Nước mắt của cô giáo trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cô gái ấy ngồi bên hiên nhà, đôi bờ vai khẽ run lên nức nở. Cô đang khóc, nhưng âm thanh nghẹn ngào không thoát ra khỏi cổ họng. Cô định bụng ngồi đấy một lát, nước mắt rơi hết cho khuây khỏa, rồi cô sẽ lau nước mắt và bước vào nhà, như chưa hề có chuyện buồn nào xảy ra.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô gái ấy đang mặc một chiếc áo dài màu xanh da trời có điểm mấy cánh cúc dại trắng tinh khôi. Đó là chiếc áo dài cô cực kì yêu thích. Mẹ đã tặng nó cho cô ngày cô chính thức đứng trên bục giảng, thành người kế nghiệp của mẹ, một “người đưa đò”.

Nhưng chiếc áo dài ấy giờ đây đang lấm lem bẩn. Nếu là mọi khi, cô sẽ nhanh chóng đi gột sạch, sợ màu đất bùn để lâu sẽ khó phai đi. Nhưng chiều nay cô chẳng muốn làm gì hết. Chỉ muốn ngồi ở hiên nhà, dưới bóng cây sung già để nước mắt lăn dài, mong vơi bớt nỗi niềm chất chứa trong lòng. 

Ngày hôm nay là một ngày dài và nặng nề biết mấy. Sáng hôm ấy, khi cô đang đứng trên bục giảng thì người nhà học sinh kéo đến tận cửa lớp, đòi cô ra nói chuyện phải trái. Rồi họ kéo cô lên văn phòng ban giám hiệu. Tại đây, cả cha mẹ, gia đình em học sinh thi nhau tố cáo cô. Em học sinh đứng đó, mặt câng câng nhìn cô thách thức. Cô chỉ biết sững người khi sự việc như thế rơi xuống đầu mình.

Ngày hôm trước, cô phát hiện em học sinh ấy cùng một số nam sinh đang xúm nhau giật tóc một bạn nữ trong lớp. Bạn nữ khổ sở, né tránh, còn các bạn nam cứ làm càn xông đến. Cô đã nghiêm giọng, yêu cầu các học sinh nam không được hành xử như thế với bạn học.

Thế là chúng nói với cô: “Không giật tóc bạn thì tụi em giật tóc cô được không”? Cô gái trẻ đã rất tức giận trước thái độ xấc xược ấy. Cô yêu cầu ba em học sinh quỳ trên bục giảng suốt 15 phút đầu của tiết học, vừa quỳ vừa nghe giảng. Cô nghĩ, có lẽ nên mời phụ huynh lên làm việc để nhà trường và gia đình phối hợp uốn nắn các em.

Ấy thế mà cô chưa kịp mời họ đã đến. Còn rất hùng hổ. Họ bảo, con họ ở nhà sức khỏe yếu, họ còn không dám đánh, mắng tiếng nào. Thế mà cô giáo nỡ lòng nào bắt con họ quỳ cả nửa tiết học. Chân và đầu gối con họ sưng to, khiến em không đi học nổi, về nhà cứ khóc mãi. Cô gái trẻ nghe mà ngỡ ngàng.

Kết thúc màn chửi mắng, bắt vạ ấy, nhà trường yêu cầu cô giáo phải xin lỗi gia đình em học sinh nọ và cam kết không tái phạm hành vi “có tính chất bạo lực” đối với học sinh. Người nhà học sinh hả hê ra về. Cô gái trẻ khi lầm lũi dắt xe ra khỏi sân trường vắng lặng, một nhóm học sinh nam gần đó hú lên chế giễu, lấy bùn trong sân trường ném vào vạt áo cô. Cô giáo nhận ra vài em trong số đó là học sinh đã bị cô bắt quỳ hôm trước.

Cô giáo chỉ là một cô gái trẻ hơn hai mươi. Cô ra trường cũng mới hơn một năm. Cô muốn đem những gì mình đã học ở giảng đường, những gì mình đã nghiên cứu, học hỏi truyền đạt cho các em học sinh. Cô là một cô giáo dạy văn đầy nhiệt huyết nhưng cũng đầy mẫn cảm…

Khi bờ vai vẫn còn run lên nức nở, bỗng một bàn tay ấm áp đặt lên mái tóc cô. Một người khẽ khàng ngồi xuống bên cô. Đấy là bà giáo, mẹ cô. Người phụ nữ có 30 năm trong nghề giáo, nay đã về hưu. Chồng mất, bà có 3 đứa con, nhưng 2 đứa đầu đã thành đạt, sống ở thành phố lớn. Chỉ có con gái út đi theo nghề của mẹ.

Hồi ấy, chồng mới mất, con gái út còn nhỏ, bà giáo thường đưa con đến trường nơi mình dạy học. Cô bé út nhỏ xinh sẽ đi thơ thẩn trong sân trường trong lúc mẹ dạy, hay được kê chiếc ghế nhỏ ngồi ở cuối lớp, lúc thì lắng nghe lời giảng, dù chẳng hiểu gì, lúc thì khẽ ngủ gật trong lớp học.

Có lẽ, những ngày tháng ấy đã khiến trong lòng cô thấm sâu tình yêu đối với nghề giáo lúc nào chẳng hay. Ngày tốt nghiệp được mẹ tặng bó hoa, ngày đầu tiên đứng trên giảng đường nhìn xuống ánh mắt học sinh lấp lánh bên dưới, đều là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời cô. 

Giờ đây, cô đang tựa đầu vào vai mẹ khóc òa. Bà giáo lặng im để con khóc, rồi cũng lặng im nghe cô giáo trẻ kể lại những gì cô đã trải qua hôm nay. Cô nức nở hỏi: “Con chỉ muốn phạt học sinh nghiêm nghiêm một tí để sau này các em không phá nữa. Con chỉ muốn các em có ý thức hơn, ngoan lên, như thế là sai sao mẹ”?

Bà giáo khẽ trả lời: “Con không sai nhưng con không khéo. Có nhiều cách để uốn nắn các em, thay vì phạt quỳ hay dùng bạo lực”. Cô gái trẻ ngước đôi mắt còn lóng lánh nước, hỏi mẹ: “Ngày xưa con vẫn thấy mẹ phạt học sinh, còn phạt nặng hơn thế nhưng các anh chị vẫn thương, vẫn quý mẹ, ra trường vẫn quay lại cảm ơn sự dạy dỗ nghiêm khắc mà thương yêu của mẹ. Còn con, tại sao họ đối xử với con như thế?”.

Bà giáo già khẽ vuốt tóc con gái. Con gái bà học rất giỏi, tấm lòng đối với mọi người rất nhiệt thành. Bà khẽ khàng nói với con gái: “Thời của mẹ đã xa. Giờ đây mọi thứ đã khác xưa nhiều lắm”. Thời của bà giáo không có internet, không có những thiết bị điện tử mà học sinh có thể quay lén, ghi trộm giáo viên và tung lên mạng bất cứ lúc nào. Thời của bà không có cái gọi là “cộng đồng mạng” có thể tấn công và dìm chết một người thầy trong sự phẫn nộ của họ, bất chấp nguyên do thực sự của sự việc.

Thời của bà, thầy cô phạt học sinh, phụ huynh còn phải đưa con lên trường xin lỗi. Những năm bà sắp về hưu, đã chứng kiến bao sự đổi thay. Có lần bà gặp cảnh phụ huynh còn kéo lên trường hành hung giáo viên vì dám lấy thước khẽ tay học sinh.

“Vậy con phải thờ ơ, phó mặc các em sao mẹ. Để cho các e muốn hành xử ra sao thì ra hay sao?”, cô giáo trẻ hỏi một cách buồn rầu. Bà giáo già lắc đầu. Dù là thời đại đã khác đi nhiều thì tấm lòng người thầy vẫn phải vẹn nguyên không đổi. Vẫn cần coi giáo dục học sinh là sự nghiệp của đời mình. 

Chỉ là, thời cuộc đã khác thì cách giáo dục cũng phải khác đi. Người giáo viên cũng phải khéo léo, linh động hơn trong cách xử lý vấn đề của học sinh và phụ huynh thay vì đòn roi hay những hình phạt nặng nhẹ.

Còn rất nhiều, rất nhiều điều mà cô giáo trẻ cần phải học trên chặng đường “trồng người” của mình. Bà giáo già khẽ khàng nói trong ánh nắng chiều. Cô giáo trẻ hiểu rằng, con đường mà cô đang đi không chỉ trải đầy hoa hồng mà còn rất nhiều nước mắt. Nhưng dường như, càng hiểu nó, cô lại càng gắn bó và yêu thêm cái nghề vất vả của mình.

Đọc thêm