Nước mắt mùa thi: Nếu “lỡ hẹn”, hãy ngẩng cao đầu bước tiếp

(PLVN) - Năm nào cũng thế, kì thi trung học phổ thông quốc gia luôn kéo theo cả xã hội vào cuộc như ra trận. Cuối cùng gần 900 sĩ tử đã trải qua những ngày thi sinh tử, những nước mắt, những nụ cười…
Nước mắt mùa thi, phụ huynh đừng bắt mỗi cô cậu 18 “gánh” quá sức
Nước mắt mùa thi, phụ huynh đừng bắt mỗi cô cậu 18 “gánh” quá sức

Tất cả đều… “ra trận”

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm nay, kì thi về cơ bản chỉ điều chỉnh một số thay đổi như: trường Đại học/Cao đẳng phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường Đại học/Cao đẳng thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, GDTX thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT; Bộ Giáo dục và đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm thi trắc nghiệm, do các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi. 

Đơn cử, tại Hà Giang có tới 4 vòng bảo vệ, 200 cảnh sát trực chiến an ninh thi THPTQuốc gia bao gồm: Khu vực in sao đề thi được bảo vệ nghiêm ngặt với 4 vòng bảo vệ, 20 điểm thi mỗi nơi lắp 2 camera cùng khoảng 200 công an được tỉnh Hà Giang huy động để bảo vệ an ninh cho kỳ thi THPT quốc gia 2019… Cùng với đó, hàng ngàn thầy cô từ các trường đại học về các địa phương (63 điểm thi) nhằm “chia lửa” với kì thi này…

Có con thi THPT quốc gia năm nay, chị Bùi Thanh Thủy (Mỹ Lộc, Hà Nam) gầy rộc đi vì sụt mất 4kg. Chị lo chẳng biết “12 năm đèn sách” của con có “nên cơm nên cháo” gì không. Lý do chị sụt cân nhiều như vậy là do năm nay 2 con của chị đều trải qua những kỳ thi quan trọng. Cậu con trai bé thi vào trường THCS top đầu của huyện. Nhưng điều khiến chị lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng là cậu con trai cả “vượt vũ môn”.

Bởi cả nhà kỳ vọng vào cậu con trai cả, vào “cháu đích tôn” của dòng họ. Ai cũng mong con đỗ đạt cao, đúng với “nguyện vọng của con và của bố mẹ”.  Trước đây nguyện vọng 1 của con là trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chị nghe nói sinh viên trường này ra trường không lo thất nghiệp, chưa kể thu nhập khá cao. Thế nhưng, giờ đây, chị quyết định đổi nguyện vọng 1 của con sang ĐH Y Hải Phòng. Lý do là nhà chị có nhiều người làm trong ngành y, cũng rất thuận lợi cho công việc của con sau này… 

Làm lại, được không?

Một thầy giáo nhớ lại: “Tôi đã lập biên bản đình chỉ thi một nữ sinh 5 năm về trước. Em bị đình chỉ thi vì mang tài liệu vào phòng thi môn Ngữ văn, khi tôi làm giám thị một hội đồng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hôm ấy, trông nữ sinh này rất lạ. Em có vẻ ngoài hiền lành nhưng vẻ mặt lại lấm lét từ khi xếp hàng vào phòng thi. Đồng nghiệp của tôi, giám thị số 2, đã để ý em vì thái độ khác các bạn. Cô kiểm tra và phát hiện những mẩu giấy photocopy bé xíu in những bài văn mẫu trong hộc bàn.

Theo quy chế, mang tài liệu vào phòng thi dù xem hay chưa xem cũng phải lập biên bản và đình chỉ thi. Khi chúng tôi lập biên bản, mặt cô bé tái xanh, run lập cập, nước mắt lã chã: “Xin thầy cô tha cho em. Em chỉ mới đem, em chưa xem gì cả, em sợ không tốt nghiệp loại giỏi thì bố mẹ từ em”. Lát sau, mẹ và bà ngoại em vội vã đến trường. Mẹ em mặc trang phục công sở rất trí thức và lịch sự, chị cũng thổn thức trong nước mắt: “Xin thầy cô tha cho cháu, cho cháu một cơ hội. Cháu lỡ dại, cháu là học sinh giỏi 12 năm liền, nay bị cấm thi chắc chị chết mất không dám nhìn ai”.

Bà ngoại thì cứ đứng ôm, vỗ về trong khi cô bé thất thần, cúi gằm không dám nhìn bạn bè xung quanh. Hết giờ thi môn Văn, đến tận giờ nghỉ giải lao buổi trưa, gia đình em vẫn nán lại cổng trường để trông mong một cơ hội. Nước mắt của họ vẫn không ngừng rơi. Cả Hội đồng thi áy náy, không nuốt nổi bữa ăn trưa. Tôi thấy cay đắng nhất là tài liệu thu được không liên quan đến đề bài. Nữ sinh đó là học sinh giỏi 12 năm liền, đạt giải hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh, gia đình và nhà trường đặt rất nhiều kỳ vọng vào em.

Bố mẹ em đã yêu cầu con phải đạt thứ hạng cao, mục tiêu đặt ra là bắt buộc tốt nghiệp loại giỏi - như mọi cột mốc từ bé đến giờ phụ huynh đặt ra cho em. Nhưng lần này, em đã không vượt qua được. Em sẽ vẫn được thi lại năm sau, nhưng một năm tuổi xuân bị bỏ lỡ, cũng như nước mắt và sự ân hận, danh dự và lòng tự trọng của em trước bạn bè thì có lẽ rất lâu mới bớt tổn thương. Giá như phụ huynh không quá áp lực với em, giá như họ tạo cho em một tâm lý thoải mái”...

Trách phụ huynh tạo áp lực quá lớn cho con em, nhưng tôi cũng chia sẻ với các bậc cha mẹ. Bởi, hiện nay ở Việt Nam, những kỳ thi vẫn là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực, quyết định cho tương lai số đông. Từ bé tý, trẻ em đã phải vượt qua kỳ thi tuyển vào lớp Một, lớp chọn, rồi thi vào lớp 6, thi tuyển sinh lớp 10, và đến lớp 12 thì được ví von là kỳ thi quyết định cả một đời người. 

Ở góc độ khác, anh Chánh Văn, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng bày tỏ quan điểm: “Mặc dù nhiều người cứ hay nói: Đại học không phải là con đường duy nhất để đến với thành công. Nhưng tôi vẫn nói với 3 đứa con mình rằng: Đại học là một thử thách mà bố mẹ muốn các con vượt qua. Tôi vẫn tin rằng một sinh viên đại học thì vẫn tốt hơn phần còn lại.

Dù đến khi vào đại học rồi, thứ chúng ta học nhiều khi chữ thầy trả thầy, quên hết. Nhưng môi trường đại học luôn là môi trường tốt hơn cả cho sự trưởng thành. Tất nhiên, nếu vì lý do bất khả kháng, tôi vẫn cứ phải chấp nhận và cùng chúng bàn tính giải pháp khác. Không vì thế mà tôi phải ép chúng cho bằng được hay tính chuyện mua điểm cho chúng”. 

Trong 74.000 thí sinh Hà Nội đi thi, sẽ có những thí sinh trượt dù đã vào Văn Miếu xoa đầu rùa hay sờ chim hạc. Nhưng không như những đứa trẻ 15 tuổi trượt vào 10, những đứa trẻ 18 tuổi trượt đại học (hay cả trượt tốt nghiệp) sẽ bước sang ngã rẽ khác không khiến tôi buồn lòng hay rầu rĩ.

Vì 18 tuổi, chúng sẽ tự quyết định được con đường chúng sẽ đi tới. Có thể phục thù vào năm sau hoặc có thể bắt đầu một công việc. Dù là thế nào, xin hãy cứ hiên ngang mà bước tiếp. Đừng cúi đầu. Đừng đau khổ. Đừng cho là mình là kẻ thất bại, thua cuộc. Cứ thẳng lưng cho thẳng lòng mà thẳng bước. Cha mẹ xin hãy đừng vì con trượt mà để con mình trượt dài. 

Thị trường ăn uống đang khan hiếm nhân viên trầm trọng khi mà Grab đã hút sạch những sinh viên.  Hay như ngành khách sạn. Mỗi khách sạn mở ra trung bình cần đến 100- 200 nhân viên, các khu nghỉ dưỡng- resort cũng cần đến 500- 800 nhân viên. Hay với tốc độ mở nhà hàng điên cuồng như hiện nay, nhân viên bếp cũng là một thị trường khan hiếm.

Đừng chỉ nghĩ đến chạy Grab ra tiền vì chạy Grab quen rồi khó trở lại làm nhân viên được lắm. Grab là thứ đang làm hỏng rất nhiều sinh viên vì đó là một môi trường ít kỷ luật. Thích thì nhận cuốc, không thích thì tắt app. Mà làm nhân viên dù ở công ty nào cũng cần tính kỷ luật cao không phù hợp với cánh Grab nghệ sỹ. Và tôi, tôi chỉ mong rằng sau kỳ thi, 74,000 con đường sẽ rộng mở và con đường nào cũng sẽ đưa các em đến thành công, theo cách mà các em đặt ra mục tiêu cho mình. 

Cùng với đó, một thầy giáo cũng kể câu chuyện thực tế: Trong cuộc đời dạy học của mình, tôi đã trải qua nhiều kỳ thi, chứng kiến nhiều nụ cười và nước mắt, cũng như những may rủi và sai lầm có thể thay đổi cả một số phận. Chúng đều là những kỳ thi mà cả học sinh, gia đình cũng như thầy cô đều căng thẳng, xã hội phải dốc toàn lực.

Liệu rằng sẽ còn bao nhiêu gia đình vì một kỳ thi mà mất đi tiếng cười? Liệu rằng có cô bé cậu bé nào vì một kỳ thi mà phạm phải sai lầm, hay thậm chí hành động tiêu cực với bản thân khi kết quả không như ý? Trong khi, năng lực của một con người thể hiện qua quá trình nỗ lực tự học chứ không chỉ qua một kỳ thi. Đến khi nào chúng ta mới có những kỳ thi trong nụ cười thay vì vẫn còn nước mắt?

Và khi nào những kỳ thi trở nên nhẹ nhõm với toàn xã hội? Nhưng hơn thế nữa, sau bê bối kinh khủng năm ngoái, biết bao nhiêu câu hỏi vẫn lơ lửng vẫn treo trên đầu mọi người và như khó có lời đáp nào cho thỏa đáng… 

Đọc thêm