Khác với tên gọi Thùy Dương đầy nữ tính, đối tượng có ngoại hình nhỏ thó, thô kệch, mặc quần áo đàn ông, tay, cổ có nhiều hình xăm loang lổ. Để có tiền tiêu xài, Dương đi mua CMND từ các tiệm cầm đồ hoặc trôi nổi ngoài thị trường, Dương khéo léo cắt dán hình mình vào rồi đem ép nhựa sau đó thực hiện hành vi lừa đảo. “Con mồi” mà Dương nhắm đến là những công ty cho thuê thiết bị phục vụ các sự kiện.
Sau khi làm giả CMND mang tên Bùi Thị Phương Linh, Dương đã sử dụng CMND này liên hệ với một công ty cung cấp thiết bị truyền thông H.T thuê 5 tivi, 3 ipad, 3 laptop (tổng trị giá 90 triệu đồng) để phục vụ cho hội nghị. Để làm tin, Dương đặt cọc CMND mang tên Linh và 4,8 triệu đồng cho “đối tác”.
Khi có tài sản trong tay, Dương đem bán được gần 28 triệu đồng sử dụng với mục đích tiêu xài cá nhân. Trước khi lừa công ty trên, Dương đã sử dụng một chứng minh nhân dân giả khác lừa một cửa hàng khác một bộ máy ảnh bán được gần 36 triệu đồng, 6 tivi bán được gần 22 triệu đồng cho đến khi bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Dương khai còn thực hiện hành vi lừa đảo trên với một số công ty khác chiếm đoạt gần 200 triệu đồng.
Trước các vụ lừa đảo của đối tượng Dương, Công an quận 1 (TP HCM) cũng triệt phá một nhóm đối tượng sử dụng CMND giả đến các bưu điện rút tiền. Các đối tượng gồm Hà Thị Nga (37 tuổi) và Nguyễn Hữu Trọng (27 tuổi, cùng quê Long An). Hai đối tượng này nằm trong đường dây lừa đảo do Tống Hoàng Khải (29 tuổi, quê Tiền Giang) cầm đầu. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng CMND giả đến các bưu điện làm thủ tục rút tiền, mỗi phi vụ các đối tượng rút từ 30-40 triệu đồng. Tổng cộng các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP HCM khuyến cáo, việc sử dụng CMND giả để lừa đảo tại TP HCM khá phổ biến. Các đối tượng thường sử dụng loại CMND giả này để mua hàng, lừa đảo các công ty, ngân hàng và sử dụng những CMND này làm tin để thực hiện các trò lừa đảo. Việc kiểm chứng người sử dụng CMND và CMND chưa được các công ty, hay người giao dịch còn lỏng lẻo nên nhiều người đã rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Việc thay đổi CMND (9 số) thành Thẻ căn cước (12 số) sẽ phần nào giảm các vụ án lừa đảo thông qua CMND. Tuy nhiên, thời gian này việc CMND và thẻ căn cước đều được sử dụng nên điều cần thiết là khi tiến hành giao dịch, người dân cần kiểm tra kỹ CMND, nếu nghi ngờ CMND có dấu hiệu làm giả thì phải ngưng giao dịch và báo với cơ quan chức năng.