Ở rể: “đi cũng dở, ở không xong”

(PLO) -Không hẹn mà nên, hai anh em Hiếu và Nghĩa quê Nghệ An đều nhận được lời đề nghị ở rể khi yêu và kết hôn với hai cô gái ở Thủ đô. Là anh em, cùng ở rể, nhưng hạnh phúc của họ lại chẳng giống nhau…
Ở rể: “đi cũng dở, ở không xong”

Cũng cùng là con rể

Hiếu lấy vợ và ở rể được một năm thì mâu thuẫn với mẹ vợ bắt đầu phát sinh. Bố vợ Hiếu mất sớm, mẹ vợ một mình nuôi con gái trưởng thành nên đương nhiên không thoát khỏi tâm lý lo lắng thái quá cho con. Nhưng Hiếu lại không muốn thế. Anh muốn thực hiện cái câu các cụ để lại “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” ngay tại nhà mẹ vợ nên mới xảy ra chuyện. 

Hôm đó, cơ quan vợ Hiếu có lễ kỷ niệm ngày thành lập. Vợ Hiếu đã báo trước là sẽ không ăn tối ở nhà nên bữa cơm chỉ có mẹ vợ và con rể. Thế nhưng hai mẹ con ăn tối xong, rồi kim đồng hồ nhích sang 8, 9, 10 rồi gần 11 giờ vẫn chưa thấy vợ Hiếu về, điện thoại gọi thì báo tắt máy. Mẹ vợ và con rể đều đứng ngồi không yên vì lo lắng.

Khi chuông đồng hồ điểm 11 giờ thì mẹ vợ Hiếu òa khóc vì quá lo lắng, căng thẳng. Cũng may là sau đó 15 phút vợ Hiếu về đến nhà. Lý do về muộn được cô vợ giải thích là ăn liên hoan tối xong cả cơ quan kéo nhau đi karaoke, điện thoại hết pin và mải vui nên quên mất chuyện gọi điện báo gia đình.

Thấy con gái về mẹ vợ Hiếu mừng tíu tít, chỉ xoay quanh hỏi con ăn chưa, đi đêm về có lạnh không, có khát nước không… mà không hề trách mắng câu nào đã để mẹ và chồng lo lắng. Còn Hiếu rất bực thái độ vô trách nhiệm của vợ, lại thấy mẹ vợ chiều con quá nên càng bực thêm.

“Em đi chơi vui bản thân em thì cũng phải nhớ và có trách nhiệm với người  ở nhà chứ, cư xử như thế là không được” – Hiếu nghiêm giọng nói với vợ. 

Nghe con rể nói thế với con gái mình, mẹ vợ Hiếu xoa dịu: “Thôi con, chẳng mấy khi nó được vui có quá đà tí cũng không sao, đừng trách nó”. Vợ Hiếu thấy mẹ bênh mình cũng nói góp vào: “Em chỉ mỗi quên điện thoại báo thôi, gì mà anh căng thẳng thế”.

Cơn giận dữ bùng lên cộng hưởng với những lần bực dọc mẹ vợ trước đó khiến Hiếu mất kiểm soát lí trí: “Cô đã sai lại còn cãi cùn, cả mẹ nữa, mẹ bênh con vô lối, con mời mẹ ra khỏi nhà để con dạy vợ con, mẹ đừng can thiệp”. 

Rút kinh nghiệm bản thân, khi em trai lấy vợ, Hiếu cấm em mình được ở rể. Nhưng hoàn cảnh của Nghĩa – em trai Hiếu thì lại không thể không ở rể, dù lúc đầu khi bố mẹ vợ ngỏ ý muốn về ở rể vì nhà có mỗi cô con gái, Nghĩa đã từ chối khéo vì nhớ chuyện anh trai mình.

Tuy nhiên, ở nhà trọ một thời gian thì vợ Nghĩa mang thai, bản thân Nghĩa lại đi công trình tỉnh xa suốt nên đã có một lần vợ bị trượt chân ngã động thai mà Nghĩa không về kịp nên Nghĩa quyết định về sống với bố mẹ vợ để vợ con có điều kiện được chăm sóc tốt nhất.

Từ quyết định khó khăn lúc đầu, thấm thoắt Nghĩa đã sống với bố mẹ vợ được hơn 5 năm mà không hề có một điều tiếng gì. Bố mẹ vợ coi Nghĩa như con trai trong nhà chuyện gì cũng bàn bạc tham khảo ý kiến, Nghĩa cũng coi nhà vợ như nhà mình mọi chuyện đều lo toan cho đáo từ giỗ chạp đến đối nội, đối ngoại.

“Từ chuyện của anh trai, mình rút kinh nghiệm rằng chính mặc cảm “chó chui gầm chạn” của anh con rể làm hỏng việc. Coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình, nhà vợ như nhà mình sẽ hóa giải được. Còn chuyện hiểu lầm xung đột nhà nào chẳng có, ngay cả khi sống cùng bố mẹ đẻ cũng có tránh được đâu, nên chỉ cần những người trong cuộc có thiện ý với nhau thôi ” – Nghĩa tâm sự. 

Con rể đã được quý, chỉ cần khéo xử

Kinh nghiệm của Nghĩa cũng là lời khuyên của chuyên gia tâm lý dành cho các chàng rể ở nhà vợ. Nếu trước kia chuyện này là hiếm hoi vì tâm lý cho rằng ở rể sẽ bị coi thường, người đàn ông “lép vế” so với vợ và chịu thiệt trong các vấn đề của cuộc sống,  thì ngày nay có rất nhiều chàng rể đang và sẽ sống cùng bố mẹ vợ bởi nhiều lý do như: nhà vợ chỉ có duy nhất một cô con gái; ở với bố mẹ vợ tiện cho việc sinh hoạt học tập của gia đình… 

Theo chuyên gia tâm lý, các gia đình thường quý trọng những chàng trai sẵn sàng ở nhà vợ. Điều này xuất phát từ tâm lý “dâu là con, rể là khách”, họ cố gắng để con rể cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi sống trong nhà.

Hơn nữa, khi có con rể trong nhà, các thành viên cũng chú ý cư xử và sinh hoạt làm sao để tránh người ngoài đánh giá không hay bởi xã hội ít nhiều vẫn chú ý đến gia đình có con rể ở cùng. Thế nên, điều kiện đã thuận lợi như thế chỉ cần con rể biết cư xử khéo tí là được.

Theo chuyên gia tâm lý nếu lựa chọn sống chung với gia đình vợ, con rể nên lưu ý để cân bằng mối quan hệ trong nhà như:

Bình tĩnh suy xét vấn đề khi có bất cứ xung đột nào phát sinh giữa mình và bố mẹ vợ, tránh to tiếng vì nó chỉ làm mọi chuyện căng thẳng hơn; Chứng tỏ mình là thành viên trong gia đình qua sự quan tâm đến công việc nhà, giúp đỡ bố mẹ vợ những việc nhà; Vợ chồng nên góp ý nhẹ nhàng với nhau trên tinh thần thiện chí khi xảy ra mâu thuẫn, không nên nhắc đến những vấn đề nhạy cảm của nhà vợ trong lúc tức giận; Khi có quyết định quan trọng và ảnh hưởng đến cả gia đình, nên hỏi ý kiến mọi người trước khi thực hiện…

Nỗi niềm con rể khi “được sống” cùng bà mẹ vợ

Sống cùng cha mẹ vợ không phải là nỗi khó khăn riêng của các chàng trai châu Á mà còn cả với các chàng trai châu Âu vốn không quen với việc sống chung đại gia đình nhiều thế hệ. Câu chuyện được đăng trên Global Times dưới đây là của một người chồng Pháp, lấy vợ Trung Quốc và đang sống ở Thượng Hải. Khi lấy vợ, anh đã “được” sống cùng với bà mẹ vợ.

“Các cặp vợ chồng mới cưới ở phương Tây thường trải qua năm đầu tiên hạnh phúc trong hôn nhân, sống riêng trong ngôi nhà mới mua, tự do nô đùa, thức đêm, thoải mái "yêu" nhau... Nhưng các cặp tân hôn ở Trung Quốc lại có chút khác biệt.

Theo truyền thống, ít nhất một bố (mẹ) vợ hoặc bố mẹ chồng sẽ chuyển đến sống cùng nhà và sau 9 tháng đầu tiên, sẽ giúp chăm em bé mới ra đời. Nhưng với người nước ngoài sống ở đây và kết hôn với người Trung Quốc, việc chia sẻ tuần trăng mật với mẹ dường như là một điều kỳ cục vì người phương Tây thường không thể đợi quá tuổi trung học để tách ra ở riêng, và hầu hết sẽ không cho phép bố mẹ của bạn đời chia sẻ tổ ấm với mình.

Ở Pháp quê hương tôi, một khi bạn đã trưởng thành, và đặc biệt khi bạn đã ra ở riêng và bắt đầu xây dựng gia đình, các bậc cha mẹ biết rằng họ sẽ lùi lại đằng sau và để con tự sống cuộc đời mình. Chắc chắn, họ sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ về mặt tình cảm hoặc tài chính, nhưng họ không dám can thiệp vào hoặc làm chậm trễ điều đó.

Ngược lại, cha mẹ Trung Quốc làm chủ trong việc can thiệp vào cuộc sống của con. Việc can dự vào cuộc sống của đứa con đã trưởng thành, cũng như của thế hệ cháu, là một phần trong xã hội nước này.

Vì thế khi một người phương Tây ở Trung Quốc kết hôn với một người nước này, ý tưởng về việc có một bà mẹ vợ trung niên ở nhà mình ngày này qua ngày khác, dặn bạn phải làm cái nọ, không được làm cái kia, và phải làm như thế nào, hôn nhân có thể giống như một bước lùi của tuổi trưởng thành. 

Nhưng cũng phải thành thật rằng, dù bạn bị la rầy, bị nhắc nhở rằng uống nước lạnh là không tốt cho sức khỏe, rằng máy điều hòa thì có hại..., có rất nhiều lợi ích của việc có một bà mẹ vợ Trung Quốc sống cùng nhà.  

Đầu tiên, đó là điều may mắn khi em bé mới chào đời. Hầu hết mọi người sống trong thành phố lớn phải làm việc, và thậm chí bà mẹ mới sinh cũng phải trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản.

Ai có thể tốt hơn người bà trong việc chăm con bạn với tình thương và sự quan tâm lớn lao?  Nhiều người bạn nước ngoài của tôi sống ở Thượng Hải và lấy vợ Trung Quốc đều đón mẹ vợ về ở cùng.

Việc về nhà mỗi tối với một bàn đầy thức ăn chờ sẵn, nhà cửa sạch sẽ và em bé hạnh phúc khi có người chơi với mình cả ngày, là một lợi thế của các cặp vợ chồng này, so với ở nhiều quốc gia khác.

Tôi cảm thấy cực kỳ may mắn khi kết hôn với một người vợ Trung Quốc có gia đình cực kỳ cởi mở. Mẹ vợ tôn trọng việc cần có không gian riêng tư của tôi và không quá can thiệp vào việc nhà của chúng tôi. Và chúng tôi biết mình có thể trông cậy ở bà 1000 phần trăm về bất cứ thứ gì chúng tôi cần, hiện tại hoặc trong tương lai”.

Thế đấy, không phải là  mẹ vợ hay mẹ chồng, không phải là “chó chui gầm chạn” hay “nhà ta ta ở”, vấn đề ở đây là suy nghĩ và cách cư xử của mỗi người. Cuộc đời ngắn lắm, sao cứ phải phũ phàng với nhau để rồi sau này lại nói câu ân hận muộn màng?