Theo dõi các phiên tòa, bao giờ tôi cũng quan tâm đến những người mẹ của cả bị cáo lẫn bị hại - bởi đằng sau mỗi vụ án, bao giờ mẹ cũng là người gánh chịu nhiều nhất những đớn đau, mất mát, thiệt thòi...
1. Còn nhớ ngay sau khi Công an Hà Nội khám phá ra Nguyễn Hữu Thắng (24 tuổi, ở thôn Đồng Lý, xã Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là thủ phạm của vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra trên cánh đồng thôn Nhuế (Đông Anh, Hà Nội) hồi tháng 10/2009, chúng tôi đã tìm về thôn Đồng Lý tìm hiểu gia cảnh của kẻ thủ ác. Bà Nguyễn Thị Thơm (50 tuổi, mẹ bị cáo Thắng) tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ngói với chiếc sân gạch rộng, ẩn mình trong vườn cây um tùm có tiếng chim hót véo von. Không gian thanh sạch và yên lành với người mẹ tảo tần nhân hậu khiến tôi không khỏi ám ảnh một câu hỏi: tại sao một thanh niên trưởng thành trong môi trường như thế lại có thể gây tội ác?
|
Nguyễn Hữu Thắng |
Thắng là con trai duy nhất trong gia đình có hai chị em. Bà Thơm kể, ngày Thắng còn nhỏ xíu, cha cậu bé đã phụ bạc vợ con đi theo người đàn bà khác. Từ đó, bà Thơm ở vậy, một mình tảo tần nuôi dạy hai con khôn lớn. Tôi không hình dung nổi một người đàn bà gày guộc, mảnh mai yếu đuối như bà Thơm lại có thể bền bỉ, dẻo dai ngày này qua tháng khác làm ruộng làm vườn, rồi gánh đất, gánh gạch thuê kiếm tiền nuôi con, trang trải gia đình. Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, Thắng lớn lên thông minh, chịu khó. Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng, Thắng được nhận làm giảng viên tại một trường dạy nghề ở TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Lúc này, bà Thơm càng vui mừng và hành diễn về đứa con trai - một báu vật mà ông trời đã ban tặng cho cuộc đời nhiều đắng cay, thua thiệt của mình. Từ ngày làm giảng viên, lương tháng được triệu rưỡi, Thắng chi tiêu hết một triệu, còn lại gửi về nhà để mẹ không phải đi gánh gạch thuê nữa. Thắng còn ấp ủ ý định sẽ góp nhặt tiền để học tiếp Đại học, phát triển công danh sau này.
Nhưng có một điều mà người mẹ rất thương con này không hề hay biết, đó là từ khi người cha bỏ đi lâu ngày bỗng dẫn cả vợ con mới ra thăm gia đình, Thắng trở nên buồn bã và mặc cảm, tìm đến cờ bạc, rượu chè giải sầu và sa vào nợ nần. Qua internet, Thắng đã làm quen với Huyền (24 tuổi, quê Hải Dương, đang làm kế toán cho một cơ sở chữa xe máy). Cái “mác” giảng viên cộng với tài ăn nói của Thắng đã khiến Huyền tin tưởng. Tâm sự với Thắng rằng mình có ý định “nhảy việc” vì mức lương hiện nay quá thấp, cô gái này nhờ Thắng xin việc giúp. Huyền đã gửi vào tài khoản của Thắng 1,5 triệu đồng để lo liệu nhưng anh ta đã tiêu hết. Không những vậy, đang lúc thiếu tiền vì nợ nần lô đề, cờ bạc, Thắng đã nghĩ tới việc giết chị Huyền để cướp tài sản. Chiều ngày 18/10/2009, Thắng điện thoại thông báo cho Huyền tối nay sẽ đưa cô đi gặp đối tác để nói chuyện xin việc. Tối hôm ấy, Thắng chở Huyền bằng xe máy của cô gái đến khu vực cánh đồng thôn Nhuế rồi sát hại khổ chủ, cướp tài sản...
... Hôm TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm vụ án vào một ngày cuối năm 2009, tôi gặp lại bà Thơm. Bà mẹ bất hạnh già sọp đi nhanh đến mức tôi không thể nhận ra. Bà Thơm cho biết, bà đã bán gia sản để bồi thường 100 triệu đồng cho gia đình nạn nhân, những mong con mình được giảm án. Trong nỗi đau tột cùng, bố nạn nhân Huyền vẫn nhân hậu nói rằng: "Đằng nào thì con gái chúng tôi cũng mất rồi, tôi cũng không muốn gia đình Thắng lại mất con. Xin Tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, để cho Thắng có cơ hội làm lại cuộc đời”. Tuy nhiên, HĐXX nhận định, hành vi giết người của Thắng là dã man, có sự chuẩn bị trước nên phải có hình phạt thích đáng, cần phải loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Không ai cầm được nước mắt khi thấy bà Thơm khóc ngất trên sân tòa khi chiếc xe phạm chầm chậm lăn bánh, chở đi con trai bà cùng với án phạt tử hình...
2. Tuy không mang nặng đẻ đau, nhưng bà Gái - mẹ nuôi bị cáo Phạm Văn Tỉnh (24 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định) cũng phải gánh chịu nỗi đau đớn tột cùng khi Tỉnh bị kết án tử hình về hành vi cướp của, giết người. Vợ chồng bà Gái rước Tỉnh về nuôi từ khi nó là đứa trẻ 3 tháng tuổi bị bỏ rơi ven đường. Ông bà đã yêu thương và coi Tỉnh như đứa con mình dứt ruột sinh ra. Lớn lên Tỉnh được cha mẹ nuôi cưới hỏi cho một thôn nữ xinh xắn và khỏe mạnh. Một năm sau, họ có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh. Do cuộc sống ở quê khó khăn, Tỉnh theo bạn bè ra Hà Nội làm thợ xây, những mong tích cóp chút tiền gửi về cho người vợ trẻ cùng đứa con thơ. Ông bà Gái đã vui mừng lắm lắm khi nhận thấy Tỉnh ngày càng trưởng thành, có trách nhiệm với vợ con, ra dáng người đàn ông làm chủ gia đình thực thụ. Để rồi, một ngày bà khóc cạn nước mắt khi nhận được hung tin...
|
Phạm Văn Tỉnh |
... Tối 16/7/2009, sau nhiều ngày không có việc làm tại Hà Nội, hết tiền tiêu, Tỉnh lang thang qua con đường vắng lối vào phủ Tây Hồ - nơi có những ngôi biệt thự vắng vẻ để trộm cắp tài sản. Trong hành trình phạm tội của mình, Tỉnh đã dùng một khúc cây đập chết anh Phan Quang Huy (54 tuổi, quê ở Nghệ An) là bảo vệ một khu nhà để cướp đi hai chiếc điện thoại và xe đạp. Sau đó, hắn bán chiếc xe đạp và một điện thoại lấy tiền ăn tiêu, một điện thoại vẫn để dùng và bắt xe đò về quê Nam Định. Hôm sau, Tỉnh bị bắt vì đã ngây thơ lưu lại quá nhiều dấu vết sau khi gây án.
Bà Gái đã khóc ròng từ khi nhận tin Tỉnh gây án mạng, nay lại khóc ngất khi nghe Tòa tuyên phạt đứa con nuôi mức án tử hình. Bên cạnh nỗi đau đớn tột cùng đó còn có nước mắt của một người mẹ trẻ khác khóc thương cho ngôi nhà nhỏ bé của Tỉnh - nơi có cô con dâu trẻ bạc phận và đứa con vừa mới ra đời đã lâm vào cảnh mẹ góa con côi. Ngôi nhà nhỏ bé ấy do chính tay vợ chồng bà Gái gây dựng, vun đắp cho vợ chồng Tỉnh, với hy vọng con trai nuôi sẽ có hạnh phúc bình dị như mọi người, khỏa lấp cho Tỉnh tất cả những mất mát thiệt thòi vì mồ côi từ thủa lọt lòng... Khi mái ấm nhỏ bé đó sắp êm đềm hơn để chào đón thêm một cậu con trai thứ hai, khi niềm hạnh phúc trực chờ nhân lên gấp bội thì trong bỗng chốc Tỉnh đã đánh mất tất cả...
Pháp luật vốn nghiêm minh và công bằng nên tội ác phải chịu sự trừng phạt thích đáng. Dù hiểu điều ấy, nhưng hình ảnh bà Thơm bị chồng phụ bạc, phải một mình tảo tần gánh gạch nuôi con ăn học, cả đời vất vả hy sinh; hình ảnh bà Gái nuôi trẻ bỏ rơi từ lúc còn ẵm ngửa, suốt cuộc đời yêu thương, thu vén cho con nuôi chẳng khác gì con đẻ, để rồi một ngày phải gánh chịu nỗi đau do đứa con gây ra... vẫn khiến tôi thấy thương cảm và day dứt khôn nguôi...
Lưu Ly