Lần thứ hai, Công văn của Bộ Tài chính cử người tham gia Chương trình Tôn vinh “Gương sáng pháp luật”, tên ông Nguyễn Văn Phụng lại được nhắc đến. Ở lần gặp này, vẫn cái giọng hào sảng đầy nhiệt huyết, nhưng ẩn chứa niềm vui, pha chút lưu luyến của một người sắp “trút áo công” sau một thời gian dài gắn bó với ngành…
Trăn trở mô hình quản lý thuế doanh nghiệp lớn
“DNL có đặc trưng mà ai cùng nhìn thấy, đó là quy mô lớn, bộ máy cấu trúc tài chính phức tạp, nhiều tầng nhiều nấc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, kinh doanh ở nhiều địa bàn… Nếu áp dụng phương pháp quản lý truyền thống thì ta cũng khổ, DN cũng khổ…”- Ông Nguyễn Văn Phụng mở đầu câu chuyện QLT DN lớn với PLVN…
Được điều từ Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) về Vụ QLT DNL (Tổng cục Thuế) sau 5 năm Vụ này được được thành lập, câu chuyện QLT DNL như thế nào cho hiệu quả luôn là câu hỏi lớn. “Nguy cơ rủi ro là có, ở chỗ DNL nếu có sai phạm, vừa mất nhiều thuế, vừa mất cán bộ, nguồn lực. Vậy thì phải có cách quản lý như thế nào cho phù hợp?- Ông nhớ lại.
Trong căn phòng quen thuộc gắn bó với ông, có khá nhiều kỷ vật, từ Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Bằng khen của Chính phủ đến của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế... |
Ông cho biết, các nước trải qua các mô hình quản lý theo đối tượng, theo sắc thuế, theo chức năng. Ở Việt Nam, đầu tiên là quản lý theo đối tượng, thành phần kinh tế (xí nghiệp nhà nước, hộ nông nghiệp, công thương nghiệp), sau đó chuyển sang quản lý theo loại thuế (thuế gián thu, thuế thu nhập, xuất nhập khẩu, thuế khác). Tiếp theo, lại quản lý theo chức năng (đăng ký, kê khai thuế…).
“Sau này chúng tôi đề xuất mô hình kết hợp cả đối tượng, sắc thuế và chức năng trên cơ sở ưu điểm, thế mạnh của mỗi mô hình, học tập các thông lệ, chuẩn mực tốt của quốc tế và phù hợp với thực tiễn của nước ta để đạt được hiệu quả quản lý cao nhất…” - Ông Phụng chia sẻ, đồng thời khẳng định đến thời điểm hiện nay, mô hình QLT ở Việt Nam là tương đối tốt, độc lập về chính sách và quản lý để bổ trợ cho nhau: Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) thực hiện khâu làm chính sách, còn Tổng cục Thuế thực hiện chính sách (hành thu)
Người nắm “nguồn lực đất nước”
Ở Tổng cục Thuế, đồng nghiệp vẫn gọi đùa đơn vị của ông là nơi nắm nguồn lực của đất nước. Với cánh báo chí, ông là người được săn đón với “quyền lực” có trong tay là thông tin của các tập đoàn, tổng công ty lớn, từ viễn thông, hàng không, xăng dầu, điện, than - khoáng sản, ngân hàng, bảo hiểm..., đến các mỏ dầu khí ngoài khơi.
Với 650 DNL đề xuất theo dõi, quản lý (trước đây là 405) số thu ngân sách chiếm khoảng 40% tổng thu nội địa, trong đó có 125 DNL do Cục Thuế DNL trực tiếp quản lý, số thu ngân sách cũng chiếm 18- 24% tổng thu nội địa.
Tuy nhiên câu chuyện QLT DNL không đơn giản là “gom” để thu. Sau 10 năm vận hành mô hình Vụ QLT DNL mà ông gọi là giai đoạn “vừa làm, vừa dò dẫm”, ông và các đồng nghiệp lại trăn trở một mô hình mới. “Nên chăng có một bộ phận QLT DNL trực tiếp trên TW như 1 Cục Thuế, ít đối tượng nhưng với một phương pháp quản lý tiên tiến dựa trên công nghệ thông tin và dữ liệu tập trung?”- Ông nhớ lại.
Từ ý tưởng đó, năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Cục Thuế DNL trên cơ sở đúc rút kết quả hoạt động của Vụ QLT DNL cùng với học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến, đặc biệt ngành thuế đã có bài học về chống chuyển giá, thanh tra kiểm tra, những bài học về tổ chức, phân công, phối hợp nguồn lực…
Nếu như với mô hình trước đây, Vụ QLT DNL thực hiện chức năng tham mưu chung, còn các Cục thuế địa phương quản lý trực tiếp DNL thì với mô hình hiện nay, Cục Thuế DNL vẫn kế thừa thực hiện chức năng tham mưu chung nhưng thêm việc trực tiếp QLT 125 DNL theo danh sách phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính, DN còn lại do các địa phương trực tiếp quản lý và Cục Thuế DNL sẽ giúp Tổng cục Thuế trong hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp quản lý.
“Cục Thuế DNL thực hiện QLT trên cơ sở tuân thủ luật pháp và dữ liệu tập trung, số thuế thu được từ DNL sẽ tự động phân bổ về ngân sách TW và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Việc hình thành Cục Thuế DNL chính là nhằm hỗ trợ các Cục Thuế trong việc QLT DNL, đặc biệt là hỗ trợ, phục vụ tốt hơn các DNL, qua đó đóng góp tốt hơn cho NSNN..”- Ông nhấn mạnh.
Không để nước ngoài “ăn không” của mình…
Trong căn phòng quen thuộc gắn bó với ông, có khá nhiều kỷ vật, từ Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Bằng khen của Chính phủ đến của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Đặc biệt, có Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương về thành tích xuất sắc trong thắng kiện vụ tranh chấp về thuế tại Hợp đồng dầu khí lô 12W giữa Premier Oil và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.`
“Quan niệm của tớ là với trong nước không thu trước thì thu sau ("Lọt sàng xuống nia"-PV). Nhưng với nước ngoài thì phải kiên quyết, khôn khéo, tỉnh táo, chắc luật pháp, không thể nhường cho nước ngoài 1 xu nào. Đấy là quan điểm bất di bất dịch của tớ, nên phái đấu tranh...”- Ông chia sẻ.
Có rất nhiều kỷ niệm mà ông gọi là những trận “cân não” để đấu tranh đem về nguồn thu cho NSNN. Một trong những”trận” mà ông nhớ nhất là đấu tranh với các nhà thầu dầu khí để đi đến ký kết Thỏa thuận giữa các bên về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Chính phủ Việt Nam trong việc nhà thầu chuyển nhượng quyền tham gia Hợp đồng dầu khí Lô 06.1, góp phần thu vào NSNN gần 150 triệu USD.
Rồi “trận” ông tham gia cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp trong việc cung cấp các quan điểm, lý luận và bằng chứng trong Vụ kiện quốc tế của các nhà thầu dầu khí nước ngoài tại Lô 12W. Với kết quả thắng lợi của vụ kiện, đã góp phần vào việc không phải bồi hoàn cho nguyên đơn gần 84 triệu USD; “
Ông cũng được biết đến là thành viên thường trực của Nhóm công tác liên ngành tham mưu để đàm phán giải quyết Vụ kiện quốc tế của Nhà thầu Conocophilip kiện Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh pháp luật trước đây chưa rõ ràng và Hợp đồng dầu khí ký trước đây có những điểm bất lợi. Kết quả sau 4 năm đấu tranh, Nhà thầu đã phải đề xuất hòa giải, chấm dứt vụ kiện và chấp nhận nộp vào NSNN gần 60 triệu USD tiền thuế, tiền chậm nộp đối với giao dịch chuyển nhượng gián tiếp ở ngoài Việt Nam…
“Tớ luôn quan điểm không để nước ngoài “ăn không” của mình, hết sức cảnh giác với nước ngoài, họ có hàng trăm năm tư bản, dạn dày kinh nghiệm, còn mình thì mới “mở cửa”... Họ có rất nhiều “chiêu”, từ chuyển giá, vốn mỏng, điều chuyển lợi nhuận, tổ chức lại công ty, mua bán sáp nhập, tái cấu trúc tài chính, từ khoản vay thành vốn chủ, phân bổ chi phí công ty mẹ, hỗ trợ kỹ thuật, phí bản quyền, thương hiệu, chuyên gia, .... nên luôn phải đề phòng. Hơn nữa, đối tượng này rất hiểu về pháp luật, nên muốn “thắng” được họ thì phải chắc về luật pháp, vững về chuyên môn, có nhiều nguồn thông tin quản lý và phải phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng…”- ông bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Phụng (bên trái) và Nhà báo Phan Thanh Lan, Báo Pháp luật Việt Nam |
Và « chiến dịch » nắm kẻ « không có tóc »…
Ngày 21/3 Tổng cục Thuế đã chính thức công bố Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (NCCNN). Chia sẻ với PLVN, ông không dấu được cảm xúc: “Đây là chiến dịch cuối cùng của anh trước khi nghỉ”.
Khi việc QLT DNL đã dần đi và ổn định thì nỗi trăn trở lớn nhất của ông là làm sao thu được thuế của những con “cá mập” ngoài biên giới, mỗi năm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là Google, Facebook, Tik Tok, Amazon… và có khoảng 70 DN trong “tầm ngắm” của cơ quan thuế.
Đó là lý do ông và các đồng nghiệp Cục Thuế DNL, các đơn vị của Tổng cục Thuế lại bắt tay “làm ngày, làm đêm” để cho ra mắt Cổng TTĐT dành cho NCCNN.
“Trước đây, có trường hợp chúng ta thu được, có trường hợp không, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào DN Việt Nam thông qua cơ chế thuế nhà thầu. Với việc mở ra cổng này,NCCNN không thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế. Nước ngoài nhận được tiền của dân ta, phát sinh nghĩa vụ thuế thì ta được quyền thu thuế và chúng ta phải có công cụ cho họ khai, nộp tại Việt Nam…”- Ông Phụng giải thích và cho biết, theo Luật QLT và các văn bản hướng dẫn, thời hạn kê khai, nộp thuế phát sinh Quý I/2022 chậm nhất là ngày 30/4/2022.
Cuộc trò truyện của chúng tôi ngay sau thời hạn 30/4 đã liên tục bị gián đoạn vì các cuộc điện thoại từ các cơ quan, tổ chức nước ngoài. Ông cho biết, sau ngày 30/4/2022, Cục Thuế DNL sẽ lập danh sách các NCCNN chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và thông báo trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế Việt Nam và các kênh thông tin truyền thông khác…
”Trước đây thì nói không có công cụ để quản lý, bây giờ có rồi thì nói cần phải làm quen. Tại sao lại đòi hỏi đặc quyền cần thêm thời gian để hiểu quy định pháp luật, trong khi DN của Việt Nam phải chấp hành ngay khi Luật có hiệu lực?- ông thẳng thắn trả lời ai đó phía đầu dây, đồng thời nhấn mạnh: “Thời hạn 30/4 là Luật quy định, ông Phụng không có quyền thay đổi. Sau ngày này, hệ thống của chúng tôi sẽ công bố quyết định xử phạt. Ai thắc mắc gì đến Văn phòng sẽ được giải quyết!”- Giọng ông vẫn sang sảng đầy uy quyền khi chỉ ít ngày nữa ông cầm sổ hưu…
“DNL có đặc thù là chấp hành pháp luật tốt. Nhưng không may nó vi phạm thì vi phạm rất lớn vì quy mô to. Chính vì vậy, đầu tiên phải rõ ràng, công khai, minh bạch chính sách, nhất là chính sách phải làm sao để họ không lách được, để để họ tự giác, làm tốt, nộp thuế tốt. Việc chính của mình là hỗ trợ họ làm tốt, sản xuất kinh doanh tốt và nộp thuế nhiều hơn. Đây là cái chính, chứ không phải nhằm vào thanh tra, kiểm tra, làm khó họ, cái đấy là sai…” (Ông Nguyễn Văn Phụng- Cục trưởng Cục Thuế DNL, Tổng cục Thuế). |