Thứ nhất, ông Trump đưa ra những quyết sách nói trên bất chấp quan điểm khác và khuyên can của những cộng sự thân cận và cao cấp nhất về an ninh, quân sự và đối ngoại; cũng như bất chấp sự phản đối của không ít dân biểu trong quốc hội Mỹ thuộc cả Đảng Cộng hoà cũng như Đảng Dân chủ. Người dân Mỹ nói chung không muốn quân đội Mỹ tham chiến ở bên ngoài nước Mỹ.
Thế nhưng Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và cả Quốc hội Mỹ hiện vẫn đều thiên về quan điểm là Mỹ chưa thể rút quân ra khỏi Syria và Afghanistan được.
Trong trường hợp Iraq cũng thế. Họ viện dẫn những lý do như mối đe doạ an ninh đối với Mỹ, vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh thế giới của Mỹ, uy tín và độ tin cậy của Mỹ ở các đồng minh và đối tác chiến lược.
Họ quả quyết rằng Mỹ rút quân đi tức là giảm mức độ can dự quân sự trực tiếp và như thế tạo ra khoảng trống về chiến lược quân sự và an ninh cũng như tạo cơ hội cho các đối thủ và kẻ thù của Mỹ trên thế giới bù lấp khoảng trống ấy.
Thứ hai, ông Trump triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi hai nơi này mà trước đó không bàn thảo, thông báo và phối hợp hành động gì với những đồng minh chính trị và quân sự chiến lược ở trong cũng như ngoài Syria và Afghanistan. Tất cả những đồng minh này đều bị bất ngờ và ngỡ ngàng, đều bị đặt trước sự đã rồi và đều bị động ứng phó.
Ở đây có thể thấy là ông Trump nhìn nhận các đồng minh kia chỉ là công cụ để thực hiện lợi ích riêng. Những người tiền nhiệm của ông Trump đều không đối xử các đồng minh này của Mỹ như thế. Cũng bởi vậy, các đồng minh này phải rút ra từ đấy những bài học và kết luận cần thiết để xử lý quan hệ với Mỹ trong thời gian tới, ít nhất thì cũng chừng nào ông Trump còn tại vị ở Nhà Trắng.
Thứ ba, ông Trump rút quân đội Mỹ đi khi ở cả Syria và Afghanistan đều chưa có thấy bóng dáng cụ thể gì của giải pháp chính trị hoà bình. Tức là mọi chuyện ở hai nơi này vẫn đều còn dang dở. Trong những năm qua, Mỹ đã đổ vào Syria và Afghanistan rất nhiều công của mà khi ông Trump quyết định rút quân khỏi đó như thế này, Mỹ đều chưa đạt được những mục tiêu đã đề ra.
|
Một binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ ở Afghanistan |
Ở Afghanistan chẳng hạn, mục tiêu của Mỹ là tiêu diệt Taliban và xây dựng chính thể mới thân Mỹ, có lợi cho Mỹ và rồi dần tự đảm bảo được an ninh và ổn định. Thực trạng hiện tại ở Afghanistan là Taliban trỗi dậy mạnh mẽ và chính thể mới ở xứ này không phải là đối thủ quân sự của Taliban.
Hay như ở Syria, Mỹ đề ra ba mục tiêu cho việc can dự quân sự bằng không kích và triển khai khoảng 2.000 binh lính và nhân viên: Tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đẩy lùi ảnh hưởng của Iran và gây dựng giải pháp chính trị hoà bình bền vững.
Ông Trump tuyên bố Mỹ đã đánh thắng IS ở Syria nên có thể rút quân Mỹ về. Đúng là nhà nước tự xưng IS đã bị đánh tan ở Syria nhưng tàn quân IS vẫn hoạt động. Mỹ rút quân khỏi Iran tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Iran tăng cường ảnh hưởng và vai trò ở Syria. Hiện tại ở Syria cũng còn đâu đã có được giải pháp chính trị đảm bảo cho tương lai chính trị và an ninh ổn định.
Cho nên ông Trump rút quân đội Mỹ ra khỏi đấy trong thực chất không phải vì Mỹ đã đạt được những gì Mỹ muốn, mà vì thấy rằng không thể đạt được những gì mong muốn và nếu cứ tiếp tục “cố đấm ăn xôi” thì rồi sẽ chỉ “mất cả chì lẫn chài”.
Ông Trump muốn nước Mỹ tránh bị thất bại khi không thể chiến thắng được nữa. Ông Trump lại có thể dùng việc rút quân về này làm bằng chứng về thực hiện cam kết tranh cử và tận dụng tối đa tác động dân tuý của việc ấy. Việc rút quân Mỹ đi phù hợp với hệ quan điểm chính sách mà ông Trump đã khái quát thành phương châm “Nước Mỹ trước hết”.
Nếu ông Trump thật sự điều chỉnh chiến lược này thì cục diện tình hình ở Syria và Afghanistan tới đây sẽ chuyển biến rất cơ bản.
Tướng Robert Neller, tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ, và Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer đang có chuyến thăm Afghanistan để úy lạo binh sĩ trong kỳ nghỉ Giáng sinh và họ không thể nói được gì nhiều với các quân nhân ở đây về bước đi tiếp theo của Lầu Năm Góc.
Một binh sĩ hỏi tướng Neller rằng mệnh lệnh của Tổng thống sẽ tác động như thế nào đến hoạt động triển khai của họ ở Afghanistan, và vẻ lúng túng lập tức hiện rõ trên gương mặt tư lệnh này. "Đây đúng là một câu hỏi hay", Neller trả lời. "Và câu trả lời thành thật nhất là tôi không biết".
Cho đến nay, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể nào về thời gian biểu và kế hoạch chi tiết thực thi lệnh rút quân của Trump. Tổng thống Mỹ cũng chỉ tung ra một loạt thông điệp trên Twitter để bảo vệ quyết định của mình, nhưng không công bố chương trình rút quân chi tiết.
Bộ trưởng Hải quân Spencer thì nói rằng ông chưa nhận được bất cứ mệnh lệnh chính thức nào từ Nhà Trắng hay Lầu Năm Góc về việc xây dựng kế hoạch rút lực lượng về nước. "Chưa có gì chính thức cả, mới chỉ là những dòng tweet".