Cụ thể, tại Chi cục Môi trường (Trung Hòa), chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được lúc 9 giờ là 107; trạm Hàng Đậu có chỉ số AQI 140; thấp nhất là số đo tại trạm Mỹ Đình với chỉ số AQI 101…
So sánh với bảng quy đổi giá trị AQI của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mức từ 101-200 được đánh giá là kém, màu cảnh báo da cam, cần hạn chế thời gian ở ngoài.
So sánh với thời điểm trước khi có mưa, có thể thấy nồng độ bụi mịn PM 2.5 đã giảm. Cụ thể, tại trạm Trung Hòa lúc 6 giờ nồng độ bụi PM 2.5 là 121 đến 9 giờ giảm xuống còn 107; trạm Hàng Đầu, nồng độ PM 2.5 từ 148 giảm xuống còn 138…
Quan sát trên ứng dụng đo chất lượng không khí PAM air, chỉ số đo chất lượng không khí tại Hà Nội cũng chuyển từ màu đỏ sang màu vàng sau những cơn mưa đầu giờ sáng nay.
Trước đó, trả lời báo chí tại buổi họp báo quý III của UBND thành phố Hà Nội, ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT) Hà Nội cho biết: Số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, từ ngày 13/9 đến nay, chất lượng không khí Hà Nội ở nhiều thời điểm trong ngày nằm ở mức “kém”, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Theo tiêu chuẩn, chất lượng không khí ở mức kém có ảnh hưởng tới sức khỏe con người về hô hấp. Từ ngày 3/10, khi Hà Nội có mưa, không khí Hà Nội sẽ giảm bớt ô nhiễm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia về môi trường, dù Hà Nội đã công bố 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nhưng 2 nguyên nhân chính là ô nhiễm từ bụi bẩn của quá trình xây dựng, đô thị hóa và khí thải xe máy, ô tô do mật độ quá cao trong khu vực nội đô.