Nước Nga không xa trong trái tim bao người, dẫu cho ai đó chưa từng đặt chân tới đất nước của những cánh rừng bạch dương hay “Mùa thu vàng” của Lêvitan, Onga Becgon, Leptonxtoi… Và gần đây, những ai từng học tập ở nước Nga hay yêu quý tâm hồn Nga có những nơi để tri ân như tượng đài Cam Ranh, nơi những chiến sĩ anh em người Nga và người Việt đã hy sinh cho cuộc đấu tranh vì nền độc lập của đất nước Việt Nam. Và trong năm 2013, dự kiến tượng đài Bác Hồ và anh hùng vũ trụ G. Ti-tốp sẽ được xây dựng trên vịnh Hạ Long. Tổ chức khởi xướng sáng kiến những đài tưởng niệm như vậy là Hội Hữu nghị Việt- Nga…
|
Phụ nữ Nga, Việt bên tượng đài Cam Ranh. |
Mệnh lệnh từ trái tim
Năm 2012 là năm đầu tiên Hội Hữu nghị Việt- Nga triển khai thực hiện nghị quyết đại hội lần thứ 4, nhiệm kì 2011- 2016 có nhiều thuận lợi trong các mặt hoạt động. Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới trong các lĩnh vực kinh tế- thương mại- đầu tư, quốc phòng - an ninh; khoa học- kỹ thuật; giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch.
Thời gian qua, hoạt động của Hội đạt được những kết quả quan trọng với nhiều sự kiện đọng lại trong ký ức bao người: tham gia vào việc xây dựng tại Cam Ranh (2009); phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức các chương trình: “Thầy trò Xô - Việt” (2010), Cuộc gặp mặt của Tổng thống với những người Việt Nam đã học tập và công tác tại Nga/ Liên Xô (2010), cầu truyền hình Hà Nội - Mátxcơva “Bài ca chiến thắng” (2011)...
Hội đã củng cố và phát triển tổ chức, bổ sung và kiện toàn cơ quan lãnh đạo Hội từ Trung ương đến cơ sở. Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đánh giá Hội Hữu nghị Việt - Nga là một trong những hội mạnh nhất, làm được nhiều việc nhất và đóng góp quan trọng vào phát triển quan hệ VN - LB Nga.
Hiện trong số các hội hữu nghị với nước ngoài của Việt Nam, Hội Việt - Nga là Hội có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và lực lượng quần chúng đông đảo nhất.
Đổi mới phương thức hoạt động, Hội đã đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của Hội địa phương và tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất của nhiều đơn vị, doanh nghiệp mà tiêu biểu là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Đài truyền hình Việt Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Tập đoàn Sovico Holdings, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga...
Thời gian tới, Hội Hữu nghị Việt - Nga thực hiện định hướng về công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước; Đổi mới và gắn các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị với giao lưu văn hoá nghệ thuật, làm cầu nối để các địa phương, doanh nghiệp của hai nước thiết lập quan hệ, trao đổi các đoàn, đẩy mạnh hợp tác toàn diện qua kênh Hội hữu nghị Việt-Nga và Nga-Việt; Tăng cường sự giao lưu trao đổi giữa thế hệ trẻ hai nước; Đẩy mạnh việc thành lập mới ở các địa phương có đủ điều kiện, tăng cường kết nạp các hội viên mới nhất là lớp trẻ tạo nguồn cho hoạt động của Hội trong tương lai. Tập trung phát triển hội viên trong cộng đồng người Việt Nam sống và làm việc tại LB Nga...
Hội cũng đặt nhiệm vụ củng cố đặc san “Bạch Dư¬ơng”; Biên soạn và xuất bản cuốn sách “Biên niên sự kiện Hội Hữu nghị Việt -Xô/ Việt-Nga”; Xúc tiến xây dựng “Ngân hàng dữ liệu những người đã học tập tại Liên Xô/Nga; Xây dựng t¬ượng đài Bác Hồ và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Ti-tốp tại Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh... Tất cả những nỗ lực không mệt mỏi ấy được được hối thúc từ chính trái tim và tâm hồn của những thế hệ đã trưởng thành từ nước Nga/ Liên Xô cũ những năm tháng gian khó nhưng sâu nặng nghĩa tình.
Sẽ có tượng đài Bác Hồ và anh hùng Ti-tốp trên vịnh Hạ Long
Năm 1962, trong chuyến thăm Việt Nam, Anh hùng vũ trụ Liên Xô, Ghecman Ti-tốp đã được Bác Hồ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam.
Ngày 22/1/1962, khi được nhà du hành Ti- tốp lái ca nô đi thăm vịnh Hạ Long, Bác đã lấy tên nhà du hành đặt tên cho một hòn đảo đẹp trên vịnh- đảo.
Và anh hùng Ti- tốp, trong 30 năm làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô- Việt đã có nhiều công lao đóng góp cho Việt Nam. Đặc biệt, năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, nhiều tượng đài của các nhà hoạt động chính trị Liên Xô bị phá bỏ. Ti- tốp lúc bấy giờ đã có công rất lớn vận động bảo vệ nguyên vẹn Tượng đài Bác Hồ tại Mát- xcơ-va.
Trả lời phóng vấn đài “Tiếng nói nước Nga”, Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam với nước ngoài Vũ Xuân Hồng cho biết: “Một tượng đài đã được xây dựng ở Cam Ranh - về tình anh em của những người lính Nga và Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho tự do và độc lập của Việt Nam. Điều này truyền cảm hứng cho chúng tôi để lập ra hai dự án nữa.
Trên đảo Ti-tốp ở vịnh Hạ Long, chúng tôi quyết định dựng lên một tượng đài kỉ niệm lần Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp phi hành gia Liên Xô đầu tiên đã đến nước chúng tôi. Và trên sông Đà - tượng đài cho những người Việt Nam và Nga đã tham gia xây dựng nhà máy thủy điện. Những tượng đài này là bằng chứng về lòng biết ơn đời đời của chúng tôi đối với những người bạn Nga đã đến giúp Việt Nam trong những thời kỳ khó khăn nhất.”
Việc xây dựng hai tượng đài kỷ niệm mới sẽ là công việc chung của cả hai hội - Hội hữu nghị Việt-Nga và Hội hữu nghị Nga-Việt. Hơn nửa thế kỷ qua họ đã làm việc sát cánh bên nhau. Trong tương lai không xa, tại Vũng Tàu và Ninh Thuận cũng sẽ xây dựng tượng đài kỷ niệm tình hữu nghị và hợp tác Nga Việt.
Dự kiến giữa năm 2013, tượng đài Bác Hồ và nhà du hành vũ trụ Giéc-man Ti-tốp được xây dựng tại đảo Ti- tốp trên vịnh Hạ Long sẽ trở thành một công trình đặc biệt quan trọng, thể hiện tình đoàn kết, tình cảm sâu nặng vô bờ bến của nhân dân hai nước Việt- Nga; thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Uyên Na