Nỗ lực phục hồi tại nhiều quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều nghiên cứu và khảo sát gần đây cho thấy, hàng triệu người Anh gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần và sẽ phải tiếp nhận điều trị trong một thập kỷ tới. Đáng nói, ngay cả với những nước phát triển như Anh và Mỹ, việc phục hồi sức khoẻ tâm thần hậu COVID-19 cho cộng đồng vẫn là một thách thức lớn.
Tỷ lệ người Anh bị trầm cảm tăng gấp đôi bởi dịch COVID-19.
Tỷ lệ người Anh bị trầm cảm tăng gấp đôi bởi dịch COVID-19.

Hàng triệu người Anh cần hỗ trợ tinh thần

“Vào khoảng tháng 10/2020, tôi nhận ra mình thật sự cần đến các dịch vụ hỗ trợ sức khoẻ tâm thần. Tôi vốn là người hay lo nghĩ, kể từ khi đại dịch, nó đã phát triển thành một hội chứng lo âu ở mức độ nặng hơn. Đến mức tôi trở nên khó ngủ, ngay cả khi ngủ tôi thường xuyên gặp ác mộng. Bụng tôi luôn cảm thấy cồn cào và tay tôi run rẩy đến mức tôi phải từ bỏ các đồ uống có caffein. Tôi bị ho do bệnh trào ngược dạ dày mãn tính nhưng tôi luôn thường xuyên ám ảnh rằng đó chính là biểu hiện của bệnh COVID-19. Với nỗi ám ảnh đó, tôi chỉ thường xuyên trấn an bản thân mình bằng cách kiểm tra PCR liên tục”, theo chia sẻ của Rebecca Seal – một biên tập viên của tờ Guardian (Anh) về tình hình sức khoẻ tâm thần của cô đã trở nên tồi tệ hơn sau dịch bệnh.

Trong đại dịch, dường như mối đe doạ tồn tại ở khắp nơi. Những người trẻ mang mầm bệnh có thể trở thành mối đe doạ đối với bố mẹ, ông bà. Việc ở nhà lâu ngày cũng làm tăng thêm các bất mãn trong gia đình. Áp lực khi phải làm việc với máy tính quá nhiều, không có tương tác xã hội và mức lương giảm sút. Trường học, nhà thờ, trung tâm cộng đồng vắng vẻ không ai tới. Sự thiếu kết nối xã hội và cộng đồng khiến nhiều người trở nên dễ mất kiểm soát cảm xúc, suy sụp tinh thần.

Theo một khảo sát mới đây của Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Vương quốc Anh, có khoảng 8 triệu người lớn và 1,5 triệu trẻ em tại đất nước này cần đến các dịch vụ hỗ trợ sức khoẻ tâm thần trong 10 năm tới do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch. Dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia cũng chỉ ra tỷ lệ trầm cảm ở nước này đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Đáng nói, tác động của đại dịch đối với cá nhân không đồng đều. Không phải ai trải qua các thảm họa, cuộc khủng hoảng cũng sẽ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, ước tính khoảng 5% đến 10% những người trải qua thảm hoạ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng sang chấn tâm lý, theo tiến sĩ tâm sinh lý học Sarita Robinson từ Đại học Central Lancashire (Anh).

Trong một nghiên cứu khác, tỷ lệ rối loạn sức khoẻ tâm thần nghiêm trọng rơi vào khoảng 2% đến 4%, đơn cử chứng tâm thần phân liệt, theo bà Ashley Nemiro, cố vấn cấp cao của MHPSS Collaborative – một tổ chức toàn cầu chuyên về cứu trợ con người vượt qua các cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý Leila Reyburn thuộc tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Mind cũng cho biết: “Nhóm người dễ tổn thương thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, cụ thể đó là nhóm người da màu, người sống trong cảnh thiếu thốn, thanh thiếu niên và trẻ em”.

Đại dịch COVID-19 không phải cuộc khủng hoảng toàn cầu đầu tiên trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã có kinh nghiệm ứng phó với các cuộc thảm hoạ như dịch Ebola, thiên tai, động đất,… Tuy nhiên, không thể coi thường sức ảnh hưởng của đại dịch này. “Điểm khác biệt của COVID-19, đó chính là sự cô lập xã hội kéo dài bởi các lệnh giãn cách xã hội, trong bối cảnh kinh tế - xã hội căng thẳng. Điều này dần dần ăn mòn tâm lý của con người”, theo Tiến sĩ Brandon Kohrt, giáo sư tâm thần học tại Đại học George Washington (Mỹ) và cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các nước Liberia, Uganda và Nepal. Cũng theo ông, kể từ tháng 2 năm 2020, một số quốc gia châu Phi như Nam Phi, Ấn Độ và Uganda đã ngay lập tức triển khai các kế hoạch quốc gia về cải thiện sức khoẻ tâm thần cộng đồng.

Dù vậy, theo các chuyên gia, nhìn ở góc độ rộng hơn, lĩnh vực sức khoẻ tinh thần toàn cầu vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo đã chỉ ra điều này là nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có động thái đáng kể. “Nguồn đầu tư vào các chiến dịch sức khoẻ tâm thần còn quá thấp. Hầu hết mọi quốc gia đều mới chỉ phát hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần ở mức trung”, theo bà Ashley Nemiro.

Sự cô lập trong mùa dịch khiến nhiều người dễ bị suy sụp tinh thần.

Sự cô lập trong mùa dịch khiến nhiều người dễ bị suy sụp tinh thần.

Chính gia đình cũng gây nên áp lực tâm lý lớn cho cả người lớn và trẻ em.

Chính gia đình cũng gây nên áp lực tâm lý lớn cho cả người lớn và trẻ em.

Hướng tới sự phục hồi

Kể cả tại những quốc gia phát triển như Vương quốc Anh, việc cải thiện sức khoẻ tâm thần của xã hội cũng là một bài toán khó. “Dù Anh đã có sẵn một hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần sau các cuộc khủng hoảng nhưng ước tính chỉ có khoảng một phần ba số người gặp các vấn đề sức khoẻ tâm thần tiếp nhận hỗ trợ. Đáng nói, những dịch vụ chăm sóc này thường diễn ra trong thời gian dài để theo dõi, chỉ khi chuyển biến nghiêm trọng, người bệnh mới được đưa vào điều trị chuyên biệt”, theo Andy Bell – một chuyên gia đến từ Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Anh.

Các nhà nghiên cứu tâm lý trên thế giới đều cho rằng can thiệp sớm là hiệu quả nhất, đặc biệt đối với những vấn đề sức khoẻ tâm thần phổ biến như trầm cảm và lo âu. Ở mức độ nhẹ, những triệu chứng này không cần sự can thiệp chuyên sâu của các bác sĩ, chuyên gia mà có thể đến từ những nhà tham vấn không chuyên được đào tạo kỹ năng qua các khoá học ngắn hạn.

Điều này đã được minh chứng bởi Chương trình hỗ trợ sau khẩn cấp cộng đồng có tên “Problem Management Plus” do Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Pakistan và Kenya vào năm 2015. Sau này, nhà nghiên cứu Brandon Kohrt cũng đã áp dụng mô hình này thành công ở Nepal. Cụ thể về chương trình này, bất kỳ ai có trình độ trung học phổ thông trở lên đều có thể tham gia các khoá học trong vài tuần để học kỹ năng hỗ trợ tâm lý cho những người cần đến dịch vụ này, thường tập trung vào tháo gỡ các khúc mắc tâm lý, thậm chí còn mở rộng ra các vấn đề khác như gia đình, nhà ở, việc làm,…

Người học tham gia năm phiên gặp mặt kéo dài 90 phút hàng tuần, thường là các phiên 1-1 hoặc một nhóm nhỏ, để học các kỹ năng quản lý sự căng thẳng, kiểm soát hơi thở, giải quyết tình huống, vượt qua sự chậm trễ và cách sử dụng các mạng lưới hỗ trợ có sẵn trong xã hội. Buổi học cuối cùng sẽ nói về cách tái phát các hội chứng tâm thần. Nhờ vậy, họ có thể truyền đạt lại những kỹ năng mình đã học được cho những người cần giúp đỡ về sức khoẻ tâm thần trong cộng đồng của họ.

Được biết, các dự án như trên cũng đã tồn tại ở nước Anh nhưng không nhiều. Theo tờ Guardian, mới đây, một liên minh các tổ chức từ thiện, bao gồm Liên minh Sức khỏe Tâm thần Trẻ em và Người Trẻ tuổi, tổ chức Mind, tổ chức YoungMinds và Hiệp hội Trẻ em, hiện đang cố gắng đề xuất tới chính phủ tài trợ cho các đơn vị cơ sở về chăm sóc sức khoẻ tâm thần, đồng thời tạo ra một mạng lưới kết nối các trung tâm hỗ trợ như vậy cho trẻ em và thanh niên. Theo một khảo sát của Nest – một trung tâm hỗ trợ sức khoẻ cộng đồng tại quận Southwark của thủ đô Luân Đôn, 78% người tham gia cho biết sức khỏe của họ đã được cải thiện nhờ dịch vụ này.

Bruce Daisley, cựu Phó Chủ tịch của Twitter đã viết một cuốn sách về sự kiên cường “Fortitude”, trong đó ông nói: “Khả năng phục hồi là sức mạnh của cả một xã hội và sự kết nối giúp chúng ta phục hồi nhanh hơn”.

Đôi khi sự phục hồi sức khoẻ tâm thần sau COVID-19 có thể không khó như chúng ta nghĩ. Một bài viết của tác giả Daisy Dowling trên tạp chí Harvard Business Review đã chỉ ra những ích lợi của việc liệt kê những “thành tích” của mình trong suốt thời gian đại dịch có thể giúp bộ não của họ “chiến thắng” những ám ảnh tiêu cực về COVID-19 như thế nào. Những “thành tích” đó có thể chỉ là việc không lấy hết bút chì của con bạn trong cơn thịnh nộ và bất lực khi thấy con không chịu học ở nhà, hoặc thống kê hàng trăm bữa tối bạn đã nấu tại gia trong suốt 2 năm dịch bệnh. Đây là một phương pháp đơn giản mà hiệu quả để nâng cao tinh thần của mọi người khi nhìn nhận lại những điều tích cực trong nhưng năm qua.

Bên cạnh đó, Amanda Ripley, tác giả cuốn sách “The Unthinkable: Who Survives When Disaster Strikes – and Why” (tạm dịch: Những người tồn tại sau các cuộc thảm hoạ), cho lời khuyên: “Bạn nên dành 15 phút để viết câu chuyện của riêng bạn về đại dịch với ngôi kể là người thứ ba, người quan sát. Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp này với cả trẻ em. Câu chuyện tạo cho bạn một không gian riêng để kết nối với quá khứ và phục hồi từ việc đối mặt, chấp nhận và bước tiếp”.

Đọc thêm