Suy nghĩ cả đêm quyết định gạt bỏ nỗi sợ
Gặp cô gái tên Cáp Thị Yến (1999, Hưng Yên) vào sáng 12/8 khi đang thực hiện các bước sàng lọc kiểm tra chờ hiến huyết tương, không ngần ngại cô gái chia sẻ bản thân đã cố gắng gạt bỏ nỗi sợ hãi để đăng ký hiến huyết tương giúp điều trị bệnh nhân Covid-19.
Yến là du học sinh Anh, về Việt Nam hồi cuối tháng 3 và được cách ly tập trung ngay tại tỉnh Bạc Liêu. Sau khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2, cô gái 21 tuổi trở thành bệnh nhân số155 mắc Covid-19 tại Việt Nam, chuyển về điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Yến được công bố khỏi bệnh ngày 13/4, cách ly tại viện thêm 2 tuần sau khỏi bệnh. Và cho đến đầu tháng 5, Yến chính thức hết cách ly và đã khỏi bệnh hoàn toàn.
|
Cáp Thị Yến, cô gái từng mắc Covid-19 và đã được điều trị khỏi đã đăng ký hiến huyết tương. Ảnh: Ngọc Nga |
Biết đến thông tin kêu gọi những người đã khỏi Covid-19 đi hiến huyết tương để cứu những người mắc Covid-19, đặc biệt trong thời điểm hiện nay dịch đang bùng phát trở lại và có một số bệnh nhân không may mắn đã tử vong, Yến đã nhớ đến những ngày mình điều trị tại cơ sở y tế được các bác sĩ và mọi người quan tâm, giúp đỡ tận tình, vì vậy cô gái trẻ tuổi mong muốn làm một việc gì nhỏ để góp phần vào công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam.
“Sau khi đọc được thông tin kêu gọi những người từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh đi hiến huyết tương tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Vì tôi rất sợ máu, chỉ cần là lấy máu xét nghiệm tôi đã sợ và khóc rất nhiều. Nhưng sau 1 đêm suy nghĩ, tôi nhận thấy tình hình dịch tại Việt Nam số người mắc đang tăng lên, vì vậy tôi đã quyết định gạt bỏ nỗi sợ hãi để đi hiến huyết tương cứu những bệnh nhân khác”, Yến chia sẻ.
Nhớ lại quá trình nhận kết quả dương tính cho đến khi kết thúc tự cách ly, cô tâm sự: “Từ khi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 cho đến khi điều trị và khỏi bệnh tôi trải rất nhiều cung bậc cảm xúc. Ngay từ khi biết tin tôi đã rất bất ngờ, và lúc đó đã lo lắng tới phát khóc, vì bản thân suy nghĩ rằng tại sao có rất nhiều người mà tôi lại là người bị nhiễm. Trong quá trình điều trị rất may mắn tôi không có biểu hiện bệnh rõ ràng, nhưng mỗi ngày thức dậy đều thấy lo lắng vì sợ rằng không biết ngày mai mình sẽ có triệu chứng gì hay không? Đó chính là một phần động lực để tôi quyết định đăng ký hiến huyết tương”.
Sau ra viện, hoàn thành 14 ngày tự cách ly tiếp tục theo dõi sức khỏe, Yến vẫn cập nhật tin tức về tình hình dịch Covid-19 hàng ngày. Những câu chuyện về các ca bệnh nặng không thể qua khỏi, về sự vất vả của đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu đã thôi thúc nữ sinh hành động.
“Tôi cũng mong muốn, kêu gọi các bệnh nhân đã khỏi bệnh giống tôi, nên đi hiến huyết tương để giúp những người đang mắc bệnh có cơ hội được chữa khỏi. Bởi khi bản thân chúng tôi mắc bệnh đã nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các y, bác sĩ, và lúc này là lúc chúng tôi có thể đóng góp những gì mình có cho đất nước”, Yên chia sẻ.
Trong ngày 12/8, Yến đã được làm tất cả xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B, lao, giang mai,….và các yếu tố viêm, các yếu tố chống đông để bảo đảm sản phẩm máu thực sự sạch, an toàn. Dự kiến, cô sẽ nhận kết quả trong từ 1 đến 3 ngày tới để biết chính xác có đủ điều kiện thực hiện hiến huyết tương hay không.
Hiến huyết tương không ảnh hưởng đến sức khỏe
Cũng trong sáng 12/8, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 4 trường hợp khỏi Covid-19 khác tới xét nghiệm sàng lọc để hiến huyết tương. Đặc biệt có một trường hợp xa nhất từ TP HCM bay ra Hà Nội từ đêm trước để đăng ký hiến huyết tương là một phụ nữ người Mỹ 50 tuổi.
|
Một phụ nữ người Mỹ 50 tuổi sáng nay (12/8) cũng đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lấy mẫu sàng lọc để chờ hiến huyết tương. Ảnh: Ngọc Nga |
Theo BSCKII, Vũ Thị Thu Hương, Khoa khám bệnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng người đăng ký hiến huyết tương để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là 17 người, trong đó đã có 2 người được lấy huyết tương và đã có 9 người sàng lọc chờ hiến.
Cũng theo bác sĩ Hương, người đăng ký hiến huyết tương sẽ trải qua quá trình sàng lọc kỹ, phải được chẩn đoán, xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B, lao, giang mai… và phải có kết quả âm tính với các virus trên. Ngoài ra, người đủ điều kiện hiến huyết tương phải có độ tuổi từ 18-65, nặng trên 50 kg với nam và trên 45kg với nữ. Đặc biệt, với phụ nữ không lựa chọn những người đã mang thai nhiều lần (quá 3 lần) và có những biểu hiện bệnh khác như rối loạn đông máu.
Số lượng huyết tương tách để lấy là 600ml, sau khi lấy huyết tương người hiến sẽ được truyền bù lại lượng dịch để đảm bảo sức khỏe. Thời gian lấy huyết tương sẽ mất khoảng 2 tiếng, sau khi tách xong người hiến sẽ được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.
“Việc hiến huyết tương hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người hiến. Bởi huyết tương được tách ngay trong quá trình lấy và những yếu tố khác như: hồng cầu, tiểu cầu… sẽ được “đưa trả” cơ thể người hiến. Bệnh viện cũng sẽ truyền bù dịch sau khi lấy huyết tương và theo dõi sức khỏe người hiến tới 24h sau hiến”, bác sĩ Hương cho biết.
Huyết tương sau khi được tách ra, đảm báo điều trị cho bệnh nhân sẽ được dự trữ, bảo quản ở nhiệt độ âm từ 18-25 độ C kể cả trong quá trình vận chuyển cũng phải được bảo quản ở nhiệt độ âm và huyết tương này có thể sử dụng trong vòng 12 tháng.