Oan sai gửi lại ... cõi trần

Tháng 2/2010, anh Êm được nhận bồi thường khoản tiền gần 82 triệu đồng. Anh Êm xây lại nhà vì ngôi nhà một thời hạnh phúc bên sườn đồi đã tan nát. Kể từ ngày anh bị bắt oan, người vợ trẻ xinh đẹp đã gửi đứa con riêng cho nhà bà ngoại rồi bỏ nhà đi biệt tích...

Trong số những người bị hàm oan mà tôi có dịp tiếp xúc, Nguyễn Trọng Êm để lại một ấn tượng không thể nào quên, vừa đau xót, vừa thương cảm. Đó là nỗi day dứt, ám ảnh về số phận một người đàn ông hiền lành, chất phác nhưng suốt cuộc đời chỉ toàn gặp những bất hạnh, đắng cay...

 

Máu giám định là... máu ngan!

 

Ngày 27/8/2010, tại UBND xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động vụ án “Giết người” và tuyên phạt bị cáo Phùng Văn Nhân 18 năm tù, Cà Quang Thịnh 16 năm tù cộng mức bồi thường dân sự. Nạn nhân là anh Nguyễn Trọng Êm (trú tại xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng) - một công dân từng bị kết án oan.

 

Tôi nhận được thông tin trên khi phiên tòa sơ thẩm vừa kết thúc, giữa một buổi chiều Hà Nội mưa như trút do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Cũng giống như khi nhận được tin Nguyễn Trọng Êm bị sát hại cách đây 4 tháng, tâm trạng tôi vừa bàng hoàng vừa đau xót. Cảnh ngộ của anh Êm từng là nỗi day dứt, ám ảnh trong tôi về cuộc đời một người đàn ông hiền lành, chất phác nhưng chỉ toàn gặp những bất hạnh, đắng cay. Và bây giờ, hơn lúc nào hết, số phận Nguyễn Trọng Êm khiến tôi cảm nhận một cách rõ rệt nhất sự mong manh của thân phận con người.

Bố con anh Êm trong ngày anh được minh oan

Thời trẻ, Nguyễn Trọng Êm từng có một ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi bao la cây cỏ với chim muông, với cô vợ xuân sắc mặn mà và hai đứa con trai, cuộc sống đạm bạc nhưng đầm ấm. Do quá nghèo, anh Êm tự nguyện đi đình sản nam để nhận bồi dưỡng vài chục cân thóc. Không ngờ, “kế hoạch hóa” xong thì đứa con trai lớn bị chết đuối; vợ anh trong phút đau buồn tuyệt vọng đã phản bội chồng và “kiếm” thêm một đứa con riêng với anh Phạm Văn Luân cùng xóm. Vốn hiền lành và vẫn yêu thương vợ nên anh Êm chấp nhận tha thứ và nuôi con riêng của vợ như con đẻ.

 Tuy vậy, trong sâu thẳm trái tim mình, Êm vô cùng đau đớn và căm hận, bằng chứng là một vài lần Êm ghen tuông đánh vợ và đến nhà “tình địch” gây sự, nhưng rốt cục anh đã bị chính anh Luân mắng nhiếc, đánh đuổi về.

 

Đêm 20/1/2006, bất ngờ xảy ra sự việc vợ chồng anh Phạm Văn Luân bị sát hại trên cánh đồng Chín Mẫu. Mặc dù trước đó rất hận anh Luân nhưng nghĩa tử là nghĩa tận nên Êm đến phúng viếng vợ chồng anh Luân, thậm chí suốt đêm hôm đó Êm còn ngồi vào chiếu với đám thợ thổi kèn trong đám tang. Nhưng trong con mắt cơ quan điều tra thì Êm được xếp vào diện đối tượng bị “tình nghi số một” nên bị triệu tập lên công an xã làm việc.

 

Tại đây, công an thu giữ của anh chiếc áo có dính máu (sau này kết luận giám định xác định là máu... ngan!). Ngày 27/1/2006, Êm bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Giết người”.

 

Nỗi oan gửi lại cõi trần

 

Do nhận thức hạn chế, lại quá sợ hãi nên lúc đầu Êm đã tự nhận mình là hung thủ giết người. Đến khi thấm thía cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, Êm mới khai ra sự thật là không thực hiện hành vi giết người. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng thì vẫn loay hoay trong việc tìm chứng cứ kết tội Êm. Sau 672 ngày giam oan vẫn không đủ chứng cứ kết tội, anh Êm được tại ngoại để tiếp tục điều tra. Và phải chờ đến 232 ngày sau, anh Êm mới được đình chỉ điều tra, thoát cái án “Giết người” treo lơ lửng trên đầu suốt gần 3 năm ròng.

 

Tháng 11/2009, Nguyễn Trọng Êm được VKSND TP.Hải Phòng xin lỗi và minh oan. Đến tháng 2/2010, anh được nhận bồi thường khoản tiền gần 82 triệu đồng. Anh Êm đã xây lại nhà vì ngôi nhà một thời hạnh phúc bên sườn đồi đã tan nát kể từ ngày anh bị bắt. Còn người vợ, kể từ khi Êm bị bắt, chị đã gửi đứa con riêng cho nhà ngoại rồi bỏ nhà đi biệt tích...

 

Còn nhớ trong ngày công dân Nguyễn Trọng Êm được minh oan, tôi đã nói với Êm rằng với anh bây giờ, một trang đời mới đã mở ra, việc cần làm ngay là anh phải xây dựng gia đình mới để ổn định cuộc sống. Khi đó, người đàn ông cảm động mỉm cười mà nước mắt ứa mi... Dường như sóng gió đã lùi xa nhưng trong tim anh nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn.

 

Hôm đó, anh tâm sự rằng sợ khó có người phụ nữ nào dám chấp nhận chung tay chia sẻ với một người có số phận long đong chìm nổi như anh, rồi lại lo bản thân mình không mang đến cho người ta hạnh phúc... Bởi vì, đến niềm hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng nhất là có một đứa con thì với anh giờ đây, mãi mãi đã trở thành một ước mơ... xa lắc. Nhưng số phận thật nghiệt ngã, chỉ ít ngày sau khi nhận bồi thường, xây nhà mới thì Êm bị sát hại.

 

Tháng 5/2010, chúng tôi lại về đội 11, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) thăm hỏi, chia sẻ với gia đình ông Nguyễn Trọng Nhật (74 tuổi, bố đẻ anh Êm) về cái chết của nạn nhân. Gặp lại ông lão nông dân đã từng phải đi ăn xin để có tiền kêu oan cho con, tôi không ngăn được nỗi xót xa thương cảm. Ông Nhật kể trong nước mắt:

 

“Ngày 24/4/2010, Êm vào nhà người quen ở xã Hoà Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dự đám cưới. Khoảng 1h sáng ngày 25/4, Êm đi lang thang trên đường hóng mát thì bị hai thanh niên (bị cáo Phùng Văn Nhân và Cà Quang Thịnh - PV) vô cớ dùng khúc cây vụt tới tấp vào đầu, mặt, ngực cho đến chết. Êm nó mất đi, khi vẫn chưa biết bản thân nó đã phải gánh chịu tội oan thay cho ai?”.

 

Ông lão Nhật níu tay tôi, giọng nghẹn ngào đau đớn: “Vụ án trên cánh đồng Chín Mẫu sau 4 năm, cả ba nạn nhân gồm vợ chồng anh Luân bị sát hại và nạn nhân Êm bị oan sai vì sự nóng vội, tắc trách của cơ quan tố tụng đều khuất núi nhưng sự thật vẫn chưa được sáng tỏ, các cơ quan tố tụng TP.Hải Phòng vẫn chưa tìm ra hung thủ. Trách nhiệm này thuộc về ai?”.

 

Tôi chỉ biết nắm bàn tay khô gầy của lão nông, và hứa rằng sẽ chuyển câu hỏi mang nỗi trăn trở thắt lòng này đến các cơ quan tố tụng TP.Hải Phòng chờ lời giải đáp...

 

Quỳnh Lưu

 

Đọc thêm