Nuôi thù, kẻ thành sát nhân, người bất yên vì oán hận

Một "bô lão" 71 tuổi bất ngờ ra tay sát hại vị cựu chủ tịch xã 75 tuổi chỉ để trả mối thù “lãng xẹt” xảy ra từ... thế kỷ trước. Vụ án xảy ra từ năm 2010 nhưng đến nay còn nguyên tính thời sự bởi hung thủ không chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự mà sau khi trở về địa phương còn tuyên bố “xóc óc” với gia đình nạn nhân: “Ở tù cũng phải có mánh mới ra nhanh như vậy”.

Một "bô lão" 71 tuổi bất ngờ ra tay sát hại vị cựu chủ tịch xã 75 tuổi chỉ để trả mối thù “lãng xẹt” xảy ra từ... thế kỷ trước. Vụ án xảy ra từ năm 2010 nhưng đến nay còn nguyên tính thời sự bởi hung thủ không chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự mà sau khi trở về địa phương còn tuyên bố “xóc óc” với gia đình nạn nhân: “Ở tù cũng phải có mánh mới ra nhanh như vậy”.

Chợ Tiên Ninh, nơi xảy ra vụ án thương tâm

Án mạng chấn động xóm nghèo

2 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án gây “kinh thiên động địa” xóm nghèo, anh Lê Thanh Hoàng (36 tuổi, ngụ thôn Tiên Ninh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), con trai út của ông Lê Mậu (SN 1935) vẫn vô cùng đau đớn bức xúc vì cái chết oan uổng của cha mình.

Hôm đó là ngày mùng 7/8/2010, do khu mộ của cha ông sắp bị giải tỏa, ông Mậu sai anh Hoàng đi mua vôi ve chuẩn bị quét mộ mới còn ông đi mua đinh về đóng quách đựng hài cốt. Tại chợ của thôn, bất ngờ ông Trần Thiệu (SN 1939, ngụ thôn Nhơn Thọ, xã Vạn Khánh) từ trong một quán sửa xe gần đó bất ngờ chạy ra dùng rựa chém ông Mậu nhiều nhát.

Trước đó, nhiều người đã thấy ông Trần Thiệu đi xe đạp mang theo một cái rựa từ nhà đến tiệm sửa xe đạp của anh Nguyễn Văn Khánh ở thôn Tiên Ninh, xã Vạn Khánh giả vờ sửa xe đạp nhưng mục đích là “mật phục” để giết ông Mậu. Đợi chừng một lúc, khi thấy ông Mậu đi xe đạp điện ngang qua, ông Thiệu lấy rựa chạy đến nói: “Tao chờ mày lâu rồi” rồi cứ thế dùng rựa chém ông Mậu trúng vào đầu, tay.

Anh Khánh chạy ra can ngăn thì ông Thiệu dùng rựa dọa chém nên anh này sợ hãi bỏ chạy vào nhà. Bị tấn công bất ngờ, ông Mậu mặc dù đã bị thương nhưng cũng định thần lại được và bỏ chạy. Nhưng ông lão này mới chạy được một đoạn thì đã bị ông Thiệu cầm rựa truy sát, chém nạn nhân thiệt mạng. Sau khi gây án, ông Thiệu bị Công an xã Vạn Khánh bắt giữ.

Mối thù từ... thế kỷ trước

Tìm hiểu về nguyên nhân khiến ông Thiệu ra tay sát hại dã man ông Mậu, gia đình nạn nhân và dư luận vô cùng bức xúc khi biết động cơ khiến hung thủ gây án bắt nguồn từ... thế kỷ trước. Chuyện là, năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, ông Lê Mậu được bầu làm Chủ tịch xã. Thời kỳ đầu giải phóng, tình hình kinh tế và an ninh trật tự trên địa bàn rất khó khăn nhưng ông Mậu và các cán bộ địa phương đã giải quyết rất ổn thỏa.

Trong thời gian ấy, ông Thiệu được người dân biết đến là một người chồng, người cha bạo hành, thường xuyên đánh vợ con thừa sống thiếu chết. Nhiều người cao tuổi ở thôn Nhơn Thọ nơi ông Thiệu sinh sống còn kể vụ ông ta nhốt vợ con trong nhà rồi châm lửa đốt. May mà hàng xóm can kịp thời nên mới cứu được hai mẹ con.

Vợ ông sau đó đã tố giác ông với chính quyền địa phương chuyện đó. Với trách nhiệm là Chủ tịch xã, ông Mậu đã tạm giữ ông Thiệu 3 ngày rồi đưa ông Thiệu ra kiểm điểm trước đông đảo bà con nhân dân. Sau lần ấy, vợ và con ông Thiệu bỏ đi sinh sống ở xã khác.

Sau chuyện đó, ông Mậu cũng đã thôi giữ chức chủ tịch xã từ những năm 80, trở về làm một công dân bình thường. Vị cựu chủ tịch xã luôn được mọi người yêu quý và kính trọng vì khi là người đại diện cho chính quyền thừa hành pháp luật, ông luôn công tâm và ngay thẳng, những việc ông làm chỉ cốt để yên dân, vì lợi ích chung. Không ai ngờ, càng về già ông Thiệu lại càng nhớ “mối thù” trước đây và đã không ít lần vác dao đi tìm ông Mậu “rửa hận”.

Người dân hai thôn Tiên Ninh và Nhơn Thọ không ít lần chứng kiến cảnh ông Thiệu cầm dủm (một dụng cụ đào trầm - PV), cầm rựa rượt ông Mậu chạy chối chết trên đường. Có ít nhất 3 lần người dân đã phải vào cuộc để can ngăn ông Thiệu thì ông Mậu mới may mắn thoát được. Lần gần nhất trước khi xảy ra án mạng là năm 2009, con cái ông Mậu đã phải đến tận nhà ông Thiệu để nói chuyện, giảng hòa. Thậm chí vụ việc còn được đưa lên Công an xã Vạn Khánh để giải quyết.

Mọi chuyện tưởng chừng đã êm xuôi, gia đình ông Mậu cũng không còn cảnh giác nữa thì đùng một cái, tháng 8/2010, ông Thiệu gây án mạng.

Đám tang ông Lê Mậu

Hung thủ thoát tội vì mắc bệnh tâm thần

Ngày 21/10/2011, sau hơn nửa năm bị tạm giam vì hành vi sát hại ông Mậu, ông Trần Thiệu bỗng lù lù xuất hiện tại địa phương khiến người dân xã Vạn Khánh tá hỏa. Hỏi ra mới biết ông Thiệu được thả tự do vì mắc bệnh tâm thần hoang tưởng.

Sự xuất hiện của ông Thiệu làm không ít người bàng hoàng, đặc biệt là gia đình nạn nhân vô cùng bức xúc. Ngay lập tức, gia đình anh Hoàng có gửi đơn kiến nghị lên các ban ngành chức năng phản đối việc trả tự do cho hung thủ giết cha mình.

Lật lại hồ sơ vụ án thì thấy rằng: Ngày 9/8/2010, tức 1 ngày sau khi ông Mậu bị sát hại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Thiệu để điều tra về hành vi giết người.

Trong quá trình điều tra, Trần Thiệu có biểu hiện hoang tưởng nên đến ngày 7/3/2011, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành trưng cầu giám định tâm thần cho bị can, đề nghị Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam xác định “ông Trần Thiệu có bị tâm thần hay không?. Vào thời điểm gây án có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không?”.

Tại biên bản giám định pháp y tâm thần ngày 24/3/2011, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam kết luận: “Về y học, trước, trong, sau khi gây án và hiện nay: Đương sự bị bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng. Về pháp luật, đương sự gây án do hoang tưởng chi phối, nên không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với ông Trần Thiệu”.

Căn cứ vào kết luận giám định trên, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án và bị can, đồng thời ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với ông Trần Thiệu. Cuối tháng 9/2011, Viện giám định pháy y tâm thần cho biết: “Bệnh nhân Trần Thiệu bị rối loạn hoang tưởng dai dẳng. Hiện tại đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa”. Thế là ông Thiệu được “phóng thích”, được bàn giao về cho bà Đỗ Thị Liên (vợ hai của ông Thiệu) tại xã Vạn Ninh.

Oán thù nên cởi, không nên buộc

Thời gian mới được thả, ông Thiệu đi làm thuê ở một quán cơm cách nhà chừng chục cây số, sức khỏe và thần kinh hoàn toàn bình thường. Gia đình anh Hoàng sau không ít lần đến gặp trực tiếp đã cho rằng ông Thiệu đã giả vờ điên để thoát tội. Con trai ông Thiệu với người vợ cả có nuôi ông được 1 tháng nhưng thấy phía gia đình ông Mậu rất bức xúc nên sợ liên lụy đành để ông Thiệu đi.

Ông Thiệu đã bán nhà và đi đâu không rõ. Tuy nhiên, cho đến nay gia đình anh Hoàng và các con ông Mậu thì vẫn cho rằng ông Thiệu giả điên để đánh lừa cơ quan điều tra nhằm thoát tội. Họ dẫn chứng lời ông Thiệu tự nói: “Ở tù cũng phải có mánh mới ra nhanh như vậy” để khẳng định chắc chắn ông Thiệu đã giả điên để thoát “lưới trời”.

Luật sư, chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hương (Trung tâm tư vấn pháp luật và tâm lý, tình cảm Minh Hương, Hà Nội) bình luận: “Dư luận dễ thông cảm với nỗi bức xúc của gia đình nạn nhân, vì cái chết oan khuất của ông Mậu đã khoét một vực thẳm căm hận khiến họ không thể tha thứ cho hung thủ Trần Thiệu.

Tuy nhiên, xét về phương diện pháp luật thì bản kết luận giám định pháp y tâm thần chính là chứng cứ tin cậy nhất khẳng định ông Thiệu mắc bệnh tâm thần thực sự nên được miễn trách nhiệm hình sự, chứ không phải giả điên. Hy vọng người nhà nạn nhân hãy bình tĩnh nhìn nhận sự việc, đừng suy nghĩ và hành động tiêu cực, nóng vội vì như vậy rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật”.

Ngoài bình luận về pháp luật, bà Hương còn cảm thán cho rằng oán thù chỉ nên cởi chứ không nên buộc, con người sống với nhau không nên lấy oán báo oán vì chỉ có lòng bao dung nhân ái mới hóa giải, xoa dịu được nỗi đau.

Phạm Văn

Đọc thêm