Mặc dù Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã dần đi vào hoàn thiện để trình lên Quốc hội vào kỳ họp tới đây, nhưng xung quanh vấn đề đấu thầu bảo hiểm hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Xét theo Luật Đấu thầu hiện hành, các sản phẩm bảo hiểm không nằm trong danh mục bắt buộc đấu thầu và theo một số ý kiến, điều này đã làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Đại diện Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo khẳng định, khi áp dụng quy định mới, tất cả các tập đoàn, tổng công ty, dù mua sản phẩm bảo hiểm đặc thù cũng đều phải tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi.
Bảo hiểm nội bộ: rủi ro hay lợi thế?
Tuy nhiên đây không phải là luồng ý kiến duy nhất về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm. Một số chuyên gia có uy tín trong làng bảo hiểm cho rằng, việc áp dụng đấu thầu bắt buộc đối với bảo hiểm, đặc biệt là đối với bảo hiểm đặc thù chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong đợi, vì bảo hiểm là loại hình kinh doanh đặc biệt, việc phân tán rủi ro đối với các dự án hay công trình lớn đều do các nhà tái bảo hiểm nước ngoài nắm giữ.
|
Ý kiến không cho phép công ty mẹ thành lập công ty bảo hiểm để cung cấp dịch vụ trong nội bộ công ty mẹ do lo ngại việc này sẽ đi ngược lại mục đích của bảo hiểm là “phân tán rủi ro” cũng vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận. Công ty bảo hiểm nội bộ thực ra là mô hình “captive insurer” được áp dụng phổ biến trên thế giới. Hầu hết các tập đoàn công nghiệp, tài chính hàng đầu thế giới đều có “captive insurer” cho riêng mình. Bản thân những công ty bảo hiểm nội bộ này khi có sự hỗ trợ đắc lực của công ty mẹ, đều trở thành những ông trùm bảo hiểm của thế giới như Tokyo Marine, Mitsui-Sumitomo, AIG, HSBC...
Những “captive insurer” có một lợi thế mà những công ty bảo hiểm khác không có được đó là sự thấu hiểu về công ty mẹ. Chính họ là người hiểu rõ nhất những rủi ro mang tính đặc thù, văn hóa, cơ cấu và qui trình làm việc tại công ty mẹ và các công ty thành viên, những thứ giúp họ có thể mang đến những dịch vụ tốt và phù hợp nhất. Cũng chính vì hiểu rõ nhất những rủi ro đặc thù mà các “captive insurer” có thể tính toán chuẩn xác mức giữ lại hợp lý nhất, góp phần tiết kiệm lượng ngoại tệ phải chuyển cho nhà tái bảo hiểm nước ngoài.
Chống độc quyền và tương quan lợi ích quốc gia
Công ty bảo hiểm nội bộ và nguyên tắc “phân tán rủi ro” thực chất chẳng có liên hệ gì với nhau. Việc phân tán rủi ro trong bảo hiểm là thông qua nghiệp vụ tái bảo hiểm, và dù là công ty nội bộ hay bên ngoài thì đều phải thực hiện tái bảo hiểm đối với những dịch vụ mình nhận bảo hiểm. Đối với những dự án có giá trị lớn, tính kỹ thuật phức tạp thì việc xây dựng bản chào giá, thu xếp phạm vi bảo hiểm và phân chia rủi ro đều do các nhà tái bảo hiểm nước ngoài như Lloyds, Swiss Re, Munich Re... chịu trách nhiệm. Hơn nữa, Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam qui định mọi công ty bảo hiểm đều không được phép giữ lại quá 5% vốn chủ sở hữu trên mỗi dịch vụ, còn lại đều phải tái bảo hiểm, vì thế công ty bảo hiểm nội bộ hay bên ngoài đều không ảnh hưởng tới nguyên tắc “phân tán rủi ro”.
Trong khi trên thế giới mô hình “captive insurer” đã và đang vẫn chứng tỏ tính ưu việt của nó, không lẽ chúng ta lại đi ngược lại xu thế chung đó? Việc gia nhập WTO đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, nếu chúng ta không có những chiến lược mang tính tổng thể thì có thể các doanh nghiệp bảo hiểm của chúng ta chưa kịp học hỏi gì nhiều đã có thể bị “bóp chết” khi những ông trùm của thế giới bảo hiểm vào Việt Nam.
Do vậy thách thức lớn nhất đối với những nhà lập pháp cũng như các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam là ban hành những điều luật sao cho phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, chứ không phải là chạy theo lối mòn suy nghĩ “chống độc quyền” một cách phiến diện.
D. Linh