Nỗ lực giữ gìn những vũ điệu dân gian độc đáo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bắc Kạn, mảnh đất hội tụ văn hóa đa dạng của 7 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Hoa và Sán Chay. Người Tày, người H’Mông ở Bắc Kạn còn có nền văn hóa cổ truyền phong phú với nhiều thể loại thơ, ca, truyện dân gian, các hình thức ca, múa, nhạc độc đáo... trong đó có múa bát và múa khèn.
 Điệu múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn.
Điệu múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn.

Đến Bắc Kạn múa bát, múa khèn

Xã Đổng Xá, huyện Na Rì là một trong những nơi sinh sống đầu tiên của người Tày cổ trên đất Bắc Kạn. Nơi đây còn tồn tại nền văn hóa cổ truyền của người Tày khá đậm đặc cho đến ngày nay. Múa bát đã tồn tại trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng rồi đến các buổi biểu diễn văn nghệ của địa phương, được cha ông người Tày ở Đổng Xá lưu truyền qua nhiều thế hệ hàng trăm năm.

Đạo cụ thể hiện điệu múa bát là chiếc bát, đôi đũa được bà con dùng trong bữa ăn hằng ngày. Nhịp điệu và các động tác múa bát không khó, không cầu kỳ, để bất cứ ai, từ già đến trẻ có thể tham gia nên có sức lôi cuốn rất lớn đối với cộng đồng. Số lượng người múa thông thường từ 6 đến 8 người và độ dài, ngắn tùy thuộc vào người dựng.

Tuy nhiên, để điệu múa tạo ấn tượng thì cần sự chính xác, khéo léo, phối hợp giữa tay, chân nhịp nhàng. Nhịp điệu múa lúc nhanh, lúc chậm kết hợp cùng các động tác rung, lắc cổ tay, tạo ra màn diễn vừa vui nhộn, vừa đẹp mắt. Tiếng gõ bát lúc trầm, lúc bổng như thay cho lời kể, lời tâm tình của những phụ nữ về những nhọc nhằn của họ trong việc ươm tơ, dệt vải. Thông qua đó còn thể hiện khát vọng của người dân về một cuộc sống đủ đầy, không chỉ ăn ngon mà còn mặc đẹp.

Ngoài múa bát của người Tày, ở Bắc Kạn còn có nghệ thuật múa khèn của đồng bào dân tộc H’Mông hiện vẫn giữ nhiều giá trị văn hóa nguyên sơ, đặc biệt là nghệ thuật múa khèn và chế tác khèn H’Mông. Năm 2015, nghệ thuật múa khèn của người H’Mông tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Múa khèn (Tang quây) của đồng bào dân tộc H’Mông ở tỉnh Bắc Kạn thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với cây khèn độc đáo này, người chơi có thể thổi hơi ra, có thể hít hơi vào. Khèn cũng là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy. Nghệ nhân múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người H’Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình...

Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn H’Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người H’Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn... còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám tang để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất... Người H’Mông thường múa khèn khi có đám tang, đám giỗ hoặc trình diễn trong lễ hội, dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Nỗ lực giữ gìn nghệ thuật độc đáo

Tuy nhiên, những năm qua, việc bảo tồn điệu múa bát còn gặp một số khó khăn như các hạt nhân văn nghệ và những người am hiểu sâu sắc, đầy đủ về múa bát, múa khèn ở địa phương đã cao tuổi, lớp trẻ chưa quan tâm nhiều đến các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Hệ thống phương tiện nghe nhìn ngày nay đa dạng và phong phú hơn đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ dành cho những giá trị văn hóa hiện đại nhiều hơn. Văn hóa dân gian, trong đó có dân vũ dân tộc ngày càng mất đi những giá trị nguyên bản.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.

Hiện, ngành văn hóa của địa phương đã có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Nhiều đội văn nghệ dân gian đã được thành lập trên toàn tỉnh và được tập huấn về các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền, trong đó có điệu múa bát. Ngoài ra, các điệu múa dân gian cũng được tổ chức truyền dạy trong một số trường phổ thông dân tộc nội trú, thí điểm thành lập các đội văn nghệ dân gian trong trường học nhằm trao truyền những di sản văn hóa truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ.

Các cao niên biết múa bát, múa khèn đang nỗ lực truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật độc đáo này. Từ năm 2018 - 2020, Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Kạn đã mở 3 lớp truyền dạy dân ca, bí quyết thực hành di sản nghệ thuật múa khèn của người H’Mông tại xã Lương Thượng (huyện Na Rì), xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm) và xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể). Sở cũng đã mời những người đang nắm giữ di sản nghệ thuật múa khèn của người H’Mông và mời một số người dân tộc H’Mông có khả năng tiếp thu bí quyết thực hành di sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Cùng với đó, xây dựng phim tư liệu để quảng bá, giới thiệu về di sản nghệ thuật múa khèn của người H’Mông tỉnh Bắc Kạn; sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày, giới thiệu, quảng bá về di sản tại Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn.

Đồng bào Tày biết làm du lịch và phát triển du lịch, để thể hiện lòng mến khách của mình, múa bát đã trở thành điệu múa chào đón khách phương xa mỗi khi đến với Bắc Kạn. Trên những homestay nhà sàn hay trong những lễ hội xuân, những tiếng gõ nhịp nhàng của điệu múa bát như thanh âm vui nhộn của cuộc sống ấm no, đủ đầy của đồng bào người Tày hôm nay. Họ đã kế thừa và phát huy điệu múa cổ của cha ông để lại thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè ở trong và ngoài nước, góp phần quan trọng làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung.

Với mục đích xúc tiến, quảng bá du lịch Bắc Kạn “Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, Tuần lễ du lịch – Di sản văn hóa Ba Bể 2022 sẽ diễn ra từ ngày 3 - 6/6/2022 tại khu du lịch hồ Ba Bể. Điểm nhấn của sự kiện chính là Lễ khai mạc tuần du lịch di sản văn hóa và Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Múa bát” của người Tày và “Lễ cấp sắc” của người Dao Tiền diễn ra từ 19h30 ngày 3/6/2022 tại sân khấu Khu nghỉ dưỡng Ba Bể Buốc Lốm, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể.

Đọc thêm