[links()]"Ở tuổi của tôi, tiền tài, địa vị không còn quá hấp dẫn. Điều tôi muốn là được trải nghiệm những gì mình chưa có trong mấy chục năm qua", nguyên Phó tổng giám đốc Đài THVN Trần Đăng Tuấn chia sẻ với VnExpress.net về công việc mới.
- Từng là Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, động lực nào đã khiến ông quyết định về "đầu quân" cho một doanh nghiệp tư nhân như Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG)?
- Ở tuổi của tôi, thật khó để nói rằng tôi đi làm ở đâu đó để nghĩ đến quyền lợi của hàng triệu người, như ai đó nói. Nói như vậy to tát quá. Tôi cũng không còn quá sung sức. Tuy vây, cũng tự cảm thấy mình còn chút khả năng nào đấy, được tính bằng số năm nhất định. Tôi muốn dùng quỹ thời gian ấy, khả năng ấy để trải nghiệm những điều khác so với những gì tôi đã trải qua trong mấy chục năm vừa rồi. Đấy là nguyên nhân chính khiến tôi tiếp tục làm việc.
Riêng về AVG, đây là một mảnh đất mới. Một mảnh đất mới thì bao giờ cũng quyến rũ cho dù mình chưa hiểu nhiều về nó. Ở tuổi này, tôi vẫn tự cho phép mình có những thử nghiệm và coi đó là niềm vui.
|
"Tiền tài, địa vị không còn hấp dẫn với tôi". |
- Ông đặt ra điều kiện gì khi hợp tác với AVG?
- Không biết mọi người có tin không nhưng tôi chẳng đặt điều kiện gì với lãnh đạo AVG cả. Như tôi đã nói, đây đơn giản đó là một mảnh đất mới, rất quyến rũ. Có lẽ điều kiện duy nhất của tôi là kênh Văn hóa phương đông mà AVG dự kiến phát sóng. Đây là kênh mà tôi và rất nhiều người khác quan tâm. Điều kiện mà tôi đưa ra là được làm kênh đó.
- Lãnh đạo Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đã chính thức đề nghị ông giữ cương vị Tổng giám đốc (CEO). Ông đã nhận lời hay chưa?
- Tôi chắc chắn sẽ có một công việc tại AVG trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc có giữ chức Tổng giám đốc hay không thì tôi vẫn chưa chính thức quyết định. Đối tôi bây giờ, tiền tài hay địa vị không còn quá hấp dẫn. Điều quan trọng là mình sẽ làm việc gì, những việc đấy mình có làm được không? Tôi muốn tìm hiểu kỹ, xem việc gì mình có thể làm được, việc gì mình còn cảm thấy băn khoăn. Tôi cần thêm một ít ngày nữa để quyết định chuyện này.
- AVG, nơi mà ông sắp nhận công tác, sẽ triển khai mạng truyền hình trả tiền thứ 3 ở cấp độ toàn quốc (sau VTV và VTC). Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của loại hình truyền hình này tại Việt Nam?
- Dù muốn hay không, ta vẫn phải thừa nhận rằng truyền hình tại Việt Nam đang bước sang giai đoạn kỹ thuật số. Hiểu đơn giản, truyền hình kỹ thuật số là việc bạn có thể xem được nhiều kênh, với tính tương tác cao hơn. Nếu nói về chất lượng thì hiện rất khó so sánh các chương trình truyền hình tại Việt Nam với thế giới. Nhưng điều chắc chắn là người dân đã bắt đầu được xem truyền hình đa kênh. Tuy vậy, phần lớn loại hình truyền hình này mới có ở thành phố, vùng xa xôi thì chưa được hưởng nhiều.
|
Ông Trần Đăng Tuấn và ông Đặng Thành Văn, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Bình Dương, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát nội dung một số chương trình do AVG sản xuất. |
Về lý thuyết thì càng nhiều người làm thì quá trình phổ cập truyền hình số càng được đẩy nhanh hơn, tránh được chuyện chậm trễ, độc quyền... Tuy nhiên, nhiều người làm thì sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Nếu không có triết lý kinh doanh tốt thì sẽ làm ảnh hưởng đến người dân. Nhưng khi nhiều người làm thì sẽ rất khó có cửa để kinh doanh truyền hình theo kiểu chộp giật. Vì khi đó, những nhà cung cấp khác sẽ có cơ hội để chứng tỏ ưu thế. Việc kinh doanh sẽ đổ bể rất nhanh.
Do vậy tôi cho rằng giai đoạn phát triển truyền hình theo hướng “tự nhiên chủ nghĩa” đã qua rồi. Giờ là lúc người ta phải có triết lý kinh doanh đúng đắn, hành động theo hướng các bên cùng có lợi thì mới có cơ thắng.
- Tuy vậy, thực tế thời gian qua cho thấy, tuy đã có nhiều doanh nghiệp tham gia làm truyền hình nhưng tình trạng độc quyền truyền hình thậm chí còn nhức nhối hơn. Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?
- Thực tế việc kinh doanh truyền thông trên thế giới đã cho thấy người ta có thể chọn cho mình một chiến lược kinh doanh riêng. Có những tờ báo bán với giá rất đắt và không cần nhiều người mua. Cái mà tờ báo thu được không phải từ tiền bán báo. Tương tự, truyền hình cũng vậy. Có những kênh không cần nhiều thuê bao. Nhưng họ “bán hàng” cao cấp. Đó là một triết lý.
Nếu nói về triết lý thì tôi không có gì phê phán cả vì họ đã thành công ở nhiều nơi. Nhưng kinh doanh ở đâu thì anh phải tính đến nhu cầu, tâm thế xã hội, tình cảm của “thượng đế” tại khu vực đó. Ở Việt Nam, tôi cho rằng việc hướng tới số đông, cố gắng cung cấp dịch vụ với giá hợp lý nhất có thể sẽ là lựa chọn hợp lý.
Theo VnExpress