NSƯT Trần Nhượng làm diễn viên vì trượt đại học 2 lần

(PLO) - Người ta về hưu là để nghỉ ngơi, sau phần lớn cuộc đời cống hiến. Ấy thế mà khi gặp, NSƯT Trần Nhượng chia sẻ rất thật: “Tớ phải tranh thủ giờ nghỉ hiếm hoi đấy. Về hưu mà bận như có con mọn”. 
NSƯT Trần Nhượng làm diễn viên vì trượt đại học 2 lần
Về hưu… “vác tù và”
NSƯT Trần Nhượng về hưu với quân hàm Đại tá của Trưởng đoàn Kịch Công an nhân dân (CAND). Nhưng như ông nói, nghệ thuật sân khấu như là cái duyên, cái nợ để đời. Mà đã là duyên, nợ rồi thì dứt ra sao được.
Ông đến với vai trò mới, là một người làm công tác bảo tồn, lưu giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống. Lắm kẻ bảo ông rỗi hơi, ôm việc vào người, già rồi còn không lo mà nghỉ ngơi. Ông chỉ cười. Đó là hạnh phúc, mà có lẽ chỉ có ông là hiểu nhất. 
Hồi còn làm ở Đoàn kịch của ngành, được Nhà nước lo cho tất cả rồi, chẳng phải bươn chải vất vả mà chỉ cố hoàn thành cho tốt vai trò chuyên môn, công việc được ngành giao phó. Còn từ ngày sang làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu thì khác. 
Sau 10 năm thành lập, Trung tâm vẫn là đơn vị tự hạch toán trong mọi hoạt động. Tự tìm tài trợ cho công việc nặng nề là bảo tồn, lưu giữ các di sản nghệ thuật sân khấu, đồng thời cũng phải phát huy phát triển nó đi lên. Sân khấu gồm rất nhiều loại hình nghệ thuật, từ Tuồng, Chèo, Cải lương, Rối, Xiếc, Kịch nói… Tức là một khối lượng công việc không nhỏ đòi hỏi phải tham gia xử lí liên tục, kịp thời thì mới đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi đó, nhân sự cho cả Trung tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay nên bản thân Giám đốc nhiều khi còn phải làm cả những công việc của nhân viên bình thường. Trần Nhượng bị cuốn vào vòng xoáy của sự bận rộn cũng là lẽ bình thường.
Bạn bè, người thân nhiều khi muốn gặp Trần Nhượng cũng khó. Lắm người bực quá, bảo ông là kẻ “vác tù và hàng tổng”. Lúc đầu ông nghe thì thấy vui vui. Dần dần, những phút rảnh rỗi hoặc áp lực công việc quá cao,ngồi suy ngẫm, ông thừa nhận mình có cảm giác ấy thật. Nhưng nghĩ thì nghĩ thế, làm thì vẫn phải làm. Đã nhận trọng trách rồi, ông không thể không làm.
Trần Nhượng đang là Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Công việc làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu là nhiệm vụ được Hội giao. Được tin tưởng giao phó đã đành, cả đời Trần Nhượng cũng dành hết tình yêu, niềm đam mê cho nghệ thuật sân khấu rồi. Như ông bộc bạch, bây giờ không “làm” sân khấu, ông như kẻ vô dụng, chẳng còn biết làm gì nữa.
Ông đau đáu vì  cả một kho nghệ thuật, những di sản nghệ thuật sân khấu do tiền nhân để lại sẽ bị mai một dần nếu không lưu giữ, bảo tồn. Để thất lạc những giá trị tinh thần vô giá đó quả thực rất đáng tiếc, thậm chí là có tội với các đời sau. 
Ông cho rằng công việc này thật sự có ý nghĩa xã hội cao và tính nhân văn sâu sắc. Vì thế nên không ít lần ông phải bỏ tiền túi ra lo việc công. May mắn là bà xã Trần Nhượng lại là người hiểu và ủng hộ cho công việc của ông nhất. Đã không ít lần vợ ông còn đưa cho chồng tiền, vàng mà bà tích góp để Trần Nhượng được làm công việc mà có thể nói đã gắn bó với cuộc đời mình từ thời trẻ đến tận bây giờ, đó là nghệ thuật sân khấu.
Nghề là duyên, là nợ
Trần Nhượng cho rằng một diễn viên giỏi không thể thiếu tài năng. Mình đọc kịch bản, sống cùng nhân vật và vận dụng tài năng, kinh nghiệm tích lũy đời sống để diễn xuất. Tài năng này có thể là trời phú, cũng có thể là tự học. Tốt nhất là trời phú rồi trau dồi, rèn dũa và có ý thức phấn đấu.
Có lẽ chính vì thế Trần Nhượng luôn thể hiện tốt mọi vai diễn, từ hiền lành như những người thầy giáo, anh bộ đội, anh thương binh đến những vai phản diện. Với ông, đó như một sự thể nghiệm của người nghệ sĩ. Nhưng để có được sự thể nghiệm trong vai trò là một diễn viên, với ông là cả một chặng đường, gói gọn bằng hai chữ “Duyên” và “Nợ”.
NSƯT Trần Nhượng kể, hồi còn cắp sách đến trường, chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sỹ. Cái nghề đó như là một điều gì đó vô cùng xa lạ, ít được biết đến, nhất là với những đứa trẻ ở vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Hưng (cũ). Ước mơ của cậu bé Nhượng là trở thành một kỹ sư, bác sỹ gì đó để thỏa mong mỏi của bố mẹ.
Ao ước đó được vun đắp dần qua những lần Trần Nhượng tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Hải Hưng, và thậm chí là thi học sinh giỏi toàn quốc. Nhưng có một điều kỳ lạ không chỉ Trần Nhượng, mà cả người thân, bạn bè, thầy cô cũng không thể cắt nghĩa được, ông học giỏi là thế nhưng thi đại học đến 2 lần mà vẫn trượt. 
Khi ông mông lung, chán nản nhất thì Đoàn Ca múa kịch Hải Hưng về quê Trần Nhượng tuyển sinh. Thấy người đến xem tuyển diễn viên đông như trẩy hội, Trần Nhượng không nén nổi tò mò của tuổi trẻ. Đến lúc chiêu sinh, trong lúc mọi người đang nhốn nháo thì cậu bạn thân đi cùng bất ngờ đẩy ông về phía Ban giám khảo và hét to: “Bạn này muốn thi tuyển”. 
Tự nhiên bị đẩy ra giữa sân khấu, xung quanh là sự reo hò của mọi người và ánh mắt ngạc nhiên của bạn bè, người thân, Trần Nhượng vừa bất ngờ, vừa xấu hổ nên ôm mặt chạy về phía đám đông. Nhưng mới chạy được vài bước, ông được một người trong đoàn kịch kéo áo giữ lại. 
Đến bây giờ, sau hơn 40 năm, NSƯT Trần Nhượng vẫn không cắt nghĩa được tại sao người đó lại kéo ông lại, rồi yêu cầu ông diễn thử. Yêu cầu mãi, Trần Nhượng không đồng ý, cuối cùng mấy người trong đoàn kịch phải chạy đến “nhờ” ông diễn một vai để mở màn. Lấy hết mạnh dạn, ông chấp nhận thi thử. Đó là khoảnh khắc bước ngoặt cho cuộc đời ông, mà ông luôn coi đó là cái duyên, cái nợ sâu sắc với cái nghiệp này. 
Ngay hôm đó, ông trúng tuyển vào Đoàn ca múa kịch Hải Hưng sau hai vòng thi tuyển. Chuyện như đùa đồn nhanh trong làng, đến tai bố mẹ Trần Nhượng khi ông còn chưa kịp chạy về thông báo. Bố mẹ ông phản đối kịch liệt và yêu cầu con trai tiếp tục theo con đường bút nghiên để trở thành nhà khoa học.
Biết nội quy của Đoàn yêu cầu ba năm đầu không được xây dựng gia đình để toàn tâm, toàn ý phục vụ công việc, bố ông đã nghĩ ra cách bắt ông cưới vợ ngay lúc đó để Đoàn không nhận nữa. Cực chẳng đã, Trần Nhượng phải cầu cứu các anh chị trên Đoàn. Cuối cùng, tất cả đi đến một quyết định, đó là Đoàn Ca múa kịch Hải Hưng vẫn chấp nhận Trần Nhượng vào Đoàn khi gia đình ép phải lấy vợ. 
Sau ngày “định mệnh” đó, Trần Nhượng ở Đoàn Ca múa kịch Hải Hưng được khoảng mười năm thì chuyển lên Đoàn kịch CAND. Sau đó, thành công liên tục đến với ông. Ông được phong NSƯT. Ông lại “lấn sân” sang điện ảnh, và những bộ phim như: Đêm hội Long Trì, Những ngôi sao nhỏ, Ai giận ai thương, Tình yêu và vực thẳm của Phim truyện nhựa Việt nam và hàng chục phim, kịch truyền hình khiến ông được khán giả khắp cả nước biết đến. Rồi ông còn tổ chức cả những chương trình truyền hình cùng Đài Truyền hình Việt Nam, HTV, Điện ảnh Quân đội… 
Và từ đó đến nay, làm nghệ thuật, cống hiến cho nghệ thuật đã quá lâu, với NSƯT Trần Nhượng, khó có thể tìm đến được điểm cuối khi vẫn còn sức để cống hiến./.