Hàng dài xe máy trên vỉa hè và ô tô xếp dọc dưới lòng đường, rất đông người nhà các y bác sĩ túc trực. Hàng rào cách ly vẫn ở đó, đối diện với họ là gần 20 người gồm lực lượng công an, nhân viên y tế phường. Cảnh tượng này không khác gì sáng 25/3 khi BV Bạch Mai bắt đầu "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Chỉ khác hôm nay, họ tập trung ở đây để chờ đợi khoảnh khắc hàng rào cách ly được gỡ bỏ sau 14 ngày phong tỏa.
Sau đó là gì? Cả trong và ngoài BVBM nụ cười xen nước mắt từ y, bác sỹ, nhân viên y tế, bảo vệ, bệnh nhân, người nhà đang cách ly. Biển cảnh báo được chuyển đi, hàng rào được gỡ bỏ, cánh cửa BVBM đã mở rộng, dòng người hối hả ra về nhưng vẫn không quên vẫy tay chào nhau. Trong lịch sử BVBM, khoảnh khoắc “chiến thắng Covid-19” không bao giờ quên.
Cùng thời điểm ấy, chính xác là rạng sáng 12/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 1.771.514 ca nhiễm Covid-19, với 108.503 người tử vong - theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Trong đó, Mỹ đang dẫn đầu thế giới cả về số ca nhiễm lẫn số ca tử vong.
Cụ thể, Mỹ đã có 20.389 trường hợp tử vong vì Covid-19, cao nhất trên toàn cầu, chính thức vượt qua Italia, nước hiện có 19.468 người chết. Tổng số ca nhiễm của Mỹ là 524.903 người.
Đặt hai thông tin bên cạnh nhau, đã thấy không cần lời bình thêm về nỗ lực, kết quả, ý nghĩa của “chiến thắng Bạch Mai”.
Đầu tuần trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tính tới ngày 6/4, Việt Nam trải qua đúng 1 tháng kể từ giai đoạn II. Nếu kể từ ngày phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên thì đã qua 2 tháng rưỡi. Thời điểm đó, Việt Nam là một trong số vài nước bị lây nhiễm.
Tới nay, khi dịch bệnh trở thành “khủng hoảng toàn cầu” thì Việt Nam chỉ đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh (đến ngày 11/4, số ca nhiễm cả nước là 258).
Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đứng đầu có số lượng người được xét nghiệm trên một ca dương tính. Không ai ai bị tử vong vì Covid-19.
Có được điều đó vì chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhân dân đồng thuận với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
Ngay từ đầu Việt Nam đã kiên định nguyên tắc từ đầu là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả, trong từng thời điểm, có thể thay đổi chiến thuật, ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thắng lợi đã rất gần.