Nghề “chọn” người
Thời phổ thông, Trung Hiếu học lớp chuyên Toán để ấp ủ tương lai làm kỹ sư, bác sỹ,… Rồi anh chọn 3 trường đại học là trường Luật, trường Bách khoa và trường ĐH Kinh tế Quốc dân để thi. Thi xong, anh theo mẹ đến nhà đạo diễn, NSND Xuân Huyền chơi.
Cứ nhìn lạ lẫm và nói chuyện lóng nga lóng ngóng, ấy thế mà anh lại lọt vào mắt xanh của người đạo diễn nổi tiếng. Ông “soi” kỹ anh và hỏi mẹ anh: “Sao không để nó làm nghệ thuật đi. Tôi thấy nó cũng có tố chất đấy”. Mặc dù thấy rất lạ, nhưng bằng sự tò mò của tuổi trẻ, Trung Hiếu gật đầu và đăng ký thi vào ĐH Sân khấu Điện ảnh vì: “Có thi cũng chẳng… chết ai”.
Dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Xuân Huyền, Trung Hiếu “học nghề” khoảng một tháng. Cũng trong thời gian đó, anh thay đổi dần với quan niệm về nghệ thuật và dần dà cảm thấy mê đắm với những vai diễn, yêu cái thế giới của sự chân thiện mỹ được các nhà đạo diễn xây dựng. Anh trúng tuyển vào khoa Kịch - Điện ảnh. Theo con đường mới mẻ đó, anh bỏ lại đằng sau 3 tờ giấy báo trúng tuyển của cả các trường đại học danh tiếng mà chẳng bận đắn đo.
Trung Hiếu học năm nhất trùng thời điểm đạo diễn Quốc Trọng vào các trường nghệ thuật tìm vai diễn cho nhân vật Bảy trong bộ phim Hoa Ban Đỏ. Đến dự tuyển diễn viên, như anh kể, mới nhìn những “đối thủ” đã thấy… choáng.
Trung Hiếu phải “đấu” với không ít người đã tạo dựng nên tên tuổi trong giới điện ảnh. Thế mà cuối cùng chàng sinh viên hiền lành lại lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất phim. Người ta thấy được ở Trung Hiếu có được những nét tương đồng của nhân vật Bảy, là sự trẻ trung, hồn nhiên, đầy vô tư của tuổi mười chín, đôi mươi.
Kể lại câu chuyện xưa cũ ấy, với Trung Hiếu là cả những khó khăn, vất vả để thực hiện đúng một vai diễn mà ban đầu tưởng như là quá sức đối với một chàng sinh viên. Những ngày tháng đó rồi cũng trôi qua một cách êm đẹp. Tiền cát – xê được nhận lên đến 5 triệu đồng, một con số “khổng lồ” đối với một sinh viên vào năm 1992.
Nhưng quan trọng nhất là sau vai diễn đầu đời của anh, từ đó cái tên Trung Hiếu được biết tới, dẫn anh đến những vai diễn thành công sau này, để khán giả yêu, ghét qua từng nhân vật anh diễn xuất. Sau này ra trường, năm 1994 Trung Hiếu về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội và gắn bó cho đến tận bây giờ.
Mỗi vai diễn là một phần đời
Trung Hiếu nhập vai “Phạm Bạch Đàn” trong bộ phim “Lời sám hối muộn màng”, tướng cướp Phạm Bạch Đàn xuất thân là một chàng trai đầy ước mơ, hoài bão khi là sinh viên Đại học. Rồi cuộc đời đưa đẩy Phạm Bạch Đàn thành thủ lĩnh băng nhóm khét tiếng, chuyên cướp của, giết người, cuối cùng phải sám hối về tội lỗi mình gây ra trước khi ra đoạn đầu đài.
Có lần, anh đi xe máy dừng đèn đỏ ở nhà tư Nguyễn Thái Học thì một chiếc xe chở học sinh đi tham quan về đỗ sát lại. Vừa thấy anh, các học sinh đã nhìn chằm chằm rồi hét tướng lên: “Ôi, anh Phạm Bạch Đàn, tưởng anh chết rồi mà sao giờ anh còn ở đây?”.
Rồi các em còn tự ý mở cửa xe, chạy ào cả xuống gây tắc đường. Phải mất chút thời gian, Trung Hiếu mới giải thích được cho các em và xin lỗi người đi đường về sự mất trật tự mà trong lòng thì theo anh là sung sướng khôn tả.
Cách đây không lâu, Trung Hiếu lại một lần nữa khiến khán giả “sốc” với vai diễn tên Gù xấu xí trong bộ phim truyền hình dài tập “Ngõ lỗ thủng”. Diện mạo xấu xí đã đành, tên Gù còn có dáng đi tật nguyền trên đôi chân cà nhắc. Chính vì ngoại hình đó, Gù đâm ra mặc cảm, uất hận và trở thành một tên côn đồ, đầu gấu, là tay “anh chị” trong khu tập thể. Thế nhưng ở trong Gù lại là bản chất tốt đẹp, biết yêu và dám yêu, sẵn sàng bảo vệ cho người mình yêu.
Với Trung Hiếu, đây là vai diễn “xấu” mà “đẹp”, khiến anh có những đêm dài triền miên trong căn phòng trống chỉ có anh đối diện với chiếc gương, tập đi, tập đứng sao cho giống. Đầu tóc cũng phải cạo trọc, cứ đi diễn là dành hàng tiếng đồng hồ để hóa trang. Người anh trở nên “kỳ dị” đến mức có lần anh về nhà, mẹ anh còn không nhận ra con. Đến khi nhận ra rồi thì lại hoảng hốt vì tưởng anh vừa mới bị tai nạn.
Với Trung Hiếu, bây giờ không có khái niệm nào về vai “phản diện” hay “chính diện” nữa. Anh cho rằng cách phân biệt đó là “cũ kỹ”, là “lỗi thời”. Trong mỗi con người, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Có người trở thành người xấu vì xã hội đưa đẩy, có người chỉ vì những phút bồng bột mới mang tội lỗi. Suy cho cùng, ẩn chứa đằng sau mỗi con người đều có những điều gì đó tốt đẹp, nếu mỗi chúng ta khám phá.
Anh bảo, câu hỏi khó nhất dành cho anh là: “Anh thích vai diễn nào của mình nhất?”. Đã làm nghề, vai diễn nào chả yêu như nhau, chả phải trăn trở như nhau. Người diễn viên có trách nhiệm đều nhất thiết phải hết mình trong từng vai diễn để đem đến cho công chúng sự cảm nhận rõ ràng nhất về vai diễn mình diễn xuất. Và mỗi vai diễn, Trung Hiếu đều gắn bó một phần đời của mình trong đó.