Nô nức ngày hội non sông, bức tranh mới của thời đại mới

(PLVN) - Những ngày qua là những ngày rộn ràng, từ đời sống cho đến mạng xã hội. Những ngày chào đón cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân. 
Cử tri được kiểm tra thân thiệt và rửa tay trước khi tiếp xúc với người ứng cử tại Bình Dương.
Cử tri được kiểm tra thân thiệt và rửa tay trước khi tiếp xúc với người ứng cử tại Bình Dương.

Sẵn sàng cho ngày hội toàn dân

Sự rộn ràng ấy diễn ra từ miền quê đến thành thị, từ Nam chí Bắc. Nó đến từ sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ của các cấp chính quyền cho đến sự náo nức và hỗ trợ hết lòng của toàn dân. 

TP HCM là địa phương có số cử tri, số tổ bầu cử lớn nhất cả nước (thống kê, cập nhật đến ngày 12/5/2021, toàn thành phố có 5.464.858 cử tri đi bầu cử tại 3.092 Tổ bầu cử). Việc bầu cử của TP HCM lần này cũng có khác những lần trước do có sự thay đổi về đơn vị hành chính từ việc quận Thủ Đức trở thành thành phố. 

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 (Ủy ban Bầu cử TP HCM), thời gian qua thành phố đã có những kế hoạch hết sức chu đáo và sát sao cho ngày hội non sông. Về công tác hậu cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho cuộc bầu cử trên địa bàn thành phố cơ bản đã hoàn tất theo đúng nội dung và tiến độ. Các điểm bầu cử chính thức và dự phòng đều được rà soát chuẩn bị đầy đủ cả về nhân sự lẫn hạ tầng vật chất như thùng phiếu, con dấu hay các trang, thiết bị đảm bảo an ninh, y tế… để sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Thành phố đã làm việc với các cơ quan, đơn vị chức năng để đảm bảo điện sẽ được cung cấp an toàn, liên tục cho những địa điểm diễn ra các sự kiện phục vụ bầu cử; mạng viễn thông thông suốt phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc… Thành phố cũng bố trí phòng điều hành của Ủy ban bầu cử thành phố đảm bảo các yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Để đảm bảo quyền của cử tri trong đăng ký danh sách cử tri, Ủy ban Bầu cử thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện tốt việc rà soát, lập, niêm yết danh sách cử tri; giải quyết nhanh, dứt điểm các khiếu nại của người dân về danh sách cử tri để đảm bảo không có ai là cử tri trên địa bàn không được đi bầu cử cũng như không để trường hợp một cử tri có danh sách bầu cử ở nhiều nơi.

Ngoài ra, toàn thành phố đã treo hơn 10.000 băng rôn, khẩu hiệu, cờ, phướn…; hơn 5.000 tranh cổ động, cụm pano, áp phích; 29 lượt diễu hành xe hoa; gần 26.000 lượt xe loa, phát thanh tuyên truyền; gần 500 màn hình Led, 100% các bảng, cụm pano, vị trí, tuyến đường dành cho cổ động chính trị… 

Các ban, ngành liên quan cũng được giao trọng trách để ngày hội diễn ra thành công tốt đẹp. Là đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm công tác cung cấp điện an toàn, ổn định trước, trong và sau ngày hội bầu cử, Tổng Công ty Ðiện lực TP HCM đã có kế hoạch kiểm tra hiện trạng và chuẩn bị đầy đủ vật tư, máy phát dự phòng, phương tiện và lực lượng để đáp ứng xử lý nhanh khi có sự cố xảy ra và tái lập điện trong thời gian sớm nhất. Hiện, ngành điện thành phố đã chuẩn bị gần 400 máy phát dự phòng để phục vụ công tác bầu cử.

Đảm bảo bầu cử an toàn mùa Covid

Đặc biệt, lần bầu cử này lại rơi vào thời điểm dịch bệnh hoành hành, chính vì thế, công tác bầu cử cần được sát sao, chu đáo và đảm bảo các quy định về an toàn, phòng chống dịch. 

Về điều này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình tổ chức bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Diễn tập bầu cử mùa Covid.
Diễn tập bầu cử mùa Covid.

Quán triệt tinh thần văn bản, TP HCM đã hoàn chỉnh và triển khai chuẩn bị 4 phương án để tiến hành bỏ phiếu tùy theo các trường hợp, tình huống và các cấp độ của dịch Covid-19 như phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; cho cử tri đang cách ly tại nhà; tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc Covid-19.

Về phần mình, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xây dựng kế hoạch chu đáo gồm 4 phương án phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân. Đó là, phương án phòng chống dịch trong điều kiện bình thường, địa phương không có dịch Covid-19 và 3 phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện đặc biệt: Tại các khu cách ly tập trung, tổ chức bầu cử trong bối cảnh địa phương có dịch Covid-19 và tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc Covid-19.

Tại Bình Dương, TP công nghiệp với lượng dân cư đông đảo, tiếp giáp TP HCM, công tác chuẩn bị bầu cử cũng diễn ra nô nức và suôn sẻ trong việc đảm bảo quy định phòng chống dịch bệnh. Tiểu sử tóm tắt người ứng cử được dán trang trọng, dễ nhìn tại các nơi công cộng, thu hút sự quan tâm của người dân. Đồng thời, lực lượng Công an tình nguyện đến từng nhà dân, ngõ hẻm phát tờ rơi tiểu sử tóm tắt người ứng cử và tuyên truyền Luật Bầu cử cho người dân. 

Các buổi tập huấn trực tiếp cho người ứng cử vận động bầu cử đều diễn ra đúng luật, đúng quy định trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, cử tri đều được kiểm tra thân nhiệt và sát khuẩn cẩn thận trước khi tiếp xúc với người ứng cử với khẩu trang y tế đạt chuẩn.

Công nghệ hóa để việc bình bầu sâu sát, khách quan hơn

Trong lần bầu cử này, TP HCM triển khai rất sớm trong việc hoàn thiện phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử - Nội dung quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử và cũng là nhiệm vụ tất yếu trong quá trình xây dựng thành phố thành đô thị thông minh. 

Phần mềm bao gồm một số chức năng chính như: Lập danh sách cử tri và in thẻ cử tri, Báo cáo biến động của cử tri, Báo cáo tiến độ cử tri đi bầu các cấp, Tổng hợp kết quả bầu cử, Lập các báo cáo của Ban Bầu cử, Ủy ban Bầu cử theo các biểu mẫu do Hội đồng Bầu cử Quốc gia quy định… Các chức năng của phần mềm hỗ trợ bầu cử sẽ giúp các đơn vị đơn giản hóa thao tác cập nhật thông tin bầu cử, báo cáo tiến độ, tra cứu thông tin, theo dõi, chỉ đạo, điều hành đơn giản, nhanh chóng, chính xác hơn. 

Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Phần mềm hỗ trợ bầu cử được triển khai từ Ủy ban Bầu cử thành phố đến thành phố Thủ Đức, 21 quận, huyện và 312 phường, xã, thị trấn. Sở Nội vụ tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho khoảng hơn 1.500 cán bộ được giao nhiệm vụ sử dụng phần mềm hỗ trợ bầu cử tại Sở Nội vụ, UBND thành phố Thủ Đức, UBND 21 quận, huyện, UBND 312 phường, xã, thị trấn. Các đơn vị được phân công đã tiến hành nhập thông tin cử tri, đơn vị bầu cử, số đại biểu được bầu, thông tin về ứng cử viên… vào hệ thống phần mềm.

Hiện, nhiều địa phương trên địa bàn TP HCM đã có chuyên trang riêng về bầu cử với việc ứng dụng công nghệ rất nhuần nhuyễn. Như chuyên trang về bầu cử của UBND quận 12, người dân có thể truy cập trực tiếp hoặc quét mã QR để truy cập. Tại chuyên trang, cử tri có thể tra cứu đường đi đến điểm bỏ phiếu, liên hệ phản ánh đến tổ trưởng tổ bầu cử, nghe đọc thông tin bầu cử bằng phần mềm robot, tham gia hội thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử, tra cứu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, gửi góp ý, phản ánh về bầu cử đến UBND quận…

Có thể thấy, bầu cử lần này diễn ra trong một bối cảnh rất khác. Đó là sự hạn chế do mối nguy đến từ dịch bệnh, đó là sự phát triển về công nghệ đã thay đổi thế giới. 

Chuẩn bị kĩ lưỡng và tuân thủ quy định để phòng tránh những điều bất khả kháng, ứng dụng công nghệ để đem lại những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, hiệu quả hơn cho bầu cử. Và sự háo hức, đồng lòng từ chính quyền các cấp cho đến toàn dân nữa. Tất cả những điều ấy tạo nên một bức tranh thật đẹp của ngày hội non sông.

Đọc thêm