Sau khi rời trường Đại học, bước chân vào làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, khái niệm TGPL đối với bà Diệu vẫn còn khá mới mẻ. Nhưng dần dần, được tiếp xúc với những câu chuyện vừa buồn, vừa thương, lo cùng nỗi lo của những người có quyền lợi bị xâm phạm, vui cùng niềm vui sau mỗi lần bảo vệ được quyền lợi của người yếu thế, việc trở thành trợ giúp viên pháp lý đã trở thành niềm mơ ước, động lực phấn đấu để bà Diệu tận tâm, miệt mài và sẵn sàng cống hiến.
Bà chia sẻ: “Thực hiện TGPL giờ đây là công việc hàng ngày, không còn cảm giác lo lắng hay hồi hộp như thuở ban đầu mà là sự đam mê, tận tâm, lấy hiệu quả công việc là niềm vui nghề nghiệp. Cái gọi là “thắng” qua mỗi vụ việc TGPL không còn chỉ là “đòi” được gì cho người được TGPL mà còn là sự khẳng định vai trò của TGPL trong đời sống xã hội”. Không thể nhớ chính xác hết tất cả những người đã được mình TGPL, tuy nhiên trong quá trình thực hiện TGPL có những vụ việc, những người được TGPL thực sự khiến bà Diệu nhớ mãi.
Trong đó, vụ việc để lại ấn tượng sâu sắc nhất là vụ kiện yêu cầu chia thừa kế của bà V.T.H (84 tuổi, trú tại phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ). Theo lời kể của bà Diệu, hoàn cảnh gia đình của bà V.T.H rất khó khăn với 2 người con gái và 1 người con dâu là người khuyết tật. Mặc dù tuổi đã cao, song người con trai thứ 2 của bà lại đang tranh chấp đất đai với mẹ và anh em. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho gia đình, bà đã đề nghị Trung tâm TGPL tỉnh cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí đối với bà V.T.H.
“Đặc biệt vì đây là vụ việc tranh chấp gia đình nên tôi cũng trực tiếp gặp người con trai thứ 2 để động viên hòa giải, nhưng gia đình người con đã không đồng ý nên phải có phán quyết cuối cùng của Tòa án Nhân dân. Ngoài ra, đối với gia đình có người khuyết tật, tôi cũng đề nghị Tòa áp dụng đầy đủ các biện pháp hỗ trợ như miễn án phí, lệ phí… Và đến bây giờ, Tòa án Nhân dân các cấp đã có một số hoạt động phiên tòa xét xử và làm rõ vụ việc tranh chấp” – bà Lê Thị Diệu cho biết.
Đã gần 15 năm với nghề TGPL, bà Lê Thị Diệu đã tham gia tố tụng 177 vụ việc, trong đó có 115 vụ việc TGPL thành công hiệu quả. Rất nhiều vụ việc được chuyển tội danh, khung hình phạt theo hướng có lợi cho người được TGPL so với đề nghị của Viện Kiểm sát. Trong lĩnh vực hình sự, một số vụ việc do bà làm trợ giúp viên pháp lý đã chuyển khung hình phạt như chuyển từ khoản 2 (khung hình phạt từ 7 -15 năm) xuống khoản 1 (khung hình phạt từ 2 đến 7 năm) theo quy định tại Điều 194 BLHS 1999; như trường hợp Lường Văn Khan (Bản Vánh, Chiềng Đông, Tuần Giáo); Sùng A Sử (Chuyên Gia 2, Nậm Kè, Mường Nhé); Lò Văn Bóng (Quài Tở, Tuần Giáo)… Đối với vụ việc TGPL được chấp nhận để quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt: Lường Văn Xuân (Búng Lao, Mường Ảng) tội giết người; Hù Thị Sai (Mường Phăng, TP Điện Biên phủ) tội Tàng trữ trái phép chất ma túy…
Theo bà Diệu, để làm cho người được TGPL hiểu được quy định của pháp luật, sự phù hợp của “tình” với “lý”, đòi hỏi Trợ giúp viên pháp lý bên cạnh trách nhiệm nghề nghiệp còn cần sự tâm huyết, tận tâm. Đối với bà, niềm vui và vinh dự góp công sức nhỏ bé của mình vào việc xóa nghèo pháp luật; giúp những người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình là động lực để những người trợ giúp viên pháp lý không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Diệu đã trực tiếp giúp Giám đốc Trung tâm đôn đốc, theo dõi các hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm như: Tham mưu cho Giám đốc Trung tâm về nghiệp vụ TGPL; Cộng tác viên TGPL, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng; trực tiếp phụ trách hoạt động của Chi nhánh số 2, huyện Mường Chà; Chi nhánh số 5, huyện Mường Nhé; thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý với tư cách là Trợ giúp viên pháp lý: Thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, truyền thông về TGPL... theo sự phân công, chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm.
Với những đóng góp của mình, bà Lê Thị Diệu đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen của UBND tỉnh theo chuyên đề năm 2011, Bằng khen của UBND tỉnh năm 2013; Bằng khen của UBND tỉnh năm 2017; Bằng khen của Bộ Tư pháp năm 2018; hàng năm đều được Giám đốc Sở Tư pháp tặng Giấy khen.