“Karo – kari” - tiếng địa phương dùng để nói về hủ tục “giết người vì danh dự” ở Pakistan; trong đó, kẻ giết người thường là đàn ông - giết chết một người họ hàng, phổ biến là người trong gia đình - vì cho rằng người đó làm ô uế danh dự gia đình, dòng họ. Nạn nhân lúc nào cũng là phụ nữ, thường xuyên là con gái, là em gái, chị gái, là vợ, có khi cả là mẹ của kẻ giết người.
Kẻ máu lạnh cùng huyết thống
Mubeen Rajhu, 1 thanh niên trầm tính làm việc trong một nhà máy thép ở Lahore. Hắn có em gái Tasleem Rajhu (18 tuổi) ngoan ngoãn và hiền lành. Một ngày, Mubeen đi làm và nghe đầy những lời xì xào về em gái của hắn.
Có kẻ nói rằng đã nhìn thấy Tasleem đi với một thanh niên Công giáo trong khu ổ chuột vùng ngoại ô Lahore. Mặc dù Tasleem là người Hồi giáo và chàng trai kia cũng đã cải đạo vì yêu cô nhưng việc họ đang có mối quan hệ nam nữ là điều không thể chấp nhận trong xã hội Pakistan từ nhiều năm nay.
Trong công xưởng, những lời bàn tán ngày một nhiều, họ cười cợt khiến Mubeen nhiều lúc tức điên. Ali Raza, đồng nghiệp của Mubeen kể, nhiều người biết em gái của Mubeen đang yêu đương. Có kẻ còn kích bác, “sao thằng Mubeen không làm gì nhỉ, hay nó bị làm sao. Nó có phải thằng đàn ông nữa không?”.
Những lúc như thế, Mubeen không giữ được bình tĩnh và quát lớn “Nếu chúng mày không ngừng lại, tao sẽ tự tử. Dừng lại ngay”. Đáp lại, những kẻ nhiều chuyện chỉ quay đi với nụ cười bỏ dở, đầy vẻ khinh bỉ. Và có người quẳng lại một câu: “Tốt hơn là giết chết em gái mày đi, hay là để nó tiếp tục mối quan hệ đó”.
Suốt 2 tháng, Mubeen bị giễu cợt và soi mói từ những ánh mắt thách đố của đồng nghiệp. Cuối cùng hắn cũng mua một khẩu súng lục. Vào một ngày tháng 8, hắn không đến nơi làm việc như thường lệ.
Mubeen phát hiện ra em gái bất chấp sự ngăn cản của gia đình đã kết hôn với chàng trai người Công giáo. Sự tức giận của Mubeen lên đến đỉnh điểm. Hắn phớt lờ lời khẩn cầu của người mẹ, mang theo khẩu súng đến chỗ em gái. Một phát đạn vào đầu đã khiến cô em gái tử vong.
Câu chuyện bi kịch về người anh trai giết chết em gái như Mubeen không có gì mới mẻ hay lạ lẫm ở Pakistan. Những kẻ giết người tự cho mình quyền kết liễu cuộc đời người khác để bảo vệ cái gọi là “danh dự” của gia đình.
Trong phần lớn các trường hợp, những sát thủ “giết người vì danh sự” này là một người đàn ông và nạn nhân luôn là phụ nữ. Đó có thể là một cô gái yêu phải một chàng trai mà gia đình không thích. Đó cũng có thể là cô con gái từ chối một cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, đôi khi chú rể là người đáng tuổi cha chú. Đó là một người vợ không thể chịu được cuộc hôn nhân bất hạnh và quyết định ly hôn.
Mubeen Rajhu – kẻ giết chết em gái mình vì “danh dự” (Ảnh AP) |
Còn sát thủ là một người anh trai, giống như Mubeen, không chịu nổi sự chế nhạo của những người đàn ông khác và luôn tin rằng phụ nữ là kẻ phụ thuộc, giá trị duy nhất của họ là sinh con trai. Hắn cũng có thể là một người hàng xóm, những kẻ cảm thấy “ngứa mắt” trước những hành vi mà họ cho là đáng phải xử tử. Kẻ giết người cũng có thể là một người cha, giống như cha của Tasleem.
Góc khuất sau bi kịch
Mubeen nói, rất yêu thương em gái hiền lành, xinh đẹp và chưa từng cãi lời người lớn trong gia đình. Hắn cũng cho Tasleem một cơ hội và bắt cô thề rằng không bao giờ “qua lại” với chàng trai người Công giáo đó nữa. Vì quá sợ hãi, Tasleem đã chấp nhận… Nhưng Mubeen không ngờ rằng Tasleem đã nói dối gia đình, lén lút kết hôn với bạn trai. “Tôi nói với nó rằng, tôi sẽ không dám nhìn mặt hàng xóm, bạn bè nếu nó làm thế. Nhưng nó đã không nghe lời”, Mubeen phân trần.
Theo lời kể của Mubeen, sau khi Tasleem bí mật kết hôn, cô đã trở về nhà với mong muốn thuyết phục gia đình chấp nhận cuộc hôn nhân của cô. Trong suốt 1 tuần ở lại nhà mẹ, cô liên lạc điện thoại thường xuyên với chồng, bàn kế hoạch chung sống trong tương lai và tất cả những điều đó không qua nổi mắt người anh trai. “Tôi không thể để nó đi. Đó là tất cả những gì tôi nghĩ được. Tôi phải giết nó. Không còn lựa chọn nào khác!”, Mubeen kể lại.
Sau khi giết chết em gái, Mubeen có thể ân hận hoặc chẳng cảm thấy gì bởi việc làm đó được truyền thống “cho phép”. Điều đó có thể giải thích khi những người đàn ông hàng xóm của Mubeen tỏ ra hả hê trước hành động của hắn. “Tôi tự hào vì thằng bé làm thế, nó đã làm đúng. Chúng ta không cho phép bất cứ ai ngoại đạo cưới con gái của chúng ta”, Babar Ali nói.
Còn cha Mubeen, ông ta tức giận chỉ vì 2 lý do: Mubeen sẽ phải vào tù, có nghĩa gia đình mất nguồn thu nhập gần 200 USD mỗi tháng và câu chuyện gia đình ông sẽ được lan truyền và nhiều người biết đến.
“Gia đình tôi đã bị hủy hoại. Mọi thứ đều bị hủy hoại bởi đứa con gái đáng xấu hổ này.” Thậm chí cha cô gái xấu số luôn cho rằng cái chết của cô là do cô tự chuốc lấy. Ông cũng liên tục buộc tội con gái đã đánh thuốc mê cả nhà để bỏ trốn theo bạn trai.
Theo truyền thống, nếu gia đình đồng ý làm đơn miễn tội, hung thủ giết người như Mubeen sẽ được trắng án. Lỗ hổng luật pháp này tồn tại kể từ khi Pakistan độc lập và trở thành sự bất công tàn nhẫn trong xã hội, đồng thời gây nên nhiều hệ lụy.
Ở các làng quê xa xôi, những kẻ có quyền và tiền lạm dụng hủ tục “giết người danh dự” thành công cụ để giải quyết các mâu thuẫn hay thậm chí để cướp đất, cướp tiền trắng trợn từ những người nghèo. Nhưng nay đã khác, chính phủ Pakistan vừa thông qua điều luật mới, quy định kẻ "giết người vì danh dự" phải chịu hình phạt nhẹ nhất là 25 năm tù.
Thắt chặt luật pháp
Theo số liệu từ Ủy ban nhân quyền Pakistan, mỗi năm có khoảng 1.000 phụ nữ đã bị "giết vì danh dự". Con số này có thể còn cao hơn vì nhiều trường hợp không được báo cáo. Còn theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015, Pakistan đứng thứ 144 trên 145 nước ở hạng mục bình đẳng giới.
Chính quyền Pakistan đã bị nhiều áp lực từ cả bên trong và bên ngoài để trừng phạt những kẻ mượn danh nghĩa “danh dự” mà giết người. Áp lực đó càng gia tăng trong thời gian qua, theo sau nhiều vụ “giết người vì danh dự” liên quan đến những người nổi tiếng.
Những người hàng xóm đồng tình với hành động của Mubeen (Ảnh AP) |
Chẳng hạn như vụ Qandeel Baloch - người mẫu và ngôi sao mạng xã hội được ví là Kim Kardashian của Pakistan - đã bị anh trai mình giết chết vì làm trái với niềm tin của hắn ta. Trong đoạn video tung lên mạng sau khi giết chết em gái, hắn không tỏ một chút hối hận nào: “Tôi tự hào vì điều tôi đã làm. Tôi đã đánh thuốc mê nó trước, sau đó giết nó sau”.
Đầu năm nay, bộ phim tài liệu “Cô gái trên sông: Cái giá của sự tha thứ” nói về những vụ giết người vì danh dự ở Pakistan được trao giải Oscar 2016. Sau khi xem bộ phim này, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif nói rằng ông sẽ thay đổi luật về những cái chết danh dự. Mọi thủ phạm trong các vụ án dạng đó sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt, ngay cả khi được gia đình tha thứ.
Luật mới được Quốc hội Pakistan thông qua sẽ loại bỏ một lỗ hổng trong pháp luật hiện hành tại nước này khi cho phép các thành viên trong gia đình nạn nhân tha thứ cho kẻ giết người. “Luật pháp có nghĩa vụ định hướng những hành vi tích cực, không cho phép những hành vi tiêu cực xảy ra mà không bị trừng phạt”, thượng nghị sĩ Sughra Imam, người đề xuất dự luật này, nói với giới truyền thông.
Điều luật trên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các nhà hoạt động vì phụ nữ, vì bình đẳng giới dù họ nhấn mạnh, còn rất nhiều điều phải làm phía trước giữa xã hội Pakistan bảo thủ và trọng nam, khinh nữ.