Ngày 27/4, OCB đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông và thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, Đại hội đã thông qua Báo cáo kết quả hoạt động năm 2018 của Hội đồng Quản trị (HĐQT). Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019, cũng như các nội dung liên quan đến công tác tổ chức, điều hành và quản trị ngân hàng.
Phát biểu tại Đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng OCB đánh giá năm 2018 là một năm khá thành công của OCB với kết quả lợi nhuận trước thuế ấn tượng đạt 2.202 tỷ đồng, tăng mạnh 116% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 110% kế hoạch của năm.
Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 100.047 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn huy động đạt 87.914 tỷ đồng, tăng gần 15%, huy động thị trường 1 đạt 71.158 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 57.800 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức thấp, đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động cao, ổn định.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, OCB liên tục được các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước đánh giá cao. Đơn cử, OCB đã được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng bậc lên B1 ở nhiều hạng mục quan trọng và là một trong ba Ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước công nhận hoàn thành chuẩn mực quốc tế Basel II.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, năm 2019, OCB đặt chỉ tiêu tăng trưởng 30% đối với các chỉ tiêu hoạt động (trong điều kiện được cơ quan quản lý chấp thuận giới hạn tăng trưởng tín dụng), tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần ở mức 37%, lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm 2018. Tổng tài sản đạt 120.047 tỷ đồng, tăng gần 20%; tổng nguồn vốn huy động đạt 105.980 tỷ đồng, tăng 21%. Huy động thị trường 1 đạt 88.380 tỷ đồng, tăng 24%. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 75.253 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.
Năm 2019, OCB dự kiến mức vốn điều lệ tăng lên hơn 9.083 đồng (tăng 2.484 tỷ đồng so với 2018) và quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%.
Song song, HĐQT cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với số lượng 5 triệu cổ phần, tương đương 50 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
Bên cạnh đó, sau khi phát triển thành công sản phẩm ngân hàng hợp kênh (Omni Channel) đầu tiên tại Việt Nam, và được tạp chí Tài chính Quốc tế (IFM) trao tặng giải thưởng Most Innovative Digital Bank Viet Nam 2018 – (Ngân hàng đột phá nhất Việt Nam năm 2018) và Best New Omni Channel Platform – (Nền tảng kênh Omni mới tốt nhất Việt Nam), đầu năm 2019, OCB tiếp tục ra mắt Ngân hàng số OCB OMNI, trở thành dấu ấn nổi bật của OCB, là một trong những Ngân hàng dẫn đầu trong xu hướng chuyển đổi số trên thị trường hiện nay.
Chia sẻ về kế hoạch niêm yết cổ phiếu OCB trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2019, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, hiện OCB là một trong những ngân hàng tốt hàng đầu, có lợi nhuận 2.000 tỷ đồng trở lên còn room cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Chính vì vậy, HĐQT chủ trương tìm các cổ đông chiến lược hoặc cổ đông nước ngoài có khả năng để gia tăng năng lực tài chính cũng như quản trị cho Ngân hàng. Do vậy, OCB quyết định phải lùi lại thời gian lên sàn, nhằm có phương án và thời điểm niêm yết hiệu quả nhất đối với Ngân hàng và cổ đông, và kỳ vọng trước khi kết thúc năm tài khóa 2019.
Trong chiến lược phát triển cho năm 2019, OCB sẽ tiếp tục hoàn thiện nền tảng cơ sở của một Ngân hàng hiện đại, quản lý tập trung, hệ thống công nghệ hiện đại, lực lượng nhân sự chất lượng cao, chuẩn bị nền tảng cho một ngân hàng tốt hàng đầu Việt Nam với lợi nhuận tốt, quản trị tốt và tốc độ tăng trưởng tốt, luôn hoạch định lộ trình phát triển theo từng giai đoạn, hướng đến áp dụng quản trị hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế…