Bộ GD-ĐT có đảm bảo sự bảo mật tuyệt đối?
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cho rằng, năm 2015, Bộ GD-ĐT giữ toàn bộ dữ liệu điểm thi nên việc tra cứu bị tắc nghẽn, vì thế Bộ GD-ĐT không nên “ôm đồm” tất cả, ngay cả trong việc xét tuyển. Theo PGS Văn Như Cương, việc xét tuyển cần giao tự chủ cho các trường. Hơn nữa, việc sử dụng phần mềm xét tuyển chung còn phụ thuộc khâu bảo mật. Liệu Bộ GD-ĐT có đảm bảo sự bảo mật tuyệt đối?
Còn TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, GD-ĐT luôn là vấn đề nhạy cảm, nhất là các kỳ thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, những thay đổi, điều chỉnh đều phải được đưa ra từ đầu năm học để thí sinh và các trường chuẩn bị. Việc sử dụng kết quả và cách thức xét tuyển như thế nào là quyền của các trường mới phù hợp với luật, còn bắt tất cả theo một cách áp đặt là trái với quy định của Luật Giáo dục đại học.
Năm 2015, bất cập ở khâu xét tuyển là thí sinh được tự do rút - nộp hồ sơ quá nhiều lần kéo dài trong 20 ngày. Ngoài ra, 4 nguyện vọng của lần xét tuyển thứ nhất góp phần làm con số ảo tăng. Mặt khác, nhiều trường đại học, cao đẳng dùng phần mềm xét tuyển riêng, không liên thông rút - nộp hồ sơ. Do đó, trường này cập nhật việc rút hồ sơ của thí sinh, trường kia mới nhập được.
Theo lãnh đạo một số trường ĐH, việc Bộ gom chung các trường để thực hiện xét tuyển sẽ giúp các trường biết rõ số lượng TS trúng tuyển vào trường mình và trường khác. Từ đó, các trường sẽ đưa ra được mức điểm chuẩn và gọi TS nhập học phù hợp. Nếu từng trường xét tuyển riêng thì sau khi xác định điểm trúng tuyển sẽ không biết được có bao nhiêu TS trúng tuyển vào trường đồng thời cũng đậu vào trường khác.
Nhưng với việc gom chung này, sau khi xét tuyển và xác định mức điểm trúng tuyển dự kiến, các trường sẽ gửi dữ liệu ra Bộ để xử lý. Trên số liệu tổng thể, Bộ sẽ giúp các trường biết được chính xác số TS trúng tuyển vào trường đó và trường khác. Các trường sẽ phải cân đối lại mức điểm chuẩn và số lượng TS gọi nhập học để giảm ảo ở mức tối đa.
Và dù thiện chí của Bộ khi đề xuất phương án xét tuyển này là hỗ trợ các trường giảm ảo nhưng thực tế ảo sẽ vẫn rất lớn. Vì quy chế đã cho phép mỗi TS được nộp hồ sơ vào 2 trường và kết quả cuối cùng chỉ biết được khi TS nhập học. Do vậy, việc hỗ trợ các trường ở khâu xử lý dữ liệu trúng tuyển cũng không giúp khống chế tận gốc tình trạng ảo. Chưa kể, cách làm này có khả năng dẫn đến tình trạng ảo nhiều và khổ cho các trường tốp dưới.
Không thể giảm ảo?
Theo PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ cần sửa đổi quy chế chứ không phải chỉ đưa ra hướng dẫn cho các trường như đã nói. Mà để thay đổi quy chế tuyển sinh thì không thể nhanh được trong khi kỳ thi đang đến gần, thay đổi gấp quá sẽ khiến các trường bị rối.
“Theo tôi, Bộ chỉ có thể hỗ trợ hạ tầng CNTT cho các trường; xây dựng cơ sở dữ liệu chung để các trường và thí sinh có thể truy cập thường xuyên và thông suốt; xây dựng phần mềm tuyển sinh. Từ đó, các có thể biết thí sinh nào đã trúng tuyển trường mình và đồng thời cũng trúng tuyển trường khác. Các trường cần phải biết được nhưng thông tin chi tiết về tình trạng thí sinh đăng ký vào trường mình, được ước lượng điểm chuẩn dự kiến vào các thời điểm cần thiết, để có chính sách thi hút thí sinh vào những ngành có nguy cơ tuyển thiếu chỉ tiêu” - PGS TS Lê Hữu Lập nói.
Đại diện một trường khác lo ngại: “Với các khoảng thời gian xét tuyển đã ấn định rất gấp gáp thì việc gom dữ liệu các trường để xử lý chung sẽ không đơn giản. Vì theo kế hoạch, 17 giờ ngày 12/8 các trường kết thúc nhận hồ sơ và 17h ngày 15/8 các trường phải công bố kết quả trúng tuyển. Có nghĩa, các trường và Bộ chỉ có khoảng 60 giờ để xử lý dữ liệu. Đó là chưa nói nếu phần mềm không tốt sẽ dẫn đến những bất cập khác”.
Tâm lý chung của nhiều trường hiện nay là nếu Bộ GD-ĐT tự tin làm tốt phần mềm tuyển sinh chung thì quá tốt, vì các trường sẽ rất “nhàn”, vấn đề là Bộ có làm nổi không?. Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, Bộ cần nói rõ việc xét tuyển chung có bắt buộc hay không. Nếu là bắt buộc, phải đưa vào quy chế tuyển sinh. Nếu không bắt buộc thì có hướng dẫn, các trường sẽ tự nguyện, tự thấy được lợi ích tốt thì họ sẽ đăng ký.
Như thế, để thực hiện được tuyển sinh bằng phần mềm chung như vậy, Bộ GD-ĐT sẽ phải sửa quy chế tuyển sinh 2016 mà mình mới ban hành. Bởi lẽ, theo quy chế tuyển sinh 2016 thí sinh được đăng ký bốn nguyện vọng, giờ lại dùng phần mềm xét tuyển chung thì tình trạng thí sinh ảo vẫn không thể khắc phục.
Để hạn chế tối đa lượng thí sinh ảo Bộ cần yêu cầu thí sinh tham gia xét tuyển sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, nếu trúng tuyển NV1 thì các NV sau không xét nữa.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng chủ trương của Bộ GD-ĐT là mở rộng nhóm GX (nhóm xét tuyển do ĐB Bách khoa Hà Nội chủ trì) ra toàn quốc là tốt nhưng cần phải chú ý đến các giải pháp.
“Không phải tất cả các trường ĐH-CĐ trên cả nước sẽ tham gia. Các trường phải đăng ký tham gia trên cơ sở tự nguyện. Trường nào muốn xét tuyển riêng thì phải do quyền tự chủ riêng của các trường. Không thể bắt các trường tham gia, bởi có trường xét tuyển theo học bạ, và có trường kết hợp xét học bạ và phương thức khác." Theo ông Sơn, xét tuyển tập trung phải có những quy tắc chung nhất định và Bộ GD-ĐT cần sớm công bố.
Quảng Ninh: Gần 60% học sinh không đăng ký dự thi xét tuyển đại học
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Quảng Ninh, trong tổng số 14.444 thí sinh sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2016 của tỉnh thì có tới 8.477 thí sinh chỉ đăng ký dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, chiếm 58,7%, tăng hơn 1300 thí sinh so với kỳ thi năm 2015.
Trong khi đó, tại cụm thi ĐH có 5.967 thí sinh, chiếm 41,3%, giảm hơn 500 thí sinh so với kỳ thi năm 2015. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của học sinh rằng ĐH không phải là con đường duy nhất để vào đời. Đây cũng là một tín hiệu tốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục phân luồng cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ diễn ra từ ngày 1/7 đến 4/7, với 8 môn thi. Tại Quảng Ninh có tại 2 cụm thi, trong đó cụm thi dành cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, dự kiến có 6 điểm thi tại TP Uông Bí và TX Đông Triều; cụm thi tốt nghiệp dành cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, dự kiến thi tại 25 điểm thi trong tỉnh.