’Ông hoàng ve chai’ người Việt tại Mỹ

Việc David Dương thắng thầu tại Thành phố San Jose được báo chí Mỹ mô tả là "ngoạn mục". Người đàn ông thành danh trong lĩnh vực khá nhạy cảm, kinh doanh rác, đã góp phần khẳng định vị thế người Việt tại nước này.

Tình cờ, chúng tôi được gặp ông, một người nổi tiếng đang kinh doanh ở một lĩnh vực khá “nhạy cảm”, rác. Một điều lạ nữa là người đàn ông này lại được đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm là thành viên duy nhất gốc Việt trong Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) của Chính phủ Mỹ.

"Ông hoàng ve chai" David Dương (bên trái) được Tổng thống Mỹ Barak Obama bổ nhiệm vào VEF.

Nhưng, tất cả những băn khoăn của chúng tôi đều được giải tỏa khi ngồi trò chuyện thân mật cùng ông, David Dương, người được mệnh danh “ông hoàng ve chai” của Mỹ.

Thành danh nhờ "yêu" rác

Ông Dương kể lại rằng, những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, gia đình ông đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn. Những đêm lang thang trên đường phố California, cha ông chợt thấy người dân Mỹ hay bỏ rác vào thùng, một ý nghĩ chợt nảy ra đó là “nghề thu gom rác sẽ mang lại một nguồn thu cho gia đình” và đó bắt đầu cho sự nghiệp của gia đình ông.

“Lúc đầu thu nhập của các thành viên trong gia đình David Dương mỗi ngày chỉ kiếm được 40 - 50 USD. Tháng nọ, bù tháng kia, gia đình cũng có khoản tiền từ 2.500 - 3.000 USD trên mỗi tháng”, ông tâm sự. Và tính cách chắt chiu của người Việt Nam đã giúp gia đình ông gầy dựng từ từ nên một sự nghiệp mà ít ai ngờ đến.

Năm 1979, 3 năm kể từ ngày định cư trên đất Mỹ, gia đình ông đã dành được khoản tiền sang nhượng được một nhà kho để chứa và xử lý rác. Đây được xem là tiền thân của công ty sau này.

“Lúc đầu, chúng tôi phải phân loại bằng tay, bằng mắt. Mùa hè, nhiều ngày nóng nực, nhiệt độ trong kho lên đến gần 40 độ, rác bốc mùi khó chịu. Vất vả lắm nhưng vẫn phải ráng làm cho kịp các hợp đồng đã ký”, ông Dương bồi hồi kể lại.

Với quyết tâm cộng với cách làm đúng, ông Dương đã dần dần gầy dựng tên tuổi của gia đình lẫn công ty. Và từ chỗ chỉ làm cho một tiểu bang, công ty của ông Dương lấn dần sang các tiểu bang và thành phố khác ở Mỹ. Đó chính là ước vọng, khát khao để thành công.

“Đối với nhiều người, rác có thể là một cái gì đó xấu xa. Tuy nhiên, đối với bản thân tôi, rác có một vị trí đặc biệt. Nếu biết tận dụng nó, rác sẽ đẻ ra tiền và lợi nhuận”, ông Dương đúc kết.

Chiến thắng để thể hiện vị thế người Việt

Ông Dương kể lại rằng, câu chuyện ông thắng thầu tại Thành phố San Jose thành phố lớn của Mỹ với hơn 1 triệu dân vào năm 2007 là một “bước ngoặt” đối với công ty của ông. Đối thủ của Carlifornia Waste Solutions của ông chính là Công ty Norcal Waste System of San Jose, một công ty hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực chế biến và xử lý chất thải rắn.

“Khi tôi vận động, tổ chức họp báo để giành lấy hợp đồng của thành phố này tôi nghĩ đến hơn 100.000 người Việt đang định cư tại San Jose. Tôi muốn cho người dân Việt hiểu rằng, chúng ta cũng có thể làm tốt như các công ty khác”, ông Dương nhớ lại.

“Tất nhiên, tôi gặp không ít khó khăn. Nhưng trong buổi diễn thuyết trước đông đảo cộng đồng người Việt tại San Jose, tôi nói rằng, khi người dân ủng hộ chúng tôi, tức là họ đã ủng hộ cho con cái họ tại thành phố này. Và cuối cùng, chúng tôi đã thắng”, ông Dương chia sẻ.

David Dương góp phần khẳng định vị thế người Việt tại Mỹ.

Cần biết rằng, San Jose là một thành phố lớn của Mỹ và công ty đối thủ là một công ty rất hùng mạnh. Nhưng bằng quyết tâm và sự thuyết phục của mình, ông Dương đã chiến thắng.

Từ mà báo chí Mỹ dùng để mô tả chiến thắng này của ông Dương là “ngoạn mục”. Nó chính là biểu tượng cho sự khát khao mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tại nước ngoài. 

“Chúng tôi không thể thua vì như thế sẽ làm mất “chân đứng” của cộng đồng hơn 100.000 người Việt ở San Jose”, ông Dương chia sẻ.

Không ngại khó khi đầu tư về quê hương
 
Ông  Dương kể lại rằng: “Khi tôi nhận được lời mời của Ủy ban Nhân dân TP. HCM về đầu tư tại Việt Nam, đó là một niềm vui không kể xiết. Bởi vì, bất kì ai khi xa quê cũng muốn hướng về cội nguồn. Tôi cũng không nằm ngoài tâm thức ấy của người con xa xứ”.

Năm 2003, TP. HCM chính thức tạo điều kiện cho ông Dương có cơ hội đầu tư tại Việt Nam, và một dự án về xử lý chất thải rắn đã ra đời.

Đó chính là khu xử lý chất thải rắn Đa Phước với tổng số vốn đầu tư lên đến 100 triệu đô la Mỹ. 

Tham vọng của ông Dương lúc này là biến khu đầm lầy Đa Phước (Bình Chánh, TP. HCM) thành một sân golf trong tương lai hoặc một quỹ đất có thể sử dụng được cho thành phố. Hơn thế, đây sẽ còn tạo ra một vành đai xanh cho thành phố trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, lẽ thường cũng không bao giờ đơn giản như vậy.

“Có những lúc, có những thông tin và những sự cạnh tranh thiếu lành mạnh khiến bản thân tôi cảm thấy ngán ngẩm. Tôi đã nghe khá nhiều những trường hợp anh em Việt kiều về quê đầu tư và thất bại. Nhưng đến trường hợp của mình cũng khiến tôi thấy đầu tư về quê hương thật khó khăn.”, ông Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, với bản lĩnh của một người đã thành công trên vùng đất khắc nghiệt về kinh doanh, Mỹ, ông Dương không dễ “buông” khát vọng của mình. Hơn thế, ông còn có một lý do quan trọng khác để mà không lùi lại: “Tôi biết, nếu mình không làm được dự án này và chấp nhận thất bại thì ảnh hưởng rất nhiều đến cộng đồng Việt kiều đang có ý định đầu tư về quê hương. Họ sẽ nghĩ rằng, ông Dương mà cũng thất bại huống hồ mình. Do vậy, dù khó tôi vẫn phải cố gắng làm. Đầu tư về quê thật khó nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua”. 

Và ông cũng vượt qua được những cản ngại bước đầu. Cuối cùng Đa Phước cũng đã vận hành trơn tru. Cuối cùng, ông Dương cũng biến khát vọng đầu tư của mình thành hiện thực. Một dự án mới với quy mô lớn hơn cũng đã được Chính phủ phê duyệt trong thời gian gần đây để giao cho Vietnnam Waste Solutions (VWS) do David Dương làm chủ tịch triển khai.

Dự định về khu xử lý chất thải công nghệ xanh

Sau những thành công bước đầu của Dự án xử lý rác Đa Phước, Vietnam Waste Solution của ông Dương đã được Chính phủ giao cho Dự án khu xử lý rác thải công nghệ xanh tại Long An. Đây là một khu vực đã được Chính phủ quy hoạch từ năm 2002 để xử lý rác cho các tỉnh ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án đầu tư ban đầu lên đến 700 triệu USD trong vòng 20 năm. Khi chúng tôi hỏi về hiệu quả đầu tư của dự án này, ông Dương trầm ngâm: “Tất nhiên, tôi là nhà kinh doanh, tôi phải nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng, đây là một dự án đầu tư cho tương lai và ảnh hưởng đến rất nhiều người. Có lẽ, lợi nhuận nên được nhìn như vậy”.

Để tiến hành những giai đoạn chuyên sâu của dự án, ông Dương đã mời được một chuyên gia có tiếng tại Mỹ làm “trưởng nhóm nghiên cứu” và khảo sát cho dự án. Đó là ông Darryl Petker, chuyên gia xử lý chất thải rắn cho chính quyền bang California và Bộ Tài nguyên Môi trường Mỹ.

Riêng giai đoạn khảo sát và thiết kế dự án đã kéo dài đến năm 2011. Dự án sẽ bao gồm các hạng mục quan trọng: cơ sở hạ tầng hỗ trợ trong khu liên hợp; hệ thống trạm trung chuyển bằng đường thủy; hệ thống phân loại tái chế; khu sản xuất phân compost; khu tái sinh tái chế chất thải công nghiệp không nguy hại... Nhưng điều quan trọng chính là một vành đai xanh bao quanh khu xử lý hỗn hợp. Đây chính là một vành đai nhằm cách ly những hoạt động của khu xử lý với cộng đồng cư dân xung quanh.

Một ý nghĩa khác mà ông Dương muốn gửi thông điệp qua dự án này đó chính là thu hút sự chú ý của cộng đồng người Việt tại Mỹ nhằm đầu tư tại quê hương. “Tôi biết, có nhiều người Việt tại Mỹ có trong tay khoảng 200.000 – 300.000 USD và rất muốn đầu tư nhưng họ sợ thất bại. Dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại Long An sẽ là dự án thí điểm đầu tiên mô hình xã hội hóa cổ phần để kêu gọi vốn đầu tư của Việt kiều lẫn người dân trong nước.”, ông Dương chia sẻ.

Lê Tân - Quang Tuyến (Doanh nhân & Pháp luật số 59)

Đọc thêm