến hành triển khai trong kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Nhiều đổi mới trong kì thi gây ra không ít “bỡ ngỡ” cho thí sinh và phụ huynh.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hồng Dương – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quản lý Giáo dục về phương án đổi mới của Bộ GD-ĐT.

Ông Phan Hồng Dương – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quản lý Giáo dục

Thưa ông, kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, Bộ GD_ĐT đã mở thêm khối thi A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh), theo ông việc này sẽ mang lại thuận lợi và hạn chế gì cho thí sinh?

- Về mặt thuận lợi, việc tuyển sinh khối A1 sẽ tạo điều kiện cho các thí sinh có khả năng thích ứng tốt hơn khi các em học tập trong nhà trường. Bởi, đối với các ngành công nghệ thông tin hay một số ngành khác, trước đây các em thi tuyển khối A (Toán, Lý, Hóa) thì khi đào tạo đại học môn Hóa hầu như không học đến. Trong môi trường hội nhập hiện nay thì yêu cầu về ngoại ngữ là rất cao, giúp sinh viên đạt kết quả tốt trong học tập tại môi trường đại học và làm việc sau này.

Điểm hạn chế, Bộ GD-ĐT đã cho ra quyết định thi thêm khối A1 trong vòng một tháng vừa qua sẽ gây khó khăn cho các em trước kia đã lựa chọn ôn tập theo khối A, khối B, C, D trong việc thích ứng với khối thi mới. Đặc biệt khó khăn trong quá trình ôn tập.

Theo quy định của Bộ thì khối A và khối A1 sẽ thi cùng ngày, vậy có “thiệt thòi” cho học sinh muốn thi cả hai khối không?

- Theo thông tin tôi được biết, cơ bản các trường tuyển sinh ngành công nghệ thông tin khối A sẽ tuyển thêm khối A1. Bộ quy định các trường tuyển thêm khối A1 vẫn giữ nguyên khối A nên các em có thể lựa chọn khối A hoặc khối A1. Do đó, thí sinh sẽ không chịu thiệt thòi gì nhiều.

Học viện Quản lý Giáo dục năm nay có xét tuyển thêm khối A1 không? Và ông dự đoán lượng hồ sơ nộp vào khối A1 năm nay sẽ như thế nào?

- Học viện Quản Lý Giáo dục năm nay có tổ chức thi khối A1 vào ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đến ngày 15/3 các trường mới chính thức nhận hồ sơ và theo quy định của Bộ, khối A và A1 thi vào cùng một ngày, nên theo dự đoán của một số trường thì lượng thí sinh đăng ký thi khối A1 có nhưng sẽ không nhiều.

Năm nay, Bộ GD-ĐT đã cho mở thêm các cụm thi ở Hải Phòng, nhận hồ sơ các thí sinh thuộc Hải Phòng và Quảng Ninh đăng ký vào các trường ở Hà Nội. Cụm Vinh nhận hồ sơ các thí sinh dự thi vào các trường ở TP. Hồ Chí Minh, vậy việc thi ở nhiều địa điểm gây khó khăn gì cho công tác trông thi và chấm thi không?

- Đối với việc chấm thi thì cơ bản là không thay đổi gì. Sau kì thi, bài thi của các thí sinh sẽ được chuyển đến các cơ sở đạo tạo để tiến hành chấm nên việc thi nhiều cụm không gây ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, trong công tác trông thi, quá trình coi thi và tiến hành thanh tra, giám sát là khó đối với các cơ sở đạo tạo. Do số lượng cán bộ có hạn, các trường tuyển sinh sẽ phải phân người phụ trách đến các điểm thi. Thông thường, cán bộ phụ trách điểm thi là những người có kinh nghiệm và chức danh trong trường, do vậy sẽ gây khó khăn cho các trường trong phân công công tác coi thi.

Việc phân ra nhiều cụm thi có những ưu điểm gì thưa ông?

- Khi tổ chức một vấn đề gì, người ta luôn xem xét trên góc độ có lợi cho người sử dụng, ở đây là thí sinh. Việc mở nhiều cụm thi sẽ tạo điều kiện cho thí sinh, người nhà thí sinh đi lại thuận tiện, tiết kiệm chi phí. Còn đối với xã hội, đặc biệt là với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ giảm tải được số lượng thí sinh đi thi, tránh tình trạng ùn tắc giao thông.

Còn hạn chế chủ yếu nằm trong công tác coi thi?

- Đúng vậy. Khi thi tại nhiều điểm, các trường chỉ cử được cán bộ giám sát thôi chứ không cử được cán bộ trực tiếp trông thi được nên phải ủy quyền việc coi thi cho các cơ sở.

Vậy theo ông, việc trông thi tại cơ sở có đảm bảo được tính trung thực không?

- Theo nguyên tắc khi tổ chức thi, các trường phải cử cán bộ giám sát và cán bộ của mình đến trực tiếp trông thi. Nhưng khi phân ra tại nhiều điểm, trường sẽ chỉ cử được cán bộ giám sát, chỉ đạo thôi và phải mượn cán bộ của cơ sở thi nên khâu chỉ đạo sẽ gặp một vài khó khăn, phức tạp hơn.

Năm nay, Bộ GD-ĐT đã bỏ các đợt xét tuyển NV2, NV3. Các trường sẽ phải tự chịu trách nhiệm trong việc tuyển thí sinh sao cho đáp ứng được chỉ tiêu của trường mình. Vậy theo ông việc đó có ảnh hưởng đến sự khách quan của việc tuyển sinh  hay không?

- Trước kia quy định xét tuyển NV2, NV3 nằm trong khoảng thời gian nhất định dẫn đến việc mỗi thí sinh sẽ chỉ có một phiếu báo được nhận vào một trường. Nếu các thông tin không cung cấp kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên không lựa chọn đúng trường phù hợp với điểm thi của mình nên mặc dù điểm rất cao nhưng vẫn trượt.

Bộ GD-ĐT quyết định bỏ xét NV2, NV3 sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên lựa chọn được trường thích hợp, các trường cũng có thể chọn cho mình được nhiều sinh viên ưu tú.

Theo ý kiến của riêng ông, tại sao Bộ không cho phát hành quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh 2012”?

- Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, Bộ muốn các trường mở rộng hơn trong việc thông tin, quảng bá cho ngành đào tạo của mình. Bởi quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh 2012” có dung lượng hạn chế, thông tin khá ngắn gọn và xúc tích, không cung cấp các thông tin chi tiết về các ngành đào tạo nên Bộ muốn các trường tự giới thiệu về ngành đào tạo của mình cụ thể hơn.

Vậy để thay thế quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh”, mỗi trường có thể tự xuất bản một quyển thông tin riêng của mình?

- Đó cũng là một ý kiến hay.

Ông có thể đánh giá chung về những thay đổi ở đợt thi ĐH-CĐ năm nay?

- Theo tôi, các quy định mới năm nay tương đối tích cực và mở rộng quyền tự chủ hơn cho các trường đại học và người học. Tuy nhiên có một điểm thực tế là năm nay Bộ không phát hành quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh 2012” đã gây ra không ít bất cập cho các cơ sở trung học phổ thông và thí sinh. Tình trạng “loạn” cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh 2012” gây khó khăn trong việc cung cấp thông tin chính thức cho học sinh và hạn chế khả năng tiếp nhận thông tin của thí sinh.

Xin cảm ơn ông!

Minh Châu (thực hiện)

Đọc thêm