Ôm món nợ “ma quỷ”, vợ chết, chồng tự tử theo

(PLO) -Sau cái chết của chị Phúc, người nhà càng cảm thấy kinh hoàng hơn với món tiền vay ma quỷ mà  Nguyễn Thị Hoa (tức “cò” Hoa (SN 1970, ngụ thôn 2, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã đổ xuống những người dân nghèo.
"Cò" Hoa trước vành móng ngựa
"Cò" Hoa trước vành móng ngựa
Bài 2: Khoản tiền vay “ma quỷ”
Còn nhớ ngày chồng chị Phúc là Nguyễn Hậu (SN 1983, cùng ngụ tại buôn EASang, xã Ea H’ding, huyện Cư Mgar) đi lấy tiền vay nợ của Hoa. Mọi thủ tục đã xong, người chồng phải ngồi chờ mãi đến hơn 5h chiều mà vẫn chưa có tiền. Rồi Hoa và cán bộ ngân hàng thông báo ngân hàng đang hết tiền, “về nhà, ngày mai đến lấy”. 
Ngày hôm sau Hoa gọi điện nhưng anh nông dân đang bận đi cạo mủ cao su, vợ vừa sinh không ra ngoài được. Mẹ và một người anh trai của Phúc khi ấy tiện thể đi Buôn Ma Thuột có việc, ghé qua gặp Hoa lấy tiền giúp tại một quán cà phê gần ngân hàng. 
Mọi người trông thấy Hoa cầm một bọc tiền. Hoa giao cho mẹ Phúc 80 triệu, giải thích “sẽ viết giấy vay nợ 90 triệu, còn 20 triệu là tiền chung chi hoa hồng để lo được vay vốn, 10 triệu nữa là tiền trả lãi trước 3 tháng cho ngân hàng”. 
“Vì đã biết trước “luật” vay vốn là muốn vay được 100 triệu thì phải mất 10 triệu “hoa hồng” nên mẹ con tôi đồng ý cầm tiền ra về. Tôi có ngờ đâu cái khoản tiền ma quỉ đó cướp mất mạng sống của hai con tôi sau này”, mẹ nạn nhân kể lại trong nước mắt.
Thấy vợ chồng Phúc vay được tiền dễ dàng, gia đình anh em họ hàng có 10 người thì đều mang hết 16 cuốn “sổ đỏ” tới nhờ Hoa vay giúp. Số tiền Phúc vay được, mua thêm mảnh đất, khi làm được sổ đỏ cũng tiếp tục đưa Hoa vay thêm. Mỗi hộ gia đình một hoàn cảnh, có người cần vay vốn làm ăn, người thì cho Hoa mượn sổ đỏ vay tiền ngân hàng để ăn tiền lãi chênh lệch theo lời hứa. 
Thế nhưng sau lần duy nhất Hoa đưa tiền “sòng phẳng”, từ ấy mỗi sổ đỏ cần vay vốn, Hoa đều “vay ké” mấy trăm triệu, khoản tiền lãi hứa trả thì không thấy đâu. Cuối năm 12/2009, Hoa có dấu hiệu đổ nợ và định bỏ trốn, nhiều gia đình mới vỡ lẽ Hoa nợ tiền, quỵt tiền của vô số người.
“Cả họ nhà tôi mới lâm vào cảnh cuống quýt như ong vỡ tổ. Ai cũng hoang mang không biết sẽ xử trí như thế nào. Mọi người đưa đơn kiện, nhưng việc điều tra rối rắm của công an làm người dân ít học, nghèo khó, “thấp cổ bé họng” không rõ luật pháp sẽ bênh vực ai?”, người mẹ nhớ lại.
“Phúc bất trùng lai, học vô đơn chí”, trong thời gian này, đứa con gái mới sinh của Phúc lại đổ bệnh ốm liên miên, thường lên cơn co giật người tím tái. Vợ chồng Phúc lâm vào cảnh khốn cùng, những lần con gái phát bệnh, lại chạy lên nhà Hoa cầu cứu. Hoa chỉ đưa thêm bốn lần tổng số 4,4 triệu đồng, còn khoản nợ “vay ké”, đối tượng phủi tay, tuyên bố “không trả”. 
Cho vay mờ ám nhưng đòi nợ rất rõ ràng
Khi cho vay tiền mờ ám thì không thấy đâu, nhưng khi thu hồi nợ, cán bộ ngân hàng đến nhanh như điện giật. Những ngày cuốitháng 8/2010, hơn một năm sau khi cho vay, khi Hoa vỡ nợ, một số cán bộ ngân hàng mới đi “thẩm định lại tài sản thế chấp”. Ngân hàng nhanh chóng ra thông báo cho những gia đình đến hạn trả nợ “phải hoàn trả tiền vay, nếu không sẽ bị tịch thu nhà kê biên tài sản”. 
Mẹ chị Phúc nhớ mãi buổi trưa ngày 25/8/2010, khi ba cán bộ ngân hàng đến thông báo phải hoàn trả số tiền mà chị này vay trên giấy tờ là 500 triệu. Thanh minh rằng phần lớn trong số tiền trên là Hoa “vay ké”, chị bị cán bộ ngân hàng mắng xối xả: “Chị đã ký tên, có chứng minh thư đàng hoàng. Số tiền trên là gia đình vay ngân hàng, không liên quan gì đến bà Hoa. Bà Hoa vay các chị thì các chị đi đòi bà Hoa”. 
Nghe những lời thúc ép trả tiền, chị Phúc suốt ngày lo lắng. Chị không chỉ giận mình đã mắc lừa, mà còn giận nỗi vì nghe theo mình mà những người thân đều mắc lừa tương tự, nguy cơ mất nhà. Người thân kể lại, chị nhiều lần nói: 
“Mình bị bà Hoa lừa, giờ ngân hàng suốt ngày siết nợ, nhà mình ai cũng dính nợ, giờ chỉ có chết chứ tiền đâu mà trả. Mình chỉ có căn nhà để ở, ngân hàng mà lấy mất thì chồng con ở đâu. Nếu mình chết đi, ngân hàng biết đòi ai?”. 
Gia đình chỉ nghĩ là khi ấy chị nói đùa. Lời “nói đùa” ấy, ai ngờ bốn ngày sau đã trở thành sự thật.Bi kịch trong gia đình chị Phúc vẫn chưa dừng lại. Câu nói “chết là hết” hóa ra không chính xác. Mộ chị Phúc chưa kịp xanh cỏ, cả làng lại một lần nữa những đêm trắng đi tìm người chồng. 
Xác anh được tìm thấy co rúm gần mộ vợ, cũng sau ba ngày bỏ đi như vợ, cũng để lại một lá thư tuyệt mệnh như vợ, mỗi con chữ cũng như một vết dao cứa vào lòng người...
(Còn tiếp)

Đọc thêm