NSƯT Hoài Linh: Cô đơn sau ánh đèn sân khấu

(PLO) - Hoài Linh có một sức hút ma mị với khán giả yêu thích hài kịch. Dù không qua bất cứ trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, bài bản nào nhưng tố chất của anh đã giúp anh có được một vị trí cực kỳ vững chắc trên sân khấu hài, mà bất cứ nghệ sĩ hài nào cũng phải mơ ước. Vì thế, Hoài Linh có thể tạo ra những “cơn sốt” vé ở bất cứ nơi đâu anh xuất hiện. 
NSƯT Hoài Linh và Chiến Thắng.
NSƯT Hoài Linh và Chiến Thắng.

“Tôi được Tổ đãi rất nhiều”

Hoài Linh là người đặc biệt. Chính anh cũng phải thừa nhận rằng, cuộc đời mình có nhiều cái “kì lạ”. Đơn giản như đôi bàn tay của anh cũng gầy gầy y chang cái tạng người còm ròm của mình vậy, có điều, nó có phần thon nhỏ, hao hao giống bàn tay con gái. Ở cả hai ngón tay út của anh đều có 4 đốt bằng nhau, rất đều và đẹp, nếu không nhìn kĩ thì khó lòng mà phát hiện ra…

Mặc dù được mệnh danh là “Đệ nhất danh hài”, là người có quyền lực nhất showbiz Việt nhưng Hoài Linh là nghệ sĩ không có bầu sô, không có người quản lí riêng. Mặc dù biết với một người tần suất chạy sô nhiều như anh, nếu có quản lí riêng thì những thứ ăn, ngủ, nghỉ, diễn… đều có người lo cho, nhưng từ trước tới nay, Hoài Linh đều quen tự lo cho mình. Anh bảo, sống đơn giản quen rồi. Hoài Linh cũng cho rằng người quản lí thường khá cứng nhắc chuyện cát xê của nghệ sĩ, mà tính anh thì không thích vậy, “có những khi mình phải du di, thậm chí sẵn sàng diễn không lấy tiền”.

“Khi đi diễn, tôi ghét nhất trên đời là kiểu “mời được Hoài Linh, bao nhiêu tôi cũng trả”, những người đó, đừng hỏi vì sao tôi sẽ “chặt tới xương”. Bởi những câu nói đó xóc quá, coi thường nghệ sĩ quá. Cái quan trọng đầu tiên với tôi là cái tình, chỉ cần người ấy quý mình chân thành, ngồi nói chuyện với nhau thì dù có cát xê thấp, thậm chí không có tôi cũng sẵn sàng diễn. Nhưng những người có tiền mà làm phách vậy tôi rất ghét, ghét thì sẽ lấy cát xê cho bằng với giá trị câu nói họ kêu”, Hoài Linh chia sẻ.

Hoài Linh xưa nay vẫn thích được người hâm mộ và đồng nghiệp gọi bằng cái tên bình dị: “Chú Tư Ròm”, “Anh Bốn”. Với Hoài Linh, “những danh xưng hoa mĩ thế này, thế kia cũng là ảo mà thôi. Bây giờ tôi có thể làm vua, ông hoàng, bà chúa được nhưng sau này tôi hạ bệ xuống rồi thì tôi làm cái gì, thành thử tôi không có mơ mộng được người ta đặt mình lên ngang hàng cái gì cả”.

Hoài Linh thừa nhận anh được Tổ đãi rất nhiều. Kể từ khi ăn lộc của Tổ nghề, có những lúc anh cầu xin điều gì đều được điều ấy. Việc anh muốn xây dựng đền thờ tổ sân khấu không chỉ là trả ơn Tổ mà cũng là để “các em, các cháu có nơi là chỗ dựa tinh thần làm nghề cho nó vững chắc, nếu có làm bậy điều gì thì người ta cũng sẽ thấy áy náy khó chịu lương tâm, để cho nghệ sĩ sống có đức hơn”. 

Nhưng mà để làm được nhà thờ Tổ nghìn tỷ ấy Hoài Linh đã “bán mạng” chạy sô, chạy sô tới mức mẹ anh giận quá mà từ mặt con trai mấy tháng trời vì anh còm ròm chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng sau bao nhiêu năm dành dụm, Hoài Linh cũng đã hoàn thành xong đền thờ tổ nghiệp vào đúng lễ giỗ tổ 11/9/2016. Hoài Linh lúc này mới thở phào nhẹ nhõm vì lời hứa bao năm đã thành hiện thực.

Gia đình Hoài Linh theo đạo Thiên chúa nhưng chỉ Hoài Linh là theo đạo Phật, thờ Mẫu. Cũng bởi vậy mà người đàn ông kín tiếng bậc nhất showbiz này lại sống khá tâm linh và luôn tuân theo nguyên tắc nhà Phật: “Con người có số, ông trời cho ai người đó hưởng, mình có đức, ông trời cho thì mặc sức hưởng”.

NSƯT Hoài Linh
NSƯT Hoài Linh

Thường khóc một mình

Ở vị trí đỉnh cao như bây giờ, điều mà Hoài Linh sợ nhất không phải là mất nghề mà chính là sợ khán giả không còn thương, đồng nghiệp không còn quý mến mình nữa. Hoài Linh có thể sống đạm bạc với bản thân mình nhưng với bạn bè, đồng nghiệp, lâu nay anh vẫn là người hào phóng. Thế nhưng, đâu phải cứ sống tốt là người ta vui vẻ đối tốt lại với mình, cho nên Hoài Linh hay buồn phiền và phải suy nghĩ nhiều về tình người.

Sự nổi tiếng đôi khi cũng khiến Hoài Linh mệt mỏi bởi cái nghề của anh lúc nào cũng có những người bon chen, ganh ghét. Mỗi khi gặp người như vậy, Hoài Linh lại an ủi mình rằng: “Thôi thì bớt bớt gặp người ta cho nhẹ nhàng hơn, cho người ta đỡ ngứa con mắt, mất công họ tốn tiền mua thuốc nhỏ mắt”. 

Hoài Linh luôn tin rằng điều quan trọng nhất với mỗi nghệ sĩ là đạo đức. Cái tài giúp cho bạn thăng hoa trong nghề nghiệp nhưng cái đức mới giúp bạn trụ lại lâu dài. Cũng không ít lần anh bị đồng nghiệp “chơi xấu”, nhưng dù mức độ đến đâu anh đều đón nhận một cách bình thản. Anh quan niệm: “Cuộc đời này cũng như một dòng sông lúc dữ dội, ồn ào, lúc lại dịu êm, có bên lở nhưng lại có bên bồi. Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Cốt sao mình phải sống thật lòng với mình”.

Trước kia, những cái mà Hoài Linh không biết nói cùng ai, lại càng không thể nói trên báo chí thì anh tự cho phép mình được tâm sự với mẹ, anh thấy nhẹ lòng. Nhưng giờ bà đã cao tuổi, có những chuyện trong nghề, nếu có kể thì mẹ cũng không hiểu hết được, cho nên bây giờ, anh chọn cách giãi bày… trước bàn thờ, tâm sự với “bề trên” để “xả” hết mọi muộn phiền, bận tâm.

Trên đời này, Hoài Linh coi trọng nhất là tình nghĩa, nhắc tới ba mẹ, anh khóc, nhắc tới người hâm mộ anh khóc, nhắc tới tình nghệ sĩ anh cũng khóc. Mấy năm trước, anh em nghệ sĩ trong Nụ Cười Mới, rồi người hâm mộ tổ chức sinh nhật cho Hoài Linh, có ba má anh về dự. Trước tình cảm của mọi người, ba mẹ anh cảm động khóc, Hoài Linh cũng khóc tu tu. Sang năm sinh nhật nữa, những người yêu mến anh góp tiền mua tặng anh cái cần câu, Hoài Linh cầm cả cần lẫn câu ra ngoài khóc một mình.

Những lúc Hoài Linh rầu rầu, anh đốt thuốc nhiều và thường đăm chiêu, những nếp nhăn trên trán và đuôi mắt nhăn nhúm lại đến tội nghiệp. Những người quý anh, hiểu anh, hay là người sâu sắc sẽ bảo anh rằng: “Cái mặt của mày cười đó nhưng mà hổng có vui”.  Nghệ sĩ thường có trái tim đa cảm, còn với nghệ sĩ hài thì trái tim có lẽ mong manh hơn, bởi hàng ngày họ phải nói, phải cười, làm cho khán giả vui vẻ, kể cả trong những vai bi. “Thế cho nên làm nghệ sĩ hài là khổ nhứt”, Hoài Linh nghĩ vậy.

“Đôi khi có những tâm tư, tình cảm muốn giãi bày thì những nghệ sĩ khác như ca sĩ, nhạc sĩ thì được tỏ bằng ca khúc, lúc buồn bã họ có thể thể hiện đúng tâm trạng nhân vật. Đối với nghệ sĩ hài thì nhân vật của họ lúc nào cũng phải cười vui để cho khán giả vui. Cho nên cái nỗi buồn của diễn viên hài bị ủ kín hơn người khác nên cũng dễ bị trầm cảm hơn”, nam nghệ sĩ nói.

Lối sống không màu mè

Hoài Linh trước nay vẫn giữ thói quen sau khi diễn xong là lặng lẽ trở về với chiếc tivi và những trang sách, có thời gian rảnh một chút thì đi về các vùng quê câu cá. Nhà hàng, vũ trường, quán xá… tất cả đều xa lạ với con người tưởng như sành đời, đi đây đi đó rất nhiều như Hoài Linh.

Anh nói về sự cô đơn, lặng lẽ của mình đầy triết lý như sự bào chữa cho thói quen sống một mình: “Đó là khoảng lặng cần thiết cho người nghệ sĩ sau những giây phút cháy mình trên sân khấu, là thời gian để ngẫm nghĩ về cuộc đời, về số phận. Con người mà! Có khi nào vui suốt, có bao giờ cười hoài?”.

Trong những cuộc gặp gỡ, Hoài Linh khá lặng lẽ, thậm chí thu mình lại. Anh không thích thể hiện mình và chỉ thích lắng nghe mọi người. Chính lối sống khép kín đó, cùng với việc anh thường xuyên đóng vai giả gái trên sân khấu đã khiến anh chịu đựng nhiều lời thị phi từ người đời. Nhưng đã là nghệ sĩ thì phải chấp nhận bia miệng, chấp nhận những lời đồn đoán. Hoài Linh đã tập được thói quen bỏ ngoài tai những điều đó để sống một cách thoải mái với những gì mình thích, mình muốn.

Hoài Linh tự nhận mình “hiền lành, nhưng không cù lần”. Anh cho rằng: “Mình cảm thấy không giao tiếp được với người “đao to búa lớn” thì mình giao tiếp với bọn em út, buồn buồn thì rủ đi câu cá, thế cũng là bình yên”. Anh vẫn thường hay nói đùa mà thật: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống. Trong cuộc sống mình đừng tỏ ra khôn quá, đừng tỏ ra dại quá. Sống là phải biết, biết cái gì, biết kính trên, nhường dưới, biết điều và đôi khi biết im lặng, biết nói”.

Người ta hình dung về cuộc sống của một ngôi sao với toàn ánh sáng hào quang như: biệt thự sang trọng, xe này, xe nọ, quần áo hàng hiệu, cao lương mỹ vị. Hoài Linh nói “không” với tất cả những thứ đó. Bởi lẽ, bản tính của Hoài Linh đơn giản, không thích se sua, chưng diện. Vì vậy, nếu một ngày, bạn nhìn thấy Hoài Linh trên đường với quần jeans, áo sơ-mi hay thun và chiếc mũ lưỡi trai bình dị, hay nhìn thấy anh ăn những món dưa cà, rau luộc, cá khô…, bạn đừng quá bất ngờ. 

Hoài Linh bảo: “Tôi chưa đi mua quần áo bao giờ. Khi cần, tôi gọi điện nhờ người thân mua giúp”. Tôi thắc mắc ngay: “Anh không đi chọn sao mua được bộ ưng ý?”. Hoài Linh mỉm cười thật nhẹ nhàng: “Tôi có kén chọn bao giờ đâu. Mặc gì cũng được miễn sao vừa vặn thôi”. Có lẽ, cái sự chân chất đó đã ngấm vào anh ngay từ những năm tháng hàn vi và đến giờ vẫn không hề thay đổi.

Có thể có được một sự nghiệp thành công ở hải ngoại nhưng Hoài Linh vẫn chọn gắn bó lâu dài với Việt Nam, vì anh có một sợi dây tình cảm đặc biệt với quê hương, bản xứ, nơi anh đã gắn bó trong suốt những năm tháng ấu thơ. Anh bảo dù đi đâu, cuối cùng anh vẫn chỉ cảm thấy thực sự bình yên khi sống và cống hiến cho khán giả trên mảnh đất quê hương nơi anh đã sinh ra và lớn lên.