Niềm vui nước sạch về bản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cả hai bản Châu Phong và Pưa Lai thuộc xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đều là những bản vùng cao đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, cứ mỗi năm hạn hán, người dân lại chịu cảnh gồng mình thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất trầm trọng.
Việc khánh thành và nghiệm thu 2 công trình nước đã cung cấp nước sạch cho 415 người dân bản Pưa Lai và 121 người dân bản Châu Phong. Ảnh MSD
Việc khánh thành và nghiệm thu 2 công trình nước đã cung cấp nước sạch cho 415 người dân bản Pưa Lai và 121 người dân bản Châu Phong. Ảnh MSD

Chủ yếu các hộ gia đình lấy nước từ các mo nước, khe suối, nhưng không thể đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất cũng không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, các nguồn nước này hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề do ảnh hưởng của các hộ sản xuất nông nghiệp phía đầu nguồn (nước bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, chất thải gia súc,…) gây nguy cơ mắc phải các bệnh về đường tiêu hoá, đau mắt hột, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.

“Chúng tôi cố gắng dẫn nước đầu nguồn hoặc lấy nước ở mỏ, nhưng ở bên trên họ chăn nuôi và sản xuất nên thỉnh thoảng nước có mùi khó chịu lắm. Nguồn nước đó sử dụng lâu dài kiểu gì cũng gây hại cho sức khỏe của mình, nhất là khi bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật toàn chất hóa học thế thì dễ bị ung thư lắm. Biết là thế nhưng đây mọi người không còn nguồn nước nào khác nên vẫn phải sử dụng nguồn đó thôi”, chị Đinh Thị Huệ người dân của bản Châu Phong cho biết.

Theo anh Đinh Văn Toàn, một người dân địa phương bản Pưa Lai thì, “Nguồn nước từ mỏ nước, khe suối làm sao mà đảm bảo vệ sinh được. Như mình lớn sử dụng quen chắc không sao, chứ mấy đứa nhỏ bụng dạ yếu, thỉnh thoảng cứ thấy chúng nó kêu đau bụng. Nhưng nguồn nước tại đây khó lắm, xa không dẫn nước về bản được”.

Mới đây, nhân dịp Ngày Sức khoẻ thế giới 7/4, cũng đúng dịp cao điểm khô hạn tại Vân Hồ Sơn La, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - MSD United Way Việt Nam (là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với tiêu chí giúp tất cả các cá nhân và gia đình Việt Nam có thể phát huy tối đa các tiềm năng của mình thông qua giáo dục chất lượng, thu nhập ổn định và cuộc sống mạnh khoẻ), cùng với Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC) và đại diện UBND, người dân địa phương huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã tổ chức đoàn giám sát thực địa, khởi công và khánh thành các công trình nước quan trọng tại 4 xã Chiềng Cang, Pưa Lai và Suối Bàng tại Vân Hồ, tỉnh Sơn La, mang lại nguồn nước cần thiết quý giá, hợp vệ sinh cho gần 700 người dân tộc thiểu số tại đây.

Niềm vui của các em nhỏ khi nước sạch về bản. Ảnh MSD.

Niềm vui của các em nhỏ khi nước sạch về bản. Ảnh MSD.

Trong các ngày 3-6/4/2024, đoàn đã tổ chức khởi công duy tu và sửa chữa công trình nước sạch tại bản Tân Thành, xã Chiềng Cang, khánh thành công trình nước sạch tại bản Pưa Lai, nghiệm thu công trình nước tại bản Châu Phong, Suối Bàng và khảo sát để chuẩn bị hỗ trợ xây dựng mới công trình tại xã Song Khủa, là 4 xã đặc biệt khó khăn đều thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Bằng việc xây dựng các bể lọc đầu nguồn, dẫn nước đầu nguồn hoặc khoan giếng lọc nước, duy tu sửa chữa bể chứa nước, xây mới bể chia nước và lắp đặt đường ống dẫn nước từ bể đầu nguồn về khu dân cư, từ nay bà con sẽ không còn phải đi xa để lấy nước nữa, và nguồn nước sinh hoạt đã được lọc sạch cũng đảm bảo vệ sinh hơn.

Việc khánh thành và nghiệm thu 2 công trình nước đã cung cấp nước sạch cho 415 người dân bản Pưa Lai và 121 người dân bản Châu Phong, trong đó có hơn 150 trẻ em, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống và sức khỏe cho cộng đồng.

Tham gia khánh thành và nghiệm thu dự án, ông Hoàng Văn Khun - Phó Chủ tịch xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, Sơn La cho biết: “Ngoài ý nghĩa mang lại nước cho bà con, công trình còn có ý nghĩa do cộng đồng cùng bàn bạc, ra quyết định, mỗi người một tay cùng nhau xây dựng và sau này là tiếp quản bảo trì. Việc xây dựng công trình với mô hình cộng đồng tự làm chủ, tự quản như vậy sẽ giúp công trình được sử dụng hiệu quả hơn.

Công trình rất có ý nghĩa khi đem nước sạch đúng mùa cao điểm, với công trình nước sạch này, bà con sẽ yên tâm hơn về chất lượng của nguồn nước, được đảm bảo sức khỏe hơn, và đỡ vất vả hơn trong việc lấy nước sạch để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của bản thân và gia đình”.

Theo anh Vì Văn Luyến, Trưởng nhóm cộng đồng bản Pưa Lai, trước đây thiếu nước lắm nên giờ có tạm đủ nước rồi, cả bản sẽ cùng nhau bàn bạc cách sử dụng nước hiệu quả, bảo trì công trình của bản mình thật tốt.

Khánh thành công trình nước sạch ở Pưa Lai, Vân Hồ, Sơn La. Ảnh MSD

Khánh thành công trình nước sạch ở Pưa Lai, Vân Hồ, Sơn La. Ảnh MSD

Được biết, Dự án “Đại sứ nước - Đem nước sạch cho cộng đồng” là một trong những chương trình trọng tâm và xuyên suốt của MSD United Way Vietnam. Dự án nhằm mục tiêu xây dựng các công trình nước sạch tại trường học và cộng đồng, nhằm đảm bảo vệ sinh, sức khoẻ cho người dân, đặc biệt là trẻ em tại các khu vực miền núi, nông thôn, khu vực có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Với việc khởi công và khánh thành, nghiệm thu 3 công trình nước tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tính đến thời điểm này, MSD United Way Việt Nam và các đối tác đã hỗ trợ xây dựng và duy tu, sửa chữa 37 công trình nước sạch tại hơn 10 tỉnh thành vùng sâu vùng xa, phục vụ cải thiện cuộc sống cho gần 23,000 người dân và trẻ em. Dự kiến, trong nửa cuối năm 2024, Viện MSD và các đối tác sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng thêm 5 công trình nước sạch nữa tại Hoà Bình, Sơn La và Long An.

Chia sẻ về hành trình của Đại sứ nước tới vùng sâu vùng xa, bà Nguyễn Phương Linh, đại diện MSD United Way Việt Nam cho biết: “Nước sạch là tài nguyên quý giá và rất cần thiết cho cuộc sống. Chính vì thế chúng tôi rất mong muốn và cam kết trong việc mang lại nguồn nước sạch cho bà con tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và đảm bảo sức khoẻ cho bà con, đặc biệt là trẻ em.

Đặc biệt, Đại sứ nước sử dụng cách tiếp cận cộng đồng tự quản, chính vì thế cộng đồng sẽ là những người cùng nhau thảo luận, cùng ra quyết định ưu tiên về xây dựng công trình, giải pháp công trình hữu ích với cộng đồng, tham gia đóng góp nguồn lực vật lực đối ứng và cũng chính cộng đồng tiếp quản, sử dụng, bảo dưỡng, bảo trì”.

Đọc thêm