Diễn đàn có sự tham dự của gần 1.500 đại biểu là các học giả kinh tế hàng đầu quốc tế và Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng cho biết, năm 2017 là một năm thành công của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,81%. Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất cao nhất Châu Á và toàn cầu. Bên cạnh đó ,cải cách kinh tế được đẩy mạnh, cùng với công cuộc phòng chống tham nhũng đang được tiến hành, đặc biệt môi trường kinh doanh đã và đang thay đổi đáng kể, cạnh tranh lành mạnh và minh bạch hơn.
“Những điều này đã củng cố niềm tin của DN, người dân, tạo luồng không khí mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn đối mặt với khó khăn thách thức trong trung và dài hạn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, trong cuộc họp Chính phủ với địa phương vừa qua, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu đi liền với tốc độ tăng trưởng là chất lượng phải tăng lên, năng suất cao lên, xã hội yên bình hơn, an ninh an toàn hơn, nền kinh tế có khả năng chống chịu lớn hơn.
Cũng theo Thủ tướng, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Trong thời gian tới cần theo đuổi mô hình tăng trưởng mới, bớt dựa vào các lợi thế như tài nguyên, lao động giá rẻ….
“Điều quan trọng là làm thế nào để vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững. Một số nước xung quanh chúng ta đã được điều này như Nhật Bản, Hàn Quốc... Vậy họ làm gì để đạt được hai mục tiêu tưởng chừng như mẫu thuẫn nhau này?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cũng chỉ ra những vấn đề mấu chốt của nền kinh tế để có thể thực hiện được các mục tiêu trên. Đó là năng lượng xanh, tăng năng suất và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực tín dụng, thương mại và đầu tư...
Thủ tướng cho rằng đây là cuộc đua đường trường, không phải là cuộc chạy đua nước rút. “Chúng ta hãy cùng nỗ lực để tận dụng triệt để cơ hội, phát huy tối đa tiềm lực của nền kinh tế, trở thành con hổ mới của Đông Nam Á…”, Thủ tướng khích lệ.
'6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản'
Tại Diễn đàn, câu chuyện “6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản” được GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) dẫn ra như một bài học mà Việt Nam cần hướng tới. Theo đó, Nhật Bản đã phấn đấu gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955-1973) để có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%. “6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của nước Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng. Điều đặc biệt, theo GS. Thọ, trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, vị thế của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam hiện tại.
Nhật Bản là một nước đi sau phương Tây nhưng đã tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, rút ngắn khoảng cách, từng bước công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, rồi sau đó xuất khẩu lại công nghệ ra thế giới. Nhật Bản cũng tái cơ cấu nguồn lực: Tập trung nguồn lực với những ngành nghề tạo ra năng suất cao, giá trị cao thay vì những ngành có giá trị thấp như nông nghiệp đồng thời tăng quy mô sản xuất của nhiều ngành nghề, tạo ra giá trị cao, năng suất cao cho hàng hóa.Về nguồn lực, các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ được tiến hành. Năng suất của từng người dân, ngành nghề từng bước được nâng cao.
“Tôi rất ấn tượng với những chia sẻ của GS. Trần Văn Thọ về bài học “6000 ngày làm thay đổi nước Nhật”, với trọng tâm là tăng nhanh năng suất lao động, gia tăng đầu tư, đặc biệt là khu vực tư nhân cùng với chuyển dịch hiệu quả cơ cấu lao động và đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, đã góp phần tạo nên mức tăng trưởng ngoạn mục trung bình liên tục trong 20 năm từ 1955 đến 1975 của Nhật Bản. Và có những bài học quý báu Việt Nam có thể học hỏi từ đó…”- Trưởng ban Kinh tế TW, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.