- Ngành Y có nhiều chuyên ngành, tại sao PGS lại lựa chọn chuyên ngành tim mạch?
- Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, thường xuyên theo cha đi khắp nơi khám và chữa bệnh nên trong tôi đã sớm nuôi ước mơ được làm bác sĩ. Tôi vốn ham đọc sách từ khi còn nhỏ. Trong nhà có rất nhiều sách về y học, trong đó, quyển sách “Cuộc đời và sự nghiệp” của Giáo sư Tôn Thất Tùng kể về những câu chuyện trong suốt cuộc đời làm bác sĩ của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi. Có lẽ đó chính là cơ duyên đưa tôi đến với chuyên ngành tim mạch.
- Mỗi lần tiến hành một ca phẫu thuật tim, cảm xúc của PGS như thế nào?
- Mỗi một ca mổ đều để lại trong tôi những cảm giác riêng và rất khó quên. Có ca mổ xong, thành công thì vui cả tuần, thất bại thì cứ trằn trọc suy nghĩ mãi, có những ca mổ mà đến tận bây giờ vẫn không thể quên được. Tôi vẫn còn nhớ, ca mổ đầu tiên tôi được tự tay thực hiện từ đầu đến cuối là khi đang tu nghiệp ở Pháp, dưới sự hướng dẫn của GS Michelle Garnier. Ca mổ ấy thành công, đêm về tôi mất ngủ vì quá đỗi sung sướng, hệt như cậu học trò vừa được điểm 10 đầu tiên trong đời. Tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của mình là: Đưa những trái tim “lạc nhịp” trở lại nhịp sống thường ngày...
- Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành bệnh viện hạt nhân theo Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế từ tháng 7/2015. Nhưng từ trước đó, PGS đã rất tâm huyết với việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện các tuyến, lý do là gì?
- Bao ký ức khó quên, bao gian nan khổ luyện để có ngày hôm nay được là người làm việc hết mình vì sự nghiệp chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân. Từ hồi ở Pháp, tôi đã ấp ủ một ước nguyện, làm thế nào để mọi người dân ở đất nước mình được chăm sóc sức khỏe, được tiếp cận những dịch vụ y tế hiện đại giống như nước họ. Vì vậy, ngay khi có điều kiện, tôi và đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh phát triển mạng lưới tim mạch kỹ thuật cao ở HN, và mở rộng ra các tỉnh lân cận cho đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Thành quả chúng tôi đạt được đến ngày hôm nay đó là do trong nhiều năm bên cạnh tôi luôn có tập thể đội ngũ cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tim Hà Nội đồng hành.
- PGS là một trong những nhân lực có trình độ cao của ngành Y. Vậy, PGS nhìn nhận thế nào về nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay?
- Theo tôi, trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ hiện nay đã có nhiều cải thiện, rất nhiều bác sĩ giỏi, tay nghề cao, và nhiều năm kinh nghiệm, nhưng số lượng bác sĩ đó vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thực tế do số người bệnh ngày càng tăng, mô hình bệnh tật thì ngày càng phức tạp. Từ thực tế khảo sát tại các bệnh viện cho thấy nguồn nhân lực y tế hiện nay ở nước ta vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt, bên cạnh đó, nguồn cung ở từng trình độ khác nhau cũng đang có sự chênh lệch đáng kể.
Điều này cho thấy còn nhiều bất cập trong quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực ngành y, dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ về chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trong toàn quốc. Hiện trạng nói trên đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của hai ngành y tế và giáo dục, cùng với chủ trương mới đây của Bộ GD-ĐT cho phép các trường, trong đó có trường y, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực và nhu cầu xã hội, được trông đợi sẽ giúp giảm thiểu những bất hợp lý trong cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực y tế hiện nay.
|
PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn trực tiếp can thiệp tim mạch tại Bệnh viện. Ảnh: PGS. Nguyễn Quang Tuấn. |
- PGS đánh giá thế nào về mô hình bệnh tật ở VN?
- Hiện nay mô hình bệnh tật ở Việt Nam đang là mô hình kép, trong đó song song các bệnh truyền nhiễm được đẩy lùi thì các bệnh không lây nhiễm bao gồm như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường,... đang có xu hướng gia tăng giống với các nước phát triển. Trong đó chỉ nói riêng về các bệnh lý tim mạch mỗi năm đã cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên toàn Thế giới. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, cho gia đình và cho toàn xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tim mạch đang trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động.
Vừa rồi, thống kê 2012 của tổ chức thế giới cho thấy tỉ lệ bệnh nhân tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% (1/3 là tim mạch), còn 23% tử vong do bệnh lây nhiễm, đâm chém nhau, tự tử, TNGT, bệnh nghề nghiệp. Rõ ràng bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội đang ngày có chiều hướng tăng cao, Chính vì vậy, toàn xã hội Đảng, Nhà nước và ngành y tế đã và đang rất quan tâm bằng các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phòng, chống các loại bệnh nguy hiểm này.
- PGS vừa trúng cử ĐBQH khóa XIV. Vậy, chương trình hành động của PGS là gì?
- Bất kỳ ngành nào cũng có những vấn đề riêng. Cá nhân tôi nhận thức được rằng, y tế bao gồm những vấn đề rất “nóng”. Vì y tế, bản chất là cuộc sống, là sinh mạng. Hầu như kỳ họp nào của Quốc hội cũng có những vấn đề y tế được đặt lên bàn nghị sự như: quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế, y đức, dịch bệnh…
Tôi là người may mắn được Đảng, Nhà nước, nhân dân cho ăn học, được đào tạo bài bản, rồi được sự tin tưởng của lãnh đạo TP Hà Nội và Sở Y tế giao trọng trách quản lý một bệnh viện đầu ngành về tim mạch và vừa qua được sự tín nhiệm của cử tri tôi trúng cử Đại biểu Quốc hội. Tôi thiết nghĩ mình càng phải cố gắng làm việc nhiều hơn nữa để phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Chính vì vậy, mục tiêu trọng tâm trong chương trình hành động của tôi là “công bằng” trong tiếp cận và phục vụ dịch vụ y tế, cho dù người dân ở thành thị hay vùng sâu, vùng xa…
- Xin trân trọng cảm ơn PGS!
Riêng năm 2015 có 327 cháu được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, làm tim mạch can thiệp. Ngoài công tác quản lý, tham gia công tác khám chữa bệnh, ông vẫn cùng các đồng nghiệp trường Đại học Y Hà Nội tham gia đào tạo cho nhiều thế hệ sinh viên trở thành người bác sĩ giỏi, cống hiến tâm huyết và trí tuệ cho ngành Y tế Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Cá nhân ông đã đạt Giải nhất “Nhân tài đất Việt” năm 2010. Nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Người tốt việc tốt ngành Y tế. Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố năm 2013. Năm 2015 được tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt cấp Thành phố. Từ năm 2013 đến năm 2015 được Chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen. 04 lần được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen. Năm 2014, ông được Chủ tịch nước tặng HCLĐ hạng Ba, được vinh danh trí thức tiêu biểu vì sự phát triển Thủ đô và trí thức quản lý tiêu biểu lần thứ nhất tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc cứu sống bệnh nhân vỡ tim.