NSƯT Diệu Hương- mối lương duyên đẹp với ca Huế cổ

(PLO) - Ham học hỏi và luôn muốn làm tốt nhất mọi việc, Diệu Hương đã lặn lội vào Huế, tìm đến nghệ nhân Tuyết Tuyết để học hỏi ngày đêm. Cô học trò ham học, nhanh trí đã được nghệ nhân Tuyết Tuyết dốc lòng truyền dạy cách hát và truyền cả tình yêu ca Huế.

Diệu Hương sinh năm 1977, sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị. Từ bé, Hương ngấm nhuần chất ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên qua những câu hát của mẹ và các cô các chú. Mẹ Diệu Hương sớm nhận ra cô con gái nhỏ của mình rất say mê sân khấu, bởi vậy, bà đã cổ vũ cho Hương đi theo con đường nghệ thuật, dù gia đình rất khó khăn do bố mất sớm ở chiến trường.

Gia đình quá nghèo nên Diệu Hương phải bỏ học sau khi học hết cấp 2 để đi dạy mẫu giáo cho Hợp tác xã, kiếm thóc phụ giúp mẹ. Đang độ trăng rằm, chị quyết định nhập ngũ đi bộ đội, làm trong Đội Thông tin tuyên truyền văn hóa lưu động tỉnh Quảng Trị. Vừa đi biểu diễn khắp nơi, Diệu Hương vừa quyết tâm hoàn thành cấp 3, rồi học thêm 2 năm trung cấp ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. 

 

Năm 2001, Diệu Hương dự thi Sao Mai và giành giải “Thí sinh hát nhạc nhẹ ấn tượng”. Sau đó, cô quyết định học Thanh nhạc hệ đại học tại Huế để có thể gắn bó với con đường ca hát chuyên nghiệp lâu dài. Khi Học viện Âm nhạc Huế được tách ra, cô trở thànhgiảng viên Thanh nhạc của Học viện. Trong thời gian học tập và làm việc tạiHuế, Diệu Hương được nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ hát ca Huế nhiều hơn,nhưng đối với loại hình nghệ thuật này, cô vẫn là một khán giả.

Dù bắt đầu con đường ca hát với nhạc nhẹ, nhưng khi ca Huế đến như một mối lương duyên tình cờ, vẻ đẹp của loại hình dân ca đặc biệt này đã thôi thúc NSƯT Diệu Hương thực hiện một album gồm các tác phẩm nhạc cổ và lời cổ.

 

Năm 2010, Diệu Hương ra Hà Nội theo học chương trình thạc sĩ và quyết định đầu quân cho Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Tình cờ, Nhà hát đang thiếu nghệ sĩ hát ca Huế. Vậy là Diệu Hương quyết định gắn bó với loại hình nghệ thuật này.

Ham học hỏi và luôn muốn làm tốt nhất mọi việc, Diệu Hương lại lặn lội vào Huế, tìm đến nghệ nhân Tuyết Tuyết để học hỏi ngày đêm. Cô học trò ham học, nhanh trí đã được nghệ nhân Tuyết Tuyết dốc lòng truyền dạy cách hát và truyền cả tình yêu ca Huế.

Chất giọng, tâm hồn của một người con miền Trung cùng những trải nghiệm không bình lặng trong đời sống riêng khiến cho giọng hát Diệu Hương hợp với ca Huế lạ lùng. Có lẽ đó cũng là lí do khiến cô quyết định chọn ca Huế để đồng hành trên con đường ca hát.

“Ca Huế - Mười Thương” là album vol.2 của NSƯT Diệu Hương, bao gồm 9 tác phẩm: Cổ bản, Lý Tử vi - Lý Hành vân, Phẩm Tuyết, Mười thương (theo điệu Lý Tình tang). Liên khúc: Lưu Thủy - Kim Tiền - Xuân Phong - Long Hồ, Tương tư khúc, Lý Quỳnh tương, Nữ sinh Đồng Khánh (theo điệu Vè Huế). Liên khúc: Hò Mái nhì - Lý Qua đèo - Lý Ngựa ô. Phần âm nhạc của Mười Thương được thực hiện bởi các nhạc sĩ, nhạc công am hiểu về ca Huế của dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Học viện Âm nhạc Huế.

 

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nghe NSƯT Diệu Hương hát ca Huế, anh thực sự ngỡ ngàng, bởi anh không ngờ, NSƯT Diệu Hương tuy sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, nhưng giọng hát của chị hợp với ca Huế đến lạ lùng. Ca Huế lạ ở chỗ nó vừa đậm đà chất dân tộc nhưng lại đòi hỏi người nghệ sĩ thể hiện phải có một kỹ thuật hát vững vàng, có hơi thở và vị trí âm thanh; đồng thời, ca Huế đề cao mặt cảm xúc và màu sắc âm nhạc.

Giọng ca Diệu Hương có làn hơi dồi dào, chất giọng vừa tình nhưng cũng lại rất mực thước, làm toát lên một sự sang trọng của thể loại ca hát thính phòng đặc biệt này. “Việc ra mắt album ca Huế của NSƯT Diệu Hương là một sự đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn ca cổ, bảo tồn âm nhạc truyền thống”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định.

NSUT Diệu Hương và Nhà nghiên cứu âm nhạc Quang Long
NSUT Diệu Hương và Nhà nghiên cứu âm nhạc Quang Long

Sau 20 năm gắn bó với âm nhạc, Diệu Hương đã giành 4 Huy chương vàng các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2012, cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì sự nghiệp phát triển âm nhạc dân tộc. Từ miền quê nghèo Quảng Trị đến bằng thạc sĩ âm nhạc và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cao quý, Diệu Hương luôn nỗ lực phấn đấu trong nghệ thuật.

Đọc thêm