Nỗi oan Bollywood 'chỉ ca hát, nhảy múa'

(PLO) - Chữ "Bollywood" chính thức ra đời vào những năm 1970, thời kỳ mà kỹ nghệ điện ảnh Ấn Độ vượt qua mặt điện ảnh Mỹ Hollywood về số lượng phim phát hành mỗi năm. Nhà viết kịch bản kiêm đạo diễn Amit Khanna cũng như nhà báo Bevinda Collaco là những gương mặt đầu tiên sử dụng từ này để so sánh hai nền điện ảnh, nhưng họ không ngờ là từ ngữ Bollywood sẽ bị dùng sai lệch và đôi khi còn có nghĩa xấu.
Những năm trước đây, các hoạt cảnh ca hát nhảy múa dày đặc trong phim Ấn Độ
Những năm trước đây, các hoạt cảnh ca hát nhảy múa dày đặc trong phim Ấn Độ

1 đạo diễn, 2 thập niên, 100 cuốn phim

Hơn một thế kỷ trước đây, ngày 3/5/1913, tác phẩm Raja Harischandra, được xem là bộ phim Ấn Độ đầu tiên của nhà đạo diễn Dhundiraj Govind Phalke, ra mắt khán giả.

Còn nổi danh với tên gọi Dadasaheb Phalke, ông sinh năm 1870, mất năm 1944. Thời còn trẻ, ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật thành phố Bombay, bây giờ thường được gọi là Mumbai (Sir Jamsetjee Jeejeebhoy School of Art). Thời trẻ, ông từng học điêu khắc và hội họa. Ông vào nghề như một nhà nhiếp ảnh minh họa, để rồi mở công ty lập nghiệp trong ngành xuất bản.

Trong khoảng thời gian đào tạo về kỹ thuật in ấn, ông đã từng nghe nhắc tới một phát minh mới của hai anh em người Pháp Auguste và Louis Lumière. Thân phụ của họ là nhà kỹ nghệ kiêm nhiếp ảnh gia Antoine Lumière. Trong tiếng Pháp, lumière có nghĩa là ánh sáng. Phát minh của dòng họ Lumière được gọi là kỹ thuật Điện Ảnh, vì họ dùng ánh sáng đèn điện để chiếu bóng những hình ảnh đang chuyển động.

Mãi đến khi ông trở về Ấn Độ, thì lúc đó ông mới được dịp chứng kiến tận mắt thế nào là chiếu bóng, thế nào là những hình ảnh ghi lại, nối liền nhau để rồi liên tục chuyển động trên màn ảnh trắng. Lần đầu tiên, ông Dhundiraj Govind Phalke khám phá những bộ phim ngắn của hai anh em nhà họ Lumière, là tại phòng tiếp tân của khách sạn Watson ở Bombay, bây giờ được gọi là Esplanade Mansion, nổi tiếng là khách sạn lâu đời nhất do người Anh xây cất tại Mumbai.

Nửa thích thú, nửa kinh ngạc, Dhundiraj Govind Phalke mới từ bỏ hẳn ngành in ấn để chuyển qua khai thác kỹ thuật mới. Thời gian đầu, ông bỏ nhiều công sức và tiền của để hoàn tất cuộn phim đầu tay, kể lại điển tích của vua Harischandra với bậc thánh hiền Brahmarshi Vishvamitra. Sự thành công của tác phẩm này mở đường cho ông thực hiện trên dưới 100 cuộn phim trong vòng hai thập niên, hầu hết là phim câm trắng đen, trước khi Ấn Độ chuyển sang quay phim có thu âm tiếng nói từ đầu những năm 1930 trở đi.

Xét trên nhiều phương diện, ông Dhundiraj Govind còn được gọi là Dadasaheb Phalke, thật sự là cha đẻ của nền điện ảnh Ấn Độ. 

“Chết tên” Bollywood

Khi nhắc tới điện ảnh Ấn Độ, rất nhiều khán giả trên thế giới đều nghĩ đến ngay Bollywood: chữ này do hai từ Bombay và Hollywood ghép lại thành một. Tuy là một tên gọi không chính thức, nhưng lâu ngày với thói quen, chữ Bollywood thường được dùng để chỉ toàn bộ ngành kỹ nghệ điện ảnh tại Ấn Độ. Nói như vậy là không đúng, vì Bollywood là một thành phần quan trọng nhưng không phải là toàn bộ điện ảnh Ấn.

Các hãng phim Bollywood đặt trụ sở tại Bombay (Mumbai) và chủ yếu sản xuất phim bằng tiếng hindi, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cơ sở sản xuất phim, quay với nhiều ngôn ngữ địa phương khác. Chẳng hạn như mỗi năm Ấn Độ sản xuất trên dưới 1000 bộ phim, trong đó có hơn 250 tức một phần tư là phim tiếng hindi, trên 300 phim được quay trong hai thứ tiếng telugu và tamul, phần còn lại là phim bằng tiếng urdu, kannada, malayalam, marathi hay bengali.

Chữ "Bollywood" chính thức ra đời vào những năm 1970, thời kỳ mà kỹ nghệ điện ảnh Ấn Độ vượt qua mặt điện ảnh Mỹ Hollywood về số lượng phim phát hành mỗi năm. Nhà viết kịch bản kiêm đạo diễn Amit Khanna cũng như nhà báo Bevinda Collaco là những gương mặt đầu tiên sử dụng từ này để so sánh hai nền điện ảnh, nhưng họ không ngờ là từ ngữ Bollywood sẽ bị dùng sai lệch và đôi khi còn có nghĩa xấu.

Theo đó, Bollywood nhái lại và ăn theo chữ Hollywood, và phim Bollywoood tuy cao ở số lượng, nhưng lại thấp về chất lượng vì đó thường là những bộ phim giải trí, bình dân nếu không nói là chạy theo thị hiếu của đa số người xem. Như vậy, khó có thể đồng hóa chữ Bollywood với những tác phẩm điện ảnh Ấn Độ nổi tiếng là nghiêm túc của nhiều thế hệ tác giả và đạo diễn như Satyajit Ray, Gulzar, Javed Akhtar, Ashutosh Gowariker ...

Vào năm 1931, Ấn Độ cho phát hành bộ phim có tiếng nói đầu tiên với tựa đề Alam Ara của đạo diễn Ardeshir Irani. Chỉ sáu năm sau (1937), nhà làm phim này chuyển sang khai thác phim màu đầu tiên của Ấn Độ với tác phẩm Kisan Kanya và tiếp theo đó là Mother India. Nhưng sự phát triển này bị khựng lại trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến và phong trào đòi độc lập cho Ấn Độ. Phim màu chỉ thật sự được phổ biến từ đầu những năm 1950 trở đi.

Sau thời kỳ độc lập, xuất hiện cả một phong trào tìm tòi sáng tạo, qua đó, ngôn ngữ điện ảnh được dùng để phản ánh thực tế đời sống, để vạch trần những bất công trong xã hội. Chính vào đầu thập niên 1950 mà các nhà phê bình Âu Mỹ bắt đầu khám phá tên tuổi của Raj Kapoor, còn được mệnh danh là một Charlie Chaplin của Ấn Độ, trong cách dùng cái hài để nói lên cái bi, thông qua hình tượng của một kẻ khất thực, sống lang thang nay đây mai đó (tựa như vua hề Charlot), để phác họa bức tranh xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

Thâm thúy hơn nữa là loạt phim ba tập The Apu trilogy của đạo diễn Satyajit Ray, trong đó có tác phẩm kinh điển Pather Panchali. Ông là người Ấn Độ đầu tiên đoạt Cành cọ vàng nhân Liên hoan phim Cannes năm 1956 và một giải Oscar dành cho thành tựu sự nghiệp. Lối mổ xẻ, phân tích quan hệ cũng như tâm lý của các nhân vật trong cùng một gia đình, để rồi qua cái thế giới thu nhỏ ấy phản ánh được toàn cảnh xã hội, nâng đạo diễn Ấn Độ Satyajit Ray, lên ngang tầm với đạo diễn Nhật Bản Yasujiro Ozu.

Đề tài yêu đường cũng từng được phim Ấn Độ khai thác triệt để
Đề tài yêu đường cũng từng được phim Ấn Độ khai thác triệt để

“Đặc trưng” ca hát, nhảy múa

Tuy nhiên, rất nhiều tên tuổi thành danh vào những năm 1960 vẫn đi theo con đường thương mại. Những bộ phim hành động theo kiểu anh hùng diệt gian trừ tà, những bộ phim tình cảm xã hội ướt át bi lụy theo kiểu hôn nhân tiền định, ép duyên ngang trái.

Vào thập niên 1970, thời kỳ mà Bollywood qua mặt Hollywood về số lượng phim phát hành cũng là thời kỳ đăng quang của thể loại phim gọi là “chocolate box”, với vỏ bọc xinh xắn như một hộp kẹo chocolat, nhưng bên trong thì lại hơi rỗng tuếch.

Kịch bản viết theo công thức, cốt truyện thường hay rập khuôn với nhiều hoạt cảnh ca hát và nhảy múa. Diễn viên chính thường ít hát với giọng thật mà chỉ hát nhái theo kiểu nhép miệng. Các đạo diễn trở thành lính đánh thuê, làm phim theo đơn đặt hàng, có thể tùy theo hợp đồng mà quay cả chục cuộn phim trong cùng một năm.

Thập niên 1970 cũng là thời kỳ là Ấn Độ xuất khẩu phim ra nước ngoài, trước hết là để phục vụ nhu cầu của các cộng đồng người Ấn ở hải ngoại. Từ đảo Mauritius đến Canada, từ Trung Đông sang Anh Quốc, khán giả đều xem phim theo cùng một kiểu mẫu. Đối với đa số khán giả, hình ảnh đầu tiên của Bollywood chính là những bộ phim của thời hoàng kim ca nhạc kịch, xem để giết thời gian, xem để thư giãn đầu óc, nhưng ít có gì đọng lại trong tâm trí.

Những năm 1980 và 1990, xuất hiện nhiều phim hình sự trinh thám, nói về các băng đảng xã hội đen, đồng tiền chi phối đời sống, tính tham lam của con người, nạn tham nhũng trong xã hội trở thành những đề tài ăn khách. Nhưng bên cạnh đó, điện ảnh Ấn vẫn khai thác các bộ phim tình cảm đôi lứa, quan hệ gia đình.

Phim Ấn trở nên tân kỳ hơn trong hình thức và từ thập niên 90 trở đi đánh dấu ngày đăng quang của một thế hệ diễn viên mới (Aamir Khan, Salman Khan, Govinda, Nana Patekar, Sunil Shetty, Akshay Kumar, các nữ diễn viên Sridevi, Madhuri Dixit, Juhi Chawla, Kajol, Manisha Koirala, Urmila Matondkar, Karishma Kapoor …).

Trong số này, ngôi sao màn bạc Ấn nổi tiếng nhất ở nước ngoài là thần tượng Shahrukh Khan, thành danh từ năm 1992. Những tên tuổi này nối bước các bậc đàn anh, đàn chị như Rajesh Khanna, Dharmendra (1960), và Amitabh Bachchan, Mithun Chakraborty, Anil Kapoor, Hema Malini, Jaya Bachchan, Rekha (1970-1980) để chinh phục khán giả nước ngoài.

“Lột xác” theo tiêu chuẩn quốc tế 

Kể từ đầu những năm 2000 trở đi, điện ảnh Ấn bước vào thời đại toàn cầu hóa, công nghiệp sản xuất phim Ấn dựa vào mô hình của các hãng phim Âu Mỹ và ứng dụng các kỹ thuật làm phim hiện đại để đạt đến các tiêu chuẩn quốc tế. Cựu hoa hậu thế giới Aishwarya Rai trở thành cánh chim đầu đàn đi khắp nơi để quảng bá phim Ấn (Preity Zinta, Rani Mukherjee, Kareena Kapoor, Priyanka Chopra, Hrithik Roshan).

Các tập đoàn phim như Yash Raj Films hay Dharrma Productions lao vào khai thác các blockbuster theo kiểu Ấn, với lối dàn dựng công phu, hoành tráng (qua các bộ phim như Lagaan, Devdas, Mil Gaya, Kal Ho Naa Ho, Veer Zaara, Krrish, Dhoom 2, Om Shanti Om …).

Phim ảnh trở thành những sản phẩm văn hóa xuất khẩu ồ ạt sang các nước thuộc bán đảo Nam Á, châu Phi, Trung Đông, cũng như sang các nước Anh, Canada, Úc, Mỹ, những nơi có đông đảo người nhập cư gốc Ấn. Một số tác phẩm như Lagaan và Devdas đi dự nhiều liên hoan phim quốc tế và nhờ vậy mà thu hút sự chú ý của khán giả Âu Mỹ, ngoài cộng đồng nói tiếng Ấn. Tuy nhiên, văn hóa bình dân được quảng bá qua dòng phim Bollywood, hàm chứa những nét riêng biệt, đặc thù, hợp với những người có cảm tình với văn hóa Ấn, nhưng chưa chắc gì là dễ hiểu đối với đại đa số khán giả Âu Mỹ.

Do các bộ phim Ấn Độ xuất khẩu sang nước ngoài thường là các sản phẩm của Bollywood, cho nên uy tín của điện ảnh Ấn chưa tỏa sáng bằng điện ảnh Hàn Quốc hay điện ảnh Hoa ngữ. Trên thị trường quốc tế, có ý kiến cho rằng Bollywood vẫn còn chậm bước. Nhịp độ toàn cầu hóa cũng có tác dụng của một con dao hai lưỡi. Ngay tại quê nhà, Bollywood cũng bị cạnh tranh dữ dội bởi luồng phim nhập khẩu, chủ yếu là Anh Mỹ.  

Cách đây năm năm, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Shekhar Kapur đã đến liên hoan phim Cannes để giới thiệu cuộn phim mang tựa đề "Bollywood, The greatest love story ever told". Đây là một bộ phim tài liệu của hai đạo diễn Rakeysh Omprakash Mehra, người Ấn và Jeff Zimbalist, người Mỹ. Bộ phim phản ánh sự phát triển của Bollywood trong nhiều thập niên qua, cho thấy điện ảnh có khả năng hội tụ tất cả những người Ấn lại với nhau, cho dù họ không có cùng một ngôn ngữ địa phương. Nhưng bên cạnh đó, cuộn phim tài liệu cũng nêu lên một số điều bất cập của Bollywood, khiến cho dòng phim thương mại không dễ gì chinh phục khán giả nước ngoài.

 

Điện ảnh Ấn Độ có một nét đặc thù mà không nơi nào có: đó là thể loại phim masala, có nghĩa là pha trộn. Nói một cách nôm na, phim masala chẳng khác gì món lẩu thập cẩm, trong đó các nhà viết kịch bản pha trộn một câu chuyện tình cảm với những pha hành động, xen kẻ những tình tiết éo le, bi lụy với những màn hài hước, pha trò. Những pha hồi hộp được tiếp nối với những hoạt cảnh vui nhộn, nhảy múa tưng bừng. Kết quả là phim thường dài đến ba tiếng đồng hồ đan xen nhiều thể loại với nhau. Khán giả nào chưa quen xem phim Ấn, không khỏi cảm thấy lạc lõng, bỡ ngỡ.

Kể từ một thập niên gần đây, điện ảnh Ấn nỗ lực làm phim với kịch bản nghiêm túc hơn, đề cập đến những vấn đề nhạy cảm trong xã hội như tôn giáo chính trị, tham nhũng, khủng bố hay băng đảng tội ác, những đề tài tế nhị trong gia đình như quan hệ chăn gối trước hôn nhân, sống chung mà không cần hôn thú, quan niệm về trinh tiết của người đàn bà hay tình yêu đồng tính …

Những chủ đề như vậy gần sát hơn với thực trạng xã hội, thân thiết hơn đối với giới trẻ chủ yếu ở thành thị, có ăn học, có phương tiện tiếp cận với các luồng văn hoá nước ngoài. Tiêu biểu cho phong trào này có các bộ phim như Kaminey, Firaaq, Gulaal, 3 Idiots, Paa, Wake Up Sid, Peddlers, Miss Lovely, Gangs of Wasseypur ...

Tuy nhiên, do khối lượng phim sản xuất hàng năm khá dồi dào, các nhà sản xuất và đạo diễn chưa chắc gì có đủ thời gian để đầu tư vào khâu viết kịch bản, cho nên có khá nhiều phim Ấn vay mượn, thậm chí sao chép công thức của Hollywood. Khác với điện ảnh Hàn Quốc mà nhiều người còn gọi là Koreanwood, Ấn Độ cũng chưa nâng việc quảng bá phim ảnh hay âm nhạc nước nhà lên hàng quốc sách. Các khâu sản xuất, phát hành, rồi kinh phí quảng bá vẫn còn thiếu tính nhất quán để tạo bàn đạp cho điện ảnh Ấn được phổ biến rộng rãi hơn nữa ở nước ngoài.

Tuy về mặt số lượng phim, Bollywood sản xuất nhiều hơn Hollywood, nhưng về doanh thu xuất khẩu, thì điện ảnh Ấn lại kém hơn nhiều so với điện ảnh Mỹ. Tính đến nay, chỉ có vài bộ phim của Ấn Độ từng giành đề cử Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Đó là các bộ phim Mother India (1957), Salaam Bombay (1988) và Lagaan (2001).

Số phim Ấn Độ đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế như Cannes, Berlin, Venise hay Toronto cũng được đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, điện ảnh của Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên các bảng vàng liên hoan hay tại các giải thưởng điện ảnh quốc tế. Hơn 100 năm sau ngày ra mắt bộ phim Ấn Độ đầu tiên, nền điện ảnh Ấn vẫn trên con đường đi tìm cơ hội tỏa sáng để giành lấy một vị trí xứng đáng với tầm vóc của mình./.