Bài toán “giảm ùn tắc giao thông” chưa thể giải
Cuối tháng 9, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND (ngày 4/7/2017) của HĐND TP về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.
Theo đó, UBND TP xác định những nhiệm vụ trọng tâm thành các kế hoạch, chương trình, đề án để xây dựng và triển khai thực hiện cụ thể như: Xây dựng đề án mở rộng, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch số lượng và phạm vi hoạt động xe taxi và các loại hình kinh doanh vận tải tương tự như taxi. Đề án điều chỉnh giờ học tập, giờ làm việc và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP. Đề án giao thông thông minh. Đề án phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ. Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP. Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Cùng với đó, lập kế hoạch điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn TP (theo năm sản xuất) thông qua đăng ký, để đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Phương án hỗ trợ chuyển việc làm đảm bảo đời sống đối với thương binh có xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người đang hoạt động khi tiến hành dừng hoạt động. Phương án hỗ trợ, khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Các sở, ban ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ Nghị quyết của HĐND TP về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” xây dựng kế hoạch, đề xuất UBND TP phê duyệt. Chủ động rà soát và triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp thuộc thẩm quyền của cơ quan đơn vị mình theo đúng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình đã được xác định.
Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” cho thấy quyết tâm của Hà Nội để đối phó với tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, Đề án sẽ rất khó đạt kết quả, mục tiêu mong muốn nếu tốc độ gia tăng dân số cơ học của Hà Nội không được kiểm soát.
Đơn cử, vấn đề điều chỉnh giờ học tập, giờ làm việc và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP đã được thực hiện nhưng thực tế không có tác dụng gì để hạn chế ùn tắc giao thông. Cứ vào giờ cao điểm (đầu giờ sáng, cuối giờ chiều), người dân vẫn phải chịu cảnh đông đúc, ùn tắc tại các điểm nóng về giao thông, không chỉ trong nội đô mà cả các đường vành đai.
Ai cũng nhận thấy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, nhất là khu vực nội đô là do mật độ dân số quá cao so với khả năng đáp ứng của hạ tầng cơ sở. Đó là chưa tính đến nhu cầu giao thông quá cảnh vì Hà Nội là trung tâm của mọi hoạt động trong cuộc sống. Những tòa chung cư hàng chục tầng không ngừng mọc lên đã tạo ra sức ép dân số lên hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô. Nên dù đã làm và mở rộng nhiều con đường mới với 3-4 làn xe, cầu vượt đường bộ, hệ thống xe buýt (bao gồm cả hệ thống xe buýt nhanh) nhưng số lượng phương tiện và nhu cầu giao thông của người dân không ngừng tăng khiến tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội đang thực sự là “nỗi bức bối” của người dân và sự bất lực của các cơ quan quản lý.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội “thận trọng”
Vì thế, khi Hà Nội xin ý kiến các bộ, ngành về đồ án quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận (do tư vấn Nhật Bản lập), dư luận đã “sôi sục” lo ngại trước hình ảnh những tòa nhà chọc trời dự kiến sẽ được xây dựng ở khu vực này sẽ làm gia tăng dân số của nội đô, kéo theo đó là sự “bóp nghẹt” giao thông.
Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận được chia làm 3 giai đoạn (đến năm 2035) với tổng số vốn đầu tư của dự án khoảng 23.800 tỷ đồng. Quy hoạch chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150 m (tương đương 40 tầng). Trong đó, khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều cao kiến trúc...
Trong 9 phân khu thì các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng. Khu vực ga Hà Nội sẽ trở thành tổ hợp giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường ngầm được bố trí thông minh, hợp lý tỏa đi tất cả các hướng. Tổng diện tích đất trong phạm vi lập quy hoạch gần 100 ha; dân số dự kiến 44.000 người (trong đó tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện nay, với khoảng 40.300 người).
Ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho biết, các công trình trong quy hoạch phân khu đô thị này có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của khu vực trung tâm TP. Tạo một điển hình tiên tiến của mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD), lấy nhà ga đường sắt làm trung tâm, đồng bộ với quy hoạch toàn phân khu. Việc lập quy hoạch phân khu này cần nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm cũng như các dự án TOD tương tự để có giải pháp thích hợp, giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Đặc biệt, đồ án sẽ nghiên cứu phát triển đô thị theo nhiều tầng để tạo ra không gian hiệu quả như phát triển không gian ngầm, kết nối các trung tâm mua sắm với nhà ga, phát triển các khu dân cư xung quanh điểm kết nối thông qua việc tăng cường hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là sự kết nối các khu dân cư với các nhà ga metro. Cùng với việc nghiên cứu quy hoạch, TP sẽ có các quy định và sự hỗ trợ về chính sách để khuyến khích sự phát triển đô thị, góp phần tạo nên thành công trong việc thực hiện mô hình TOD.
Song việc đồ án quy hoạch những tòa nhà chọc trời (đến 70 tầng) ở khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận đã khiến dư luận và chuyên gia “nhìn thấy trước” tương lai gia tăng dân số, đi ngược mục tiêu giảm dân cư nội đô Hà Nội. Theo đồ án, dân số ở khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận sau quy hoạch dự kiến là 44.000 người (trong đó tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện nay, với khoảng 40.300 người). Nghĩa là, Hà Nội sẽ tăng dân số khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) từ 800.000 người lên 824.000 người, đi ngược mục tiêu giảm dân cư nội đô Hà Nội.
Vì vậy, cuối tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội “cần thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững”.