'Ông trùm Hollywood' Weinstein - từ đỉnh cao đến hố sâu vì bê bối tình dục

Từng đỡ đầu hàng loạt tác phẩm đoạt Oscar, Harvey Weinstein giờ bị sa thải khỏi chính công ty mình sáng lập sau scandal sex.
'Ông trùm Hollywood' Weinstein - từ đỉnh cao đến hố sâu vì bê bối tình dục

Ngày 8/10, công ty Weinstein ra quyết định sa thải ông chủ Harvey Weinstein sau khi scandal quấy rối tình dục của ông bị  phanh phui. Trước đó, tờ New York Times đăng bài viết tố cáo ông trùm sinh năm 1952 sàm sỡ hàng loạt cô gái trong ba thập niên qua. Sau bài báo này, nhiều phụ nữ khác cũng lên tiếng kể Harvey Weinstein gạ gẫm họ. Vụ bê bối được truyền thông Âu Mỹ xem là một trong các scandal gây rúng động nhất Hollywood năm nay.

Trên tờ Huffington Post, Meryl Streep gọi những phụ nữ tố cáo ông Harvey là anh hùng. Minh tinh huyền thoại của Hollywood chia sẻ: "Tin tức đáng hổ thẹn về Harvey Weinstein gây hoảng sợ cho tất cả những người từng được ông ấy đỡ đầu, cũng như những người có mục đích tốt và xứng đáng mà ông ấy từng giúp đỡ".

Chính Meryl Streep - ở lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2012 - từng gọi Harvey là "Chúa trời". Năm đó, trên cương vị nhà phát hành, ông giúp bà càn quét các giải thưởng với phim The Iron Lady, trong đó có Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc". Hai phát biểu của Meryl Streep cách nhau 5 năm thể hiện rõ hai mặt trong chân dung của Harvey Weinstein.

ong-trum-hollywood-weinstein-tu-dinh-cao-den-ho-sau-vi-be-boi-tinh-duc

Meryl Streep từng dành nhiều lời tốt đẹp cho Harvey Weinstein.

Trước công chúng, ông là nhà sản xuất và phát hành tầm cỡ, nâng đỡ hàng loạt dự án nghệ thuật và giúp phim hãng mình liên tiếp giành Oscar. Bản thân Harvey là người ủng hộ giới nữ ở Hollywood và từng quyên góp đáng kể cho các quỹ từ thiện của Tổng thống Obama và Clinton. Tuy nhiên, trong đời sống riêng tư, ông bị xem là kẻ lạm dụng quyền lực, ép buộc tình dục các cô gái, đồng thời dùng tiền bạc và thế lực để ngăn họ lên tiếng.

Những vụ quấy rối tình dục của Harvey Weinstein được cho là đã kéo dài 30 năm qua. Theo New York Times, có ít nhất tám lần ông Harvey dùng tiền để các nạn nhân im lặng. Các vụ việc thường diễn ra theo cùng mô-típ khi các diễn viên và các nhân viên nữ được mời đến chỗ ông Harvey Weinstein. Sau đó, ông yêu cầu các cô gái thân mật và hứa giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp.

Trên Guardian, diễn viên Ashley Judd - một trong các nạn nhân - cho biết việc sàm sỡ của Harvey lẽ ra đã phải được đưa ra ánh sáng từ lâu. Tuy nhiên, do quyền lực của ông chủ Weinstein quá lớn nên một số cô gái không dám khai báo vì sợ bị trả thù. Theo một cựu nhân viên nói trên New York Times, ông Harvey đề ra "luật im lặng" và trong hợp đồng của các nhân viên có điều khoản không được chỉ trích công ty hay lãnh đạo theo cách có thể gây tổn hại đến danh tiếng của tổ chức hay các nhân viên khác.

Cây bút Maureen Ryan của Variety cho rằng vấn đề sâu xa nằm ở ngành giải trí Mỹ. Những người muốn tiến thân trong giới này luôn là mục tiêu để những kẻ có quyền lực lạm dụng. Hơn nữa, công chúng có khuynh hướng chấp nhận việc "có tật có tài" của các nghệ sĩ và ông bầu của họ. Để tạo ra những tác phẩm hay, những người này được phép phá luật, không chỉ trong nghệ thuật mà cả ngoài đời. Trên thực tế, nhiều diễn viên và đạo diễn từng phạm tội nhưng họ vẫn được công chúng tha thứ.

ong-trum-hollywood-weinstein-tu-dinh-cao-den-ho-sau-vi-be-boi-tinh-duc-1

Harvey Weinstein và Rose McGowan - một trong những người tố cáo ông. Tờ New York cho rằng trong vài năm gần đây, nhiều phụ nữ đoàn kết lại, công bố các vụ việc lạm dụng tình dục ở Hollywood. Đồng thời, nhận thức của công chúng cũng tăng lên, khiến những người như Harvey Weinstein phải hứng chịu búa rìu dư luận khi bị đưa ra ánh sáng.

Tình yêu điện ảnh của Harvey Weinstein là không thể phủ nhận. Trên New Yorker, ông từng nói: "Cả đời tôi chỉ phụng sự một chủ nhân duy nhất là phim ảnh. Tôi yêu các bộ phim". Sinh năm 1952 ở New York (Mỹ), ông cùng em mình là Bob Weinstein nuôi ý định tham gia ngành điện ảnh từ thập niên 1970. Harvey không đầu quân cho các hãng phim lớn mà cùng em trai thành lập một công ty phim độc lập có tên Miramax vào năm 1979.

Ông vươn đến quyền lực bằng cách tìm kiếm các phim nghệ thuật kinh phí thấp, phát hành, biến chúng thành những tác phẩm được công chúng yêu thích và sinh lời. Thông qua việc này, Harvey cũng giúp dòng phim độc lập có tiếng nói mạnh mẽ hơn ở Hollywood.

Sau thành công của Sex, Lies, and Videotape (1989, đạo diễn Steve Soderbergh), hãng bắt đầu gây chú ý. Từ năm 1990, với đầu óc nhạy bén, Harvey Weinstein bắt đầu ý thức đến việc vận động hành lang để "săn" giải thưởng. Trang Vulture tổng hợp hàng loạt chiến dịch vận động Oscar của ông trong gần ba thập niên, trong đó nhiều thông tin lấy từ tập sách Down and Dirty Pictures của nhà phê bình Peter Biskind.

Trong sách này, Harvey chia sẻ: "Đầu thập niên 1990, các hãng lớn gần như mặc định thắng Oscar bởi không có phim độc lập nào quảng bá mạnh mẽ. Thay vì ngồi yên và để những kẻ có nhiều tiền, quyền lực và tầm ảnh hưởng hơn đánh bại, chúng tôi tiến hành một cuộc 'chiến tranh du kích', tạo ra nhiều sự kiện để các thành viên Viện Hàn lâm gặp gỡ các tài năng điện ảnh của chúng tôi, thuyết phục họ xem phim chúng tôi".

ong-trum-hollywood-weinstein-tu-dinh-cao-den-ho-sau-vi-be-boi-tinh-duc-2

Harvey Weinstein và vợ - nhà thiết kế Georgina Chapman. Ảnh:Reuters.

Chiến lược này tiếp tục được duy trì trong các mùa Oscar sau với mức độ ngày càng gay gắt. John Ericson - một thành viên Viện Hàn lâm - chia sẻ trên New York Times rằng một đại diện của hãng Miramax từng gọi ông nhiều lần để mời xem Sling Blade (1996) - một phim ít người biết đến của đạo diễn Billy Bob Thornton do Miramax phát hành. Sau đó, người này tiếp tục thuyết phục Ericson bỏ phiếu cho tác phẩm. Ericson cuối cùng đã bình chọn phim và Sling Blade giành giải Oscar "Kịch bản chuyển thể xuất sắc".

Để giành được chiến thắng, Harvey Weinstein cũng không từ các trò chơi xấu. Năm 2002, theo cuốn Down and Dirty Pictures, để mở đường cho In the Bedroom của Miramax, Harvey cho người bôi nhọ đối thủ A Beautiful Mind - phim tiểu sử về thiên tài John Nash. Một cây bút của Los Angeles Times bị cho là đã nhận tiền để viết bài chỉ trích A Beautiful Mind bỏ qua việc John Nash bị đồn là đồng tính. Một năm sau, để tấn công phim The Pianist của Roman Polanski, Harvey bị cho là đã thuê người viết bài khơi lại vụ án ấu dâm của đạo diễn.

Những chiến dịch thực dụng của Harvey Weinstein nhiều lần phát huy hiệu quả. Vào thập niên 1990, hãng Miramax của ông có hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang như Pulp FictionThe English PatientGood Will Hunting và Shakespeare in Love. Với cương vị nhà sản xuất Shakespeare in Love, Harvey nhận tượng vàng Oscar khi tác phẩm thắng giải "Phim xuất sắc" năm 1999. Lúc này, Disney đã mua lại công ty Miramax nhưng anh em Weinstein vẫn nắm quyền điều hành.

Năm 2005, Harvey rời khỏi Miramax, thoát khỏi sự kiểm soát của Disney, một lần nữa tự thành lập công ty riêng Weinstein để đương đầu với các ông lớn Hollywood. Các phim của hãng Weinstein như The King's SpeechDjango Unchained hay Silver Linings Playbook tiếp tục gặt hái nhiều giải thưởng.

Ở đỉnh cao, quyền lực của Harvey Weinstein phủ bóng các mùa giải thưởng. Trang Guardian thống kê các phim của hãng ông nhận được tổng cộng hơn 300 đề cử Oscar. Cây bút Catherine Shoard của báo này thậm chí nói đùa rằng sẽ có một ngày Viện Hàn lâm đúc tượng vàng theo hình ảnh ông.

Cách Harvey Weinstein thực hiện các cuộc vận động cũng phần nào nói lên cá tính của ông. Tình yêu quyền lực, ham muốn kiểm soát tuyệt đối và niềm tin bất khả chiến bại là những đặc điểm của ông chủ hãng Weinstein. Đạo diễn James Ivory từng chia sẻ trên New York: "Ông ấy là kẻ bắt nạt, biết rằng nếu la hét và trừng phạt người khác đủ nhiều sẽ đạt được thứ mình muốn. Ông ấy vừa là thiên tài, vừa là tên khốn nạn mà không may thay, những thứ đó lại đi cùng nhau".

ong-trum-hollywood-weinstein-tu-dinh-cao-den-ho-sau-vi-be-boi-tinh-duc-3

Harvey Weinstein từng đến thăm Ngô Thanh Vân trên phim trường "Tấm Cám: Chuyện chưa kể".

Sau khi bài báo quấy rối tình dục được đăng, Harvey Weinstein xin lỗi công khai: "Tôi biết cách mình cư xử với các đồng nghiệp trong quá khứ đã gây nhiều đau đớn. Tôi thành thật xin lỗi vì điều đó. Tôi lớn lên trong thập niên 1960 và 1970, nơi các luật lệ về hành vi và nơi làm việc khác bây giờ. Những gì tôi làm là văn hóa ở thời điểm đó". Tuy nhiên, ông lại khẳng định sẽ kiện tờ New York Times vì đưa sai sự thật.

Trang Variety nhận định cách ứng xử của Harvey Weinstein không hợp lý và mang tính nước đôi, vừa xin lỗi nhưng cũng vừa phủ nhận và bao biện. Chuyên gia truyền thông Elizabeth Toledo cho biết: "Chiến lược này làm tương lai Harvey không thuận lợi, khiến ông ấy trông như một người khó gần. Ông ấy vẫn tin rằng có thể quảng bá tốt cho mình bằng cách ủng hộ các phong trào tự do, nhưng lần này sẽ không như thế. Đôi khi thật khó để những người có quyền lực nhận ra thế giới đã thay đổi toàn diện thế nào".

Cũng theo trang Variety, sự nghiệp của Harvey Weinstein nhiều khả năng đã chấm dứt. Ông trùm sinh năm 1962 được cho là khó có thể tìm lại hào quang sau vụ bê bối rúng động này.