“Nóng” chất vấn trách nhiệm Vinashin

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, những sai phạm của Vinashin qua thanh tra, giám sát “có phát hiện ra, có chỉ đạo của các bộ, ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rồi nhưng triển khai thực hiện chưa thật sự nghiêm túc, chưa thật sự hiệu quả”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, những sai phạm của Vinashin qua thanh tra, giám sát “Có phát hiện ra, có chỉ đạo của các bộ, ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rồi nhưng triển khai thực hiện chưa thật sự nghiêm túc, chưa thật sự hiệu quả”.

[links()]

Chưa xác định được tài sản trên thực tế của Vinashin còn lại bao nhiêu

a
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định những sai phạm của Vinashin Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nhưng việc triển khai thực hiện chưa thật sự nghiêm túc, chưa thật sự hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sáng nay đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu trên nghị trường Quốc hội liên quan đến vấn đề Vinashin.

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) chất vấn :theo báo cáo của Chính phủ, tổng tài sản trên giấy tờ của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin gần 105.000 tỷ, với việc mua tàu, canô và một số thiết bị máy móc cũ đầu tư dàn trải. Vậy giá trị tài sản trên thực tế của Vinashin còn bao nhiêu?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết : Vinashin lúc thành lập bắt đầu là một công ty thì vốn có khoảng 100 tỷ. Đến giai đoạn từ năm 2006, công ty này được chuyển thành Tổng công ty, rồi chuyển thành tập đoàn thì vốn có 2.174 tỷ, hơn 2.000 tỷ. Vinashin là một tập đoàn sản xuất công nghiệp tàu thủy cho nên lãi rất nhỏ, không lớn, cho nên nguồn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế hàng năm không lớn.Theo báo cáo đến 30 tháng 6 năm 2009 tổng tài sản của Vinashin là hơn 104 ngàn tỷ, vốn nợ là 86 ngàn tỷ.

“Chúng tôi nói nợ này nằm trong tài sản đó, hiện nay đã hình thành lên các dự án, các nhà máy, trong đó tôi nắm được có 110 nhà máy, có 28 nhà máy hiện nay đang hoạt động tốt. Trong quá trình vay vốn, huy động vốn Vinashin có mua một số tài sản, máy móc mà hiện nay theo các cơ quan cho rằng đó là vi phạm, đó là những tàu cũ giờ phải đánh giá. Đại biểu hỏi mất bao nhiêu trên thực tế giá trị tài sản? Để đánh giá được việc này hiện nay chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán xác định giá trị thực của các tài sản này, trên cơ sở đó kết hợp với các cơ quan điều tra xác định giá trị đó thì sẽ xác định được giá trị thực còn lại là bao nhiêu, lúc đó mới trả lời được câu hỏi mà đại biểu nêu”, Bộ trưởng Ninh nói.

Cấp nào, ngành nào có trách nhiệm?

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) chất vấn: Vinashin để lại một khoản nợ lớn,  “vậy trách nhiệm của cấp nào, ngành nào có liên quan”?

Cùng “truy trách nhiệm Vinashin”, đại biểu Đồng Hữu Mạo ( Thừa Thiên - Huế) chất vấn : Vinashin có  nhiều sai phạm, trong lĩnh vực mua sắm tài sản, trong việc đầu tư xây dựng cơ bản, trong việc sử dụng nguồn vốn mà Chính phủ vay về cho vay lại 700 triệu đôla sử dụng cũng kém hiệu quả và cũng sai mục đích rất nhiều. “Tôi thấy việc có nhiều lần sai phạm như thế nhưng các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình phát hiện sớm để kịp sửa sai, kịp ngăn chặn hình như rất chậm. Vai trò của các bộ như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đối với quản lý Vinashin, mỗi bộ ngành quản lý nhà nước đối với Vinashin như thế nào? Các bộ ngành không quản lý hay không quản lý được; không phát hiện vi phạm hay có phát hiện vi phạm của Vinashin mà không làm gì được; Vì sao để vi phạm kéo dài gây tổn thất mà không ngăn chặn sớm”?

Đại biểu Đặng Như Lợi cũng chất vấn : Theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 10 Quy chế giám sát về đánh giá hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 224 ngày 6/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ thì tình hình tài chính hiện nay của Vinashin trách nhiệm phần lớn thuộc về Bộ Tài chính. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này, có thấy trách nhiệm của mình không và phương hướng xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Căn cứ vào pháp luật phân công, Luật doanh nghiệp nhà nước thì giao cho tổng công ty và tập đoàn này được quyền huy động vốn và tự chịu trách nhiệm về vốn của mình huy động, chịu trách nhiệm về mặt trả nợ trừ các khoản Chính phủ bảo lãnh.

Như vậy trước hết cũng phải xác định Tập đoàn Vinashin có quyền huy động và sử dụng tiền vay về. Bộ Tài chính có vai trò giám sát, kiểm tra, thanh tra nhưng không phải là người được quyết định cụ thể phương án đầu tư của doanh nghiệp, cũng không phải là người quyết định phê duyệt phương án sản xuất của doanh nghiệp cho nên cũng không phải người quyết định cụ thể vốn của doanh nghiệp đầu tư vào đâu, mua cái gì và quyết định vào việc sử dụng từng nguồn vốn một.

Bộ trưởng Ninh khẳng định đã có thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện ra có những việc vi phạm của tập đoàn và đã có yêu cầu tập đoàn phải xử lý các kiến nghị của thanh tra, cũng có những việc tập đoàn xử lý nhưng cũng có những việc chưa thực hiện nghiêm túc, cũng có việc không phải thực hiện được ngay.Ví dụ việc mua tàu, theo biên bản phúc tra thì cũng có bán đi một số tàu, có sắp xếp lại, có thay đổi nhưng chưa triệt để.

Bộ Tài chính đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ thì ngay từ tháng 4 năm 2009. Tháng 6 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo yêu cầu Vinashin phải chấp hành những kiến nghị của các cơ quan và sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư.

Đến tháng 7-2009, trước tình hình tác động của khủng hoảng vào nữa thì Vinashin lại gặp khó khăn hơn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập một tổ công tác liên ngành để yêu cầu Vinashin rà soát các dự án đầu tư, cắt giảm từ 104 dự án tại thời điểm đó xuống còn 40 dự án.

Sau đó Thủ tướng yêu cầu cắt giảm tiếp, rà soát tiếp các dự án đầu tư thì chỉ đầu tư tập trung trước mắt vào 28 dự án. Đến năm 2010 thì tình hình của Vinashin đã có những chuyển động nhưng chưa mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định tái cơ cấu một bước nữa đối với Vinashin trong đó có việc bàn giao cho một số cơ sở sản xuất, cho một số tập đoàn khác.

“ Đây cũng là một bài học. Bài học rút ra là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và triển khai xử lý một cách triệt để, mạnh mẽ hơn khi phát hiện ra những vi phạm, tức là có phát hiện ra, có chỉ đạo của các bộ, ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rồi triển khai thực hiện chưa thật sự nghiêm túc, chưa thật sự hiệu quả”, Bộ trưởng Ninh thừa nhận.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội): đề nghị Quốc hội nên hòa vào trách nhiệm chung của Chính phủ. 

Tôi không đồng ý với việc cứ đổ lỗi cho Thủ tướng hoặc Chính phủ. Tôi xin hỏi, các đại biểu Quốc hội ngồi đây, đã ai đến thăm Vinashin lần nào chưa? Đã biết họ hoạt động như thế nào chưa? Tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội nên hoà chung trách nhiệm với Chính phủ về ngân sách, về vốn và hãy coi đây là một bài học xương máu”

Như Trang- Hà Quân

Đọc thêm