Nói "không", nói "có" với bằng tại chức...

 Sự kiện Đà Nẵng “nói không” với bằng tại chức khiến một cuộc tranh luận dai dẳng nổ ra. Kẻ bảo đúng, người bảo sai, có ý kiến còn khẳng định đây là sự phạm luật rõ ràng, nhẹ hơn thì cho rằng đây là sự phân biệt đối xử. Luồng dư luận ngược lại thì cho rằng đây là cách hành xử thẳng thắn, đúng là đã đến lúc phải tuyên chiến với cái loại bằng thật mà học giả này.

Sự kiện Đà Nẵng “nói không” với bằng tại chức khiến một cuộc tranh luận dai dẳng nổ ra. Kẻ bảo đúng, người bảo sai, có ý kiến còn khẳng định đây là sự phạm luật rõ ràng, nhẹ hơn thì cho rằng đây là sự phân biệt đối xử. Luồng dư luận ngược lại thì cho rằng đây là cách hành xử thẳng thắn, đúng là đã đến lúc phải tuyên chiến với cái loại bằng thật mà học giả này.

Bình tâm mà xét, đây không phải là lần đầu tiên người ta “phân biệt đối xử” với bằng cấp. Đã từ lâu lắm, những cái “bằng xanh” tốt nghiệp ở nước ngoài về đã bị một số cơ quan từ chối. Rồi gần đây, nhiều cơ quan nhà nước “treo biển” tuyển dụng, ghi rõ trước thanh thiên bạch nhật là chỉ tuyển người có bằng đại học chính quy, tức là các loại dân lập, tư thục, tại chức, vừa học vừa làm..., vứt đi hết.

Tiếp tục, ở một trình độ cao hơn, sang trọng hơn và tinh chọn hơn, có cơ quan đặt ra tiêu chuẩn ngoài chính quy phải là bằng đạt loại khá trở lên, vậy là các em trung bình đừng bao giờ mơ trở thành cán bộ nhà nước, chuyên viên này nọ. Điều lạ là trước những sự tuyển đầu vào như thế này, dư luận chẳng ho he gì cả, nhưng đến khi Đà Nẵng có một văn bản chính thức thì ầm ĩ cả lên.

Có lẽ dư luận bỏ qua một thực trạng là phần không nhỏ các bằng tại chức đó có chủ nhân là người đã ở trong biên chế nhà nước rồi, thậm chí có nhiều người có quyền chức nữa (chính do vậy mới gọi là “tại chức”?). Họ đi kiếm mảnh bằng chỉ là để củng cố địa vị, đặt cơ sở vững chắc cho cơ hội thăng tiến và thực hiện đúng chính sách pháp luật nhà nước là tiêu chuẩn hóa cán bộ. Học tại chức vừa được lương, vừa không phải đi làm, vừa được hưởng các ưu đãi này khác và được cho là người... có chí tiến thủ! Nhiều người có ghế đợi sẵn, tốt nghiệp tại chức về là ngồi vào thôi. Vì thế, rất nhiều người tìm cách lọt vào biên chế trước rồi đi học tại chức sau.

Nếu như không tuyển người có bằng tại chức vào cơ quan nhà nước thì trước hết phải thanh lọc những người có bằng tại chức tại các cơ quan nhà nước. Thế mới phải đạo và là một cách ứng xử công bằng và có văn hóa chứ. Bởi, rất có thể người quyết định không tuyển người có bằng tại chức vào cơ quan mình thì chính bản thân người đó lại tốt nghiệp (hoặc đang học tại chức).

Nhị Ngọc

Đọc thêm